Nỗi lo tỷ giá lớn dần

Những ngày qua NHNN liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp nhằm khống chế mối nguy từ tín dụng ngoại tệ, "phòng xa" cho chu kỳ căng thẳng tỷ giá cuối năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay giá USD đã có dấu hiệu “nóng” trở lại trong khi nhu cầu USD cuối năm bắt đầu tăng mạnh. Phải chăng các “liều thuốc” cho thị trường ngoại hối vẫn chưa đủ?

Những ngày qua NHNN liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp nhằm khống chế mối nguy từ tín dụng ngoại tệ, "phòng xa" cho chu kỳ căng thẳng tỷ giá cuối năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay giá USD đã có dấu hiệu “nóng” trở lại trong khi nhu cầu USD cuối năm bắt đầu tăng mạnh. Phải chăng các “liều thuốc” cho thị trường ngoại hối vẫn chưa đủ?

Thủ phạm: vàng

Việc nhập vàng không phải là “chảy máu” ngoại tệ vì lượng vàng nhập vào được người dân mua để đầu tư và tài sản vàng của dân cũng là tài sản quốc gia. Tuy nhiên, do nước ta lại chưa có cơ chế sử dụng nguồn lực vàng trong dân để can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trước sức mua vàng trong nước còn cao như hiện nay, nếu muốn dập tắt biến động thị trường vàng bằng giải pháp nhập khẩu, không loại trừ khả năng lại làm bùng “cơn sốt” tỷ giá như trước đây.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát
tài chính Quốc gia

Theo NHNN tỷ giá giao dịch trên thị trường tuần qua vẫn ổn định, trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống duy trì ở mức dương, các NHTM bắt đầu mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện.

Tuy nhiên, tuần qua trên thị trường tự do giá USD đã vượt mốc 21.200 đồng/USD. Ngay trên thị trường chính thức, trong khi NHNN giữ nguyên tỷ giá liên NH một thời gian dài, các NHTM vẫn niêm yết giá mua bán ngoại tệ kịch trần cho phép. Có nhiều lý giải về việc này nhưng một trong những tác nhân chính là thị trường vàng.

NHNN cũng thừa nhận tỷ giá biến động từ tháng 8 đến nay chủ yếu do tác động của giá vàng thế giới, khiến cầu vàng trong nước gia tăng, nhưng đáng lo là chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước quá cao. Trước tình thế đó, NHNN buộc phải cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng để các doanh nghiệp đầu mối nhập vàng bình ổn thị trường.

Trước đó, từ giữa tháng 8 NHNN đã bán ra 1,5 tỷ USD và vừa rồi NHNN cấp phép nhập khoảng 4 tấn vàng, tính ra thị trường vàng tiếp tục ngốn thêm khoảng 220 triệu USD.

“Chảy máu ngoại tệ” nhưng ổn định thị trường vàng còn có thể chấp nhận, nhưng vàng bình ổn nhập về giá vàng trong nước vẫn tiếp tục cao hơn giá thế giới. Đến cuối tuần qua giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới hơn 3,5 triệu đồng/lượng - mức chênh lệch kỷ lục từ trước đến nay.

Bài toán khó đặt ra cho NHNN lúc này là nếu nhập thêm vàng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, nhưng với mức chênh lệch giá vàng lớn như vậy không cho nhập, áp lực nhập lậu vàng càng lớn. Điều này cũng tác động không nhỏ đến tỷ giá cuối năm. Từ cuối tháng 4, NHNN liên tục mua ròng ngoại hối với khối lượng lớn và dự trữ ngoại hối đã tăng nhanh chóng trong thời gian qua.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính ngoại hối của Việt Nam đến cuối tháng 6-2011 vào khoảng 15,2 tỷ USD, tương đương 2,1 tháng nhập khẩu. Nhưng theo Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán HSC, Fiachra Mac Cana, dự trữ ngoại hối đã bị “chảy máu” với tốc độ khá nhanh trong 6 tuần qua. Khó có thể tính toán con số chính xác nhưng HSC ước tính con số này trên 1 tỷ USD. Đây là cái giá để đổi lấy sự ổn định của tỷ giá như NHNN đã cam kết. 

Nhiều yếu tố hỗ trợ giá USD

Hiện nay nhập siêu nước ta vẫn ở mức cao, dòng vốn FDI chưa cải thiện, dự trữ ngoại hối ở mức thấp. Những yếu tố này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá vào cuối năm 2011. Đặc biệt, trên thị trường thế giới, USD đang có dấu hiệu phục hồi mạnh so với các ngoại tệ mạnh khác. Trong bối cảnh nước ta chưa thu hút tốt nguồn FDI, tỷ giá vẫn là bài toán đau đầu cho NHNN trong thời gian tới.

TS. ĐINH THẾ HIỂN,
chuyên gia tài chính

NHNN cho rằng có nhiều yếu tố cho thấy giá USD sẽ biến động không quá lớn từ nay đến cuối năm. Trong đó, thặng dư cán cân thanh toán trong năm nay khoảng 2-2,5 tỷ USD, kiều hối và dòng vốn đầu tư cuối năm có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt NHNN áp dụng nhiều chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ, hạn chế đối tượng cho vay ngoại tệ…

Nhưng thực tế nhiều NHTM lo ngại rủi ro tỷ giá vẫn lớn. Một lãnh đạo NH cổ phần, cho biết hiện nay các NHTM có thể cân đối được thanh khoản ngoại tệ cho nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng dấu hiệu căng thẳng ngày càng hiện rõ khi cầu ngoại tệ nhập khẩu và áp lực gom USD để nhập khẩu vàng và đáo hạn tín dụng ngoại tệ đang theo xu hướng tăng. Nếu kéo dài tình trạng này mà không có sự can thiệp từ NHNN, rủi ro về tỷ giá cho doanh nghiệp và NH là điều khó tránh khỏi.  

Gần đây nhiều doanh nghiệp cho biết dù các NHTM niêm yết rõ ràng tỷ giá mua bán nhưng không ít doanh nghiệp phải mua USD cao hơn giá niêm yết. Giá chênh lệch này được hợp thức hóa qua nhiều loại phí khác nhau với “thủ thuật” NHNN có biết cũng không thể “bắt giò”.

Hiện tại các khoản vay ngoại tệ trước đây thường có kỳ hạn ngắn và sẽ đáo hạn phần lớn vào cuối năm để kịp hoàn thành các chỉ tiêu.

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Ảnh minh họa: LÃ ANH

Do vậy, thời điểm này nhiều NHTM đã tạm dừng các hoạt động huy động đầu tư theo tỷ giá vì lo tỷ giá biến động. Các hoạt động mua bán và cho vay tại các NHTM đều rất hạn chế và chịu giá cao hoặc thêm phí nhiều. Tuy nhiên, cầu USD vẫn đang tăng do doanh nghiệp có nhu cầu xuất nhập khẩu và cả vay để trả nợ.

Để giải quyết cầu ngoại tệ nhiều NHTM đã "hợp thức hóa" nguồn USD mua từ thị trường "chợ đen" bằng cách để doanh nghiệp mua USD chợ đen bán cho NH, sau đó NH bán lại cho khách hàng khác để “minh bạch” nguồn gốc ngoại tệ.

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiaDinhBank, cho rằng tâm lý của người dân là yếu tố chính khiến USD tăng giá. Tại thị trường Việt Nam, khi ngoại tệ tăng giá, người dân lại tích cực mua vào, doanh nghiệp vàng cũng đôn giá lên, người bán ít, khiến thị trường rơi vào khan hiếm.

Đặc biệt, khi giá vàng trong nước quá cao so với giá thế giới, giới đầu tư sẽ ngại mua vàng nhưng thay vào đó sẽ đổ dồn đầu tư USD vì dự đoán cầu USD sẽ tăng do nhập vàng. Hơn nữa, lãi suất tiền đồng đang hạ và lạm phát còn cao nên xu hướng đầu tư USD đang là kênh lựa chọn mới cho nhà đầu tư hiện nay.

Câu chuyện tỷ giá luôn nóng trở lại vào cuối năm vì những biện pháp được sử dụng từ trước đến nay khá hữu hạn. Bình ổn thị trường bằng dự trữ ngoại hối chỉ là biện pháp ứng phó ngắn hạn nên năm nào tình trạng này cũng lặp lại. Và thực sự thị trường ngoại hối đến nay vẫn đang chờ đợi “liều thuốc” mới từ NHNN.

Các tin khác