Thanh toán không dùng tiền mặt: Đang làm lợi cho thẻ quốc tế

(ĐTTCO)-Thanh toán thẻ tín dụng ngày càng được ưa chuộng vì các yếu tố tiện và lợi. Song các doanh nghiệp, cửa hàng lại ngán ngẩm vì chấp nhận giao dịch thẻ tín dụng phải trả phí cao, ăn vào tiền lãi kinh doanh. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đang “đụng” rào cản phí, đáng nói là phí này chủ yếu thuộc về các tổ chức thẻ quốc tế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Phí cao, NH không được hưởng
Theo sách trắng "Châu Á trong kỷ nguyên mới của thanh toán điện tử" của hãng nghiên cứu IDC, năm 2019 trung bình mỗi người Việt chi tiêu 176USD bằng thẻ tín dụng, 103USD bằng thẻ ghi nợ và 36USD bằng ví điện tử.
Báo cáo của Hội thẻ NH Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, số lượng thẻ phát hành đạt khoảng 10 triệu. Tuy nhiên, thẻ tín dụng quốc tế, ghi nợ quốc tế vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt với mức tăng 24%, cao hơn so với 2019; cơ cấu tỷ trọng doanh số sử dụng thẻ có dịch chuyển từ thẻ nội địa sang thẻ quốc tế và từ thẻ ghi nợ sang thẻ tín dụng và thẻ trả trước.
Điều này cho thấy, thẻ tín dụng đang chiếm ưu thế trong thanh toán chi tiêu, bởi có ưu điểm lớn là chi tiêu trước trả tiền sau.
Trong khi đó, theo quy định, mức phí chấp nhận thẻ nội địa dao động 0,2-0,3%, nhưng mức phí chấp nhận thẻ quốc tế 1,4-3% hoặc cao hơn tính trên doanh số giao dịch. Tức nếu thanh toán hóa đơn 1 triệu đồng bằng thẻ nội địa ATM, cửa hàng nộp phí cho NH 2.000-3.000 đồng cho giao dịch đó.
Còn khách hàng cà thẻ quốc tế, cửa hàng phải chịu phí 14.000-30.000 đồng cũng với hóa đơn đó. Như vậy, khách hàng cà thẻ quốc tế càng nhiều, các cửa hàng càng chịu nhiều phí, vì NH không hỗ trợ khoản này.
Hơn nữa, các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ không được thu bất cứ khoản phụ phí nào với khách hàng khi sử dụng thẻ (ATM hay tín dụng). Do vậy, số lượng điểm bán chấp nhận thanh toán thẻ thay tiền mặt khó phủ rộng, nhất là ở các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.
Hiện nay mức phí chiết khấu giao dịch dao động 1,4-3%, nhưng các NH đang áp dụng phổ biến 1,6-1,8%. Song theo các NH mức thu phí này, không có lãi. Vì với mỗi giao dịch NH cho cửa hàng thuê máy POS phải trả phí 1-1,5% cho các tổ chức thẻ quốc tế, phần còn lại trả cho NH phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng. Các NH phát hành thẻ còn phải dùng tiền của họ để miễn lãi 45 ngày cho chủ thẻ tín dụng.
Thông tin từ Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) cho biết, với 1 giao dịch thẻ, Visa và Mastercard có thể thu các loại phí cấp phép, thanh toán, thương hiệu, chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, dịch vụ… Trung bình các NH thanh toán phải trả cho Visa, Mastercard 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch.
Đáng chú ý, phí xử lý giao dịch bao gồm nhiều loại, vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng phí chồng phí đối với 1 giao dịch.
Ngoài ra, phí thu trên doanh số của giao dịch xuyên biên giới so với phí thu trên doanh số của giao dịch trong Việt Nam, cụ thể Mastercard thu cao gấp 30-70 lần, Visa thu cao gấp 10-30 lần. Như vậy, khi xu hướng cà thẻ hoặc thanh toán thẻ tín dụng tăng mạnh, hưởng lợi nhiều nhất là các tổ chức thẻ quốc tế.

Thúc đẩy thanh toán thẻ nội địa
Trước tác động của dịch Covid-19, các NH đã chủ động giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng, nhưng mức phí của 2 tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard không thay đổi.
Giữa tháng 4 vừa qua, VNBA đã gửi công văn đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế xem xét một số giải pháp trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả NH thanh toán và NH phát hành, áp dụng cơ chế thu 1 loại phí đối với 1 giao dịch và không thu phí đối với giao dịch lỗi. Tuy nhiên, đến nay 2 tổ chức thẻ quốc tế này vẫn chưa phản hồi chính thức về việc giảm phí.
Trong bối cảnh phải trả phí cao, vấn đề đặt ra là vì sao không đẩy mạnh thanh toán thẻ nội địa thay thế thẻ quốc tế? Thực tế cho thấy, thẻ nội địa hiện nay chủ yếu là thẻ ATM có thể dùng để đi thanh toán khi mua hàng tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị hay các cửa hàng lớn thông qua máy POS.
Tuy nhiên, để sử dụng, chủ thẻ phải có tiền trong tài khoản và chỉ được chi tiêu trong khoản tiền có được. Còn với thẻ tín dụng, khách hàng được cấp hạn mức từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, chi tiêu trước trả tiền sau, miễn lãi tối đa 45 ngày, chủ thẻ được trả dần số tiền đã sử dụng, thay vì thanh toán toàn bộ số dư trên bảng sao kê giao dịch hàng tháng.
Vài năm trước, một số NH chạy đua phát hành thẻ tín dụng nội địa, như ACB Express, Sacombank Family, Nam A Bank Cash Card, Vietinbank Cash Plus. Các thẻ này được trang bị đầy đủ tính năng như thẻ tín dụng thông thường, mức phí và lãi suất thấp hơn khi sử dụng so với thẻ quốc tế, nhưng có nhiều hạn chế.
Cụ thể, nó chỉ được sử dụng đối với các giao dịch nội địa, nhiều trang web mua sắm trực tuyến, đặt vé máy bay hay đặt phòng khách sạn không chấp nhận thanh toán bằng loại thẻ này.
Trong khi đó, thẻ Visa, Mastercard hay JCB có thể thanh toán hóa đơn trên toàn cầu, mua trả góp lãi suất 0% và các giao dịch thẻ được ưu đãi hoàn tiền, giảm giá lớn. Vì thế, dù phí quản lý và phí giao dịch cao hơn nhưng thẻ tín dụng quốc tế vẫn được ưa chuộng hơn so với thẻ tín dụng nội địa.
Từ thực trạng trên, ngoài đề nghị Visa và Mastercard giảm phí, việc khuyến khích thanh toán qua thẻ ATM, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thẻ tín dụng nội địa cần được chú trọng hơn để phục vụ khách hàng có nhu cầu thanh toán nội địa. Nền tảng để đẩy mạnh là các nhà băng đã có sẵn sản phẩm này.
Đồng thời, hiện NAPAS đang phối hợp với nhiều NH phát hành thẻ tín dụng nội địa, với nhiều ưu đãi tương đương thẻ quốc tế. Đây là những điều kiện để nâng cao uy tín thẻ tín dụng nội địa, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 

Các tin khác