Nan giải bài toán vốn

Việc một số NH công bố biểu lãi suất mới cũng như khởi động các chương trình hỗ trợ lãi suất giảm so với trước (trong khoảng 17-19%/năm), được coi là tín hiệu tích cực. Nhưng theo các chuyên gia, để có chuyển biến thực sự tích cực cần những yếu tố căn bản thay vì những liệu pháp tình thế.

Việc một số NH công bố biểu lãi suất mới cũng như khởi động các chương trình hỗ trợ lãi suất giảm so với trước (trong khoảng 17-19%/năm), được coi là tín hiệu tích cực. Nhưng theo các chuyên gia, để có chuyển biến thực sự tích cực cần những yếu tố căn bản thay vì những liệu pháp tình thế.

Ách tắc kênh vốn truyền thống

Lạm phát năm 2011 được dự báo xoay quanh mức 19-20% và sức hấp dẫn từ vàng, ngoại tệ đang tăng lên sẽ là những lực cản chính khiến lãi suất khó giảm sau khi về mức mục tiêu. Ngoài ra, định hướng của NHNN vẫn là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, không có nhiều thay đổi nhằm kiềm chế lạm phát.

Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát hành còn ở mức khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3% GDP. Trong khi đó, tại Thái Lan, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh lên tới gần 50 tỷ USD vào năm 2010, chiếm khoảng 20% GDP.

HIỆP HỘI THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VN

Tại hội thảo “NH và doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ” do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận và vay được vốn NH lên tới trên 24%/năm tuy cao nhưng vẫn là may mắn, bởi điều đó giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn, tránh phải phá sản dù lãi suất đó khiến lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị âm.

Thực tế này cho thấy việc chống lạm phát bằng lãi suất cho vay cao (có thể coi là cao nhất thế giới) như hiện nay sẽ là nguy cơ lớn cho những năm kế tiếp.  Phản ứng phụ của việc duy trì lãi suất cao sẽ gây kiệt quệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không khuyến khích người dân, tổ chức tham gia đầu tư sản xuất. Họ chỉ cần gửi tiền NH là có lời to hoặc tìm cách đầu tư vào các kênh phi sản xuất khác như vàng, USD.

Các kênh huy động chưa thông

Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) từ đầu năm đến nay lại luôn chịu áp lực mạnh mẽ từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô, khiến thị trường luôn trong xu thế giảm, việc huy động vốn của doanh nghiệp từ kênh này gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu từ UBCKNN, 6 tháng đầu năm tổng mức huy động trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu (CP), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ chỉ đạt 27.200 tỷ đồng.

So cùng kỳ năm ngoái, vốn huy động qua phát hành CP giảm mạnh, trên 80% và thông qua đấu giá cổ phần hóa giảm 100%. UBCKNN đã cấp giấy chứng nhận phát hành cho 54 tổ chức phát hành, giảm 49% về số lượng so với cùng kỳ năm trước.

TTCK được nhìn nhận đang có chuyển biến đỡ xấu hơn nhờ kỳ vọng lãi suất giảm tạo ra sự thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự vận hành thị trường vốn. Tuy nhiên, để TTCK tiếp tục tăng điểm cần phải có một dòng tiền bền vững hơn. Với những khó khăn vẫn đang tồn tại, khả năng tăng dòng tiền đổ vào chứng khoán một cách ổn định là rất khó.

Khó gọi vốn trực tiếp

Việc duy trì lãi suất cao đã khiến nhiều doanh nghiệp khó mở rộng đầu tư sản xuất. Ảnh: LÃ ANH

Việc duy trì lãi suất cao đã khiến
nhiều doanh nghiệp khó mở rộng
đầu tư sản xuất. Ảnh: LÃ ANH

Một kênh huy động vốn hữu hiệu khác được nhắc đến nhiều thời gian qua là trái phiếu doanh nghiệp. Đó là kênh vốn doanh nghiệp có thể vay trực tiếp từ các nhà đầu tư với mức lãi suất rẻ hơn và thời hạn vay dài hơn so với vay NH.

Tuy nhiên, cho tới nay chỉ có một số doanh nghiệp lớn phát hành, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Sông Đà… Thật ra, với quy mô và uy tín sẵn có, các doanh nghiệp này đủ khả năng để vay NH với các điều kiện tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được Chính phủ  bảo đảm, rủi ro mất khả năng chi trả thấp nên đã huy động được vốn. Điều đáng nói là các doanh nghiệp cỡ bậc trung, thường đói vốn lại không huy động được từ kênh này, do không có tổ chức xếp hạng bảo đảm mức "uy tín" khi gọi vốn trực tiếp.

Các công ty kiểm toán mặc dù đã rất nỗ lực trong việc đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp, song với nguồn nhân lực còn khan hiếm như hiện nay, thị trường mục tiêu của các công ty này vẫn chỉ là cung cấp các dịch vụ kiểm toán các công ty niêm yết hay tư vấn cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các nguồn huy động vốn của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh thời gian thu hồi nợ, giảm bán hàng trả chậm; mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm để có nguồn ngoại tệ cân đối việc nhập khẩu nguyên liệu.

Các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác liên doanh nước ngoài cùng thực hiện dự án; củng cố lại hoạt động, cơ cấu nguồn vốn và chiến lược kinh doanh để có thể thích ứng với thời cuộc; hạn chế đầu tư với phương châm đầu tư ít hiệu quả để tránh rủi ro…

Các tin khác