Tăng trưởng tín dụng đạt 3,34%, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên

(ĐTTCO) - Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều 22-4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2021 và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngân hàng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến ngày 16/4, tổng phương tiện thanh toán (M2 - là một trong những thước đo mức độ “bơm tiền" ra nền kinh tế của hệ thống ngân hàng) tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ. Thanh khoản hệ thống thông suốt. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm 0,1% so với tháng 12/2020.

Cũng tính đến ngày 16/4, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,49 triệu tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%).

Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, tăng 2,42% so với cuối năm 2020, chiếm 8,4%; dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 3,42%; dư nợ tín dụng ngành thương mại dịch vụ đạt 5,9 triệu tỷ đồng, tăng 2,79% so với cuối năm 2020.

Dư nợ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên cũng tăng mạnh. Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với cuối năm 2020; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 279.075 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2020; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 234.321 tỷ đồng, tăng 3,04%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32.470 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 5,26%, chiếm 0,35%.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế cho biết thêm: Tính đến 28/2, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 và cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, dư nợ đối với lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng (giảm 6,98% so với cuối năm 2020, cùng kỳ năm 2020 giảm 3,41%), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tính đến ngày 5/4, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 261.954 khách hàng với dư nợ 356.985 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 663.332 khách hàng với dư nợ 1.273475 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3,1 triệu tỷ đồng cho 456.649 khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 171.638 khách hàng với dư nợ 4.277 tỷ đồng, cho vay mới đối với 2.567.488 khách hàng với số tiền 92.952 tỷ đồng.

Các tin khác