Tại sao lãi suất liên ngân hàng tăng cao?

Ngày 8-9, một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ thị về xử lý lãnh đạo NH huy động vượt trần lãi suất, đã có diễn biến mới, độ nóng của lãi suất huy động chuyển từ giữa NH với người gửi tiền sang giữa NH với NH.

Ngày 8-9, một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ thị về xử lý lãnh đạo NH huy động vượt trần lãi suất, đã có diễn biến mới, độ nóng của lãi suất huy động chuyển từ giữa NH với người gửi tiền sang giữa NH với NH.

Đầu giờ sáng 8-9, NH không còn thương lượng lãi suất với người gửi tiền, những NH còn theo thói quen cũ đều bị NH Nhà nước cảnh cáo ngay sau đó. Vì thế những NH cần vốn nhưng không huy động được của dân chỉ còn trông vào nguồn vay từ các NH bạn.

Khoảng 9 giờ cùng ngày, lãi suất cho vay giữa NH với nhau được cập nhật. NH thừa vốn đã đưa ra mức lãi suất cho vay tăng khá mạnh 17-20%/năm tùy thời hạn, trong đó kỳ hạn ngắn lãi suất cao hơn.

Một lãnh đạo NH cần vốn nói việc thực hiện nghiêm trần lãi suất khiến họ bị NH bạn ép. Nếu trước đây NH bạn đưa lãi suất 19-20% làm họ chuyển sang trả thêm ngoài trần lãi suất để huy động của dân thì nay phải vay của NH bạn. Mức lãi suất trên 17%/năm là quá cao, không ít NH cần vốn lắc đầu nhưng cũng có NH chấp nhận vay để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Có nhiều lý giải khác nhau về nguyên nhân lãi suất vay giữa các NH tăng cao. Có NH nói do một NH cổ phần có vốn nhà nước chi phối - nơi có nhiều vốn để cho NH bạn vay - đang đáo hạn khoản vay và làm lại thủ tục không còn nhiều vốn để cho vay, nên lãi suất tạm nóng.

Những NH cần vốn nói họ vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn rẻ từ NH Nhà nước, từ đó những NH có vốn tận dụng việc thực hiện trần lãi suất để cho vay với lãi suất cao. Xu hướng cho vay lãi suất cao giữa các NH đã có vài ngày trước khi có chỉ thị mới về trần lãi suất huy động.

Lãi suất vay giữa các NH tăng nóng là hạt sạn khi quyết liệt giảm lãi suất cho vay. Tình trạng này cũng từng xảy ra sau những lần NH đồng thuận thực hiện trần lãi suất huy động. Vì vậy nếu để kéo dài, kịch bản cũ được lặp lại, lần này nếu các NH cần vốn không dám xé trần lãi suất huy động thì khó giảm lãi suất cho vay.

Điều thị trường kỳ vọng nhất là sự can thiệp từ NH Nhà nước, bên cạnh biện pháp hành chính (xử lý NH vượt trần) phải có giải pháp kinh tế - tạo kênh dẫn vốn linh hoạt đến các NH cần vốn - vẫn chưa thấy. Lẽ ra để tạo lòng tin cho thị trường, NH Nhà nước can thiệp sớm, ổn định lãi suất huy động không chỉ giữa các NH với người gửi tiền mà cả giữa các NH với nhau.

Có thế việc giảm lãi suất cho vay mới diễn ra đều ở các NH, và những NH cần vốn cũng thoải mái chấp hành nghiêm trần lãi suất huy động.

Các tin khác