Ngân hàng vẫn 'toát mồ hôi' với nợ xấu

(ĐTTCO) - Mặc dù tiếp tục được thực hiện chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, song triển vọng trả nợ của nhiều doanh nghiệp các ngành như du lịch, khách sạn… vẫn mịt mờ, khiến ngân hàng lo lắng.
Nhiều khoản nợ xấu được cơ cấu lại, song khi thời hạn cơ cấu kết thúc mà chưa trả được thì rủi ro vẫn rất lớn. Ảnh: Đ.T
Nhiều khoản nợ xấu được cơ cấu lại, song khi thời hạn cơ cấu kết thúc mà chưa trả được thì rủi ro vẫn rất lớn. Ảnh: Đ.T

Hết thời gian cơ cấu, vẫn khó có khả năng trả nợ

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến hết năm nay được ngân hàng và các doanh nghiệp thở phào. Tuy nhiên, lo lắng chưa phải đã hết. Lãnh đạo nhiều ngân hàng vẫn đứng ngồi không yên khi chất lượng nợ với nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB, cũng cho hay nợ xấu của ACB có thể kiểm soát được, nhưng đáng lo nhất là nợ xấu của các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.

Được biết, dư nợ khách hàng cho vay lĩnh vực này tại ACB tính tới quý I-2021 là khoảng 9.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần khá lớn tại Hà Nội cho hay, dư nợ cơ cấu lại của khách hàng trong lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn tại ngân hàng này hiện ở mức hơn 2.000 tỷ đồng. Dù đã được cơ cấu lại, song khả năng trả nợ trong năm nay của nhóm khách hàng này khá khó khăn.

“Tính đến đầu quý II-2021, hầu hết khách hàng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ tại ngân hàng chúng tôi đã trả được nợ đúng hạn, dòng tiền quay trở lại trạng thái bình thường. Riêng nhóm khách hàng kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh vẫn tiếp tục 'ngủ đông', chưa biết khi nào mới có doanh thu”, vị lãnh đạo này cho biết.

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng MB cũng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn cơ cấu nợ với riêng các doanh nghiệp nhóm ngành lưu trú, du lịch, khách sạn. Bởi khả năng hết năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn chưa thể trả được nợ và cho rằng, nên áp dụng chính sách đặc thù với các doanh nghiệp này.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến hết mùa du lịch hè năm nay, nhiều địa phương vẫn phải cách ly, phong tỏa, thì đến hết năm nay, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ không bù đắp nổi chi phí để trả nợ.

Trong tình hình vaccine còn hạn chế và dịch còn diễn biến phức tạp như hiện nay, hiệp hội du lịch của nhiều địa phương đã đề nghị được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ.

Tăng dự phòng, xin khoanh nợ

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 5-4-2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng. Với việc ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, số dư nợ được cơ cấu lại sẽ nhiều hơn. Dù cơ cấu nợ cho phép ngân hàng và doanh nghiệp không bị “sốc” vì nợ xấu tăng đột ngột, song nhiều khoản nợ được cơ cấu đang là nợ xấu tiềm ẩn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhiều khoản nợ xấu được cơ cấu lại theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sẽ dần hiện hình, khi thời hạn của các thông tư này kết thúc, nếu doanh nghiệp vẫn chưa trả được nợ, đặc biệt là doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Điểm tích cực nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay là bộ đệm dự phòng đã dày hơn trước. Hai năm vừa qua, các ngân hàng đã tập trung nâng cao trích lập dự phòng rủi ro, tăng tỷ lệ bao phủ rủi ro. Thậm chí, một số ngân hàng, như Agribank, Vietcombank đã công bố kế hoạch trích lập 100% khoản nợ cơ cấu theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN trong năm nay (thay vì được phép giãn tới 3 năm theo quy định).

Tuy vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, một số ngân hàng hiện nay vẫn còn tình trạng lợi nhuận ảo, lãi dự thu cao, nên một khi thời hạn cơ cấu kết thúc, nợ tiêu chuẩn hóa thành nợ xấu, thì những ngân hàng này sẽ khó tránh khỏi cú sốc.

"Ảnh hưởng của Covid-19 đến ngân hàng là rất rõ ràng, đặc biệt về tốc độ tăng trưởng, nợ xấu… Nhiều khách hàng của ngân hàng là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, lưu trú... đang bị ảnh hưởng nặng nề, khả năng trả nợ khó khăn.
Với tình hình này, ngân hàng có thể không bị mất vốn, nhưng nợ xấu có khả năng tăng nhanh hơn và điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB.

Về lâu dài, để giải quyết câu chuyện nợ xấu “ẩn nấp” và cấp cứu doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng cần ban hành chính sách khoanh nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 với thời hạn 2 năm, giống như Chính phủ đã ban hành chính sách khoanh nợ, giãn nợ với nông nghiệp trước đây.

Được biết, VNBA cũng đã gửi công văn tới Bộ Kế hoạch Đầu tư, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị định cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nay là Thông tư 03/2021/TT-NHNN, như áp dụng đối với Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, sửa đổi về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên. Phần bù lãi suất trong thời gian khoanh nợ kết hợp giữa Trung ương và địa phương.

Các tin khác