Nợ xấu: An tâm bề ngoài, tiềm ẩn bất an

(ĐTTCO)-Xung quanh vấn đề nợ xấu núp dưới bóng Thông tư 01-NHNN, ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH.
Nợ xấu: An tâm bề ngoài, tiềm ẩn bất an ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông bình luận như thế nào về bức tranh nợ xấu NH năm 2020 khi có cú đấm mạnh từ dịch Covid?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Bức tranh nợ xấu năm nay không rõ ràng. Theo NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các NH dưới 2%, là con số quá tốt nếu so với mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu không quá 3%.
Thế nhưng, Thông tư 01 của NHNN cho phép các NH không chuyển nhóm nợ để giúp DN bị tác động bởi dịch bệnh. Không chuyển nhóm nợ tức vẫn giữ ở nhóm nợ cũ và không biết bao nhiêu khách hàng của các NH trong toàn hệ thống được nằm lại ở nhóm cũ, trong khi đáng lẽ phải chuyển nhóm nợ vì không trả được nợ.
Chính vì thế tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách hiện tại của các NH không phải là cơ sở để xác nhận chính xác tình hình nợ xấu. 
Với mỗi NH, chắc chắn họ cũng có kế hoạch và phương án theo dõi nợ xấu bằng cách không chuyển nhóm, nhưng vẫn theo dõi những khách hàng trả chậm hoặc mất khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, đó là báo cáo nội bộ của NH, bên ngoài không ai được biết, vì vậy tình hình nợ xấu tại thời điểm này rất khó để khẳng định một cách chính xác. Con số được NHNN công bố như thế tạo sự lạc quan, an tâm về bề ngoài nhưng cũng tiềm ẩn sự bất an, nếu thực chất món nợ của các NH không thể hiện đúng chất lượng tài sản của họ như trên sổ sách đưa ra.
Thời gian qua trên 90% DN bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dịch bệnh, chỉ một số rất ít không bị ảnh hưởng. Trong tình trạng này, chắc chắn rất nhiều khách hàng của các NH gặp khó khăn, mất khả năng thanh toán hoặc giảm khả năng thanh toán.
Từ suy luận đó có thể rút ra kết luận, tình hình nợ xấu trên thực tế của năm nay nghiêm trọng hơn so với năm ngoái. Nếu tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới không được cải thiện nhanh chóng sẽ tiếp tục ảnh hưởng không chỉ đến cuối năm mà cả năm sau.
Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào ngoại thương. Ngoại thương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng, các thành phần chính của nền kinh tế là DN sẽ lao đao, tình hình nợ xấu sẽ tồi tệ hơn.
-  Như vậy Thông tư 01 ban hành để hỗ trợ DN, nhưng cũng có thể mang lại rủi ro cho NH?
 Tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách hiện tại của các NH không phải là cơ sở để xác nhận chính xác tình hình nợ xấu. Điều này sẽ gây rủi ro cho từng NH và cả hệ thống. 
- Trong trạng thái bình thường, theo quy định nợ của DN đang ở nhóm 1 và trễ hạn sau 10 ngày phải chuyển lên nhóm 2 (nợ cần chú ý), sau 90 ngày chuyển sang nhóm 3, sau 180 ngày chuyển lên nhóm 4 và sau 360 ngày chuyển lên nhóm 5.
Khi nợ của DN chuyển lên nhóm 2, NH phải trích lập dự phòng 5%. Nhưng khi áp dụng Thông tư 01, NH giữ nguyên nợ ở nhóm 1 và chỉ trích lập dự phòng chung 0,75%. Nguyên tắc này sẽ áp dụng cho tất các khách hàng khác khi họ không bị chuyển nhóm nợ.
Theo đó, các NH không phải trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ cao hơn, từ đó giảm được chi phí. Song như vậy trong lợi nhuận của NH sẽ có phần ảo. Đó là phần đáng ra phải khấu trừ cho trích lập dự phòng rủi ro, nhưng không trích lập, trở thành lợi nhuận.
Từ lợi nhuận ảo đó, sức khỏe tài chính của các NH cũng bị méo mó. Đồng thời, các NH không chuyển nhóm nợ nhưng có thể có những khách hàng được cơ cấu nợ đã rơi vào tình trạng nợ xấu trở nên tệ hơn.
Như vậy, điều nguy hiểm của nợ xấu từ Thông tư 01 là nếu các NH không theo dõi chặt chẽ sát sao, cũng như thanh tra của NHNN không kiểm soát được nợ xấu, các NH dễ rơi vào tình trạng thiệt hại trong tương lai do nợ ngày càng xấu hơn. Đó là rủi ro cho từng NH và cho cả hệ thống. 
Nợ xấu: An tâm bề ngoài, tiềm ẩn bất an ảnh 2 Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
- Để ứng phó với nợ xấu năm 2020, theo ông NHNN và NHTM cần thực hiện những giải pháp gì?
- Tôi thấy có 3 phương pháp. Thứ nhất, trong tình hình dịch bệnh chúng ta giúp DN và chấp nhận việc các NH không chuyển nhóm nợ, không trích lập dự phòng rủi ro phù hợp, chấp nhận sổ sách của các NH trở nên quá hoàn hảo, chờ xem đến khi nào khống chế được dịch bệnh và nền kinh tế cũng như hệ thống NH bắt đầu phục hồi mạnh mẽ. 
Thứ hai, chúng ta không chấp nhận việc nới lỏng kiểm soát và quản lý rủi ro. Có nghĩa không chấp nhận việc không chuyển nhóm nợ, vẫn áp dụng những chính sách tín dụng chặt chẽ như trước kia. Trong 2 phương pháp này chúng ta đang thực hiện phương pháp 1. 
Thứ ba, vừa giúp DN bằng việc cho phép NH không chuyển nhóm nợ nhưng vẫn kiểm soát được tình hình nợ xấu để không trở thành thiệt hại. Đây là vấn đề chưa được đặt ra.
Vậy làm sao có thể vừa hỗ trợ khách hàng không chuyển nhóm nợ, giảm lãi suất nhưng đồng thời bảo đảm thực chất tài sản của các NH? Đề nghị của tôi là các NH phải rất chặt chẽ trong quản lý rủi ro, tức không chuyển nhóm nợ nhưng phải có báo cáo riêng nội bộ để theo dõi những món nợ đó, có thể chuyển nhóm nợ trong nội bộ, từ đó trích lập dự phòng dự trù mà không thể hiện trên báo cáo tài chính công khai.
Đặc biệt, các NH phải tăng cường hệ thống phòng thủ rủi ro trong tín dụng. Trong hệ thống phòng thủ rủi ro có 3 phòng tuyến (theo Thông tư 41/2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD): (1) Các khối kinh doanh, bán hàng tiếp xúc trực tiếp khách hàng sàng lọc và chỉ chấp nhận khách hàng nào phù hợp; (2) Khối quản trị rủi ro, khối tuân thủ, quản trị rủi ro hoạt động và pháp chế; (3) Bộ phận kiểm toán nội bộ.
Cần tăng cường đặc biệt ở tuyến 1 và nâng cao kiểm tra, kiểm soát ở tuyến 2 và 3 để giảm thiểu các rủi ro cho NH.
Song song đó, HĐQT của NH phải rà soát lại tất cả quy định cũ, những tỷ lệ cũ cũng như bộ máy quản lý rủi ro để đưa ra những chính sách mới phù hợp hơn về mặt quản lý rủi ro. Dù những biện pháp đó sẽ tăng chi phí nhưng đó là điều bắt buộc.
Về phía cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, NHNN cần có những báo cáo thực chất của các NH, đặc biệt không cho phép NH lạm dụng Thông tư 01 để giúp khách hàng che giấu nợ xấu.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác