Mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền chảy về đâu?

(ĐTTCO)-Biến động đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc tăng mạnh tới 0,5-0,6%/năm lãi suất tiết kiệm nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khảo sát trong tuần đầu tháng 3/2021 cho thấy biểu lãi suất huy động chỉ được điều chỉnh tăng tại một số ít ngân hàng thương mại, còn lại vẫn giữ nguyên ở mức thấp như đã triển khai trước đó hoặc giảm nhẹ.

Đây được xem là cơ hội cho nhiều kênh đầu tư khác thu hút dòng tiền nhàn rỗi.

Lãi suất ở mức thấp nhất trong nhiều năm

Biến động đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc tăng mạnh tới 0,5-0,6%/năm lãi suất tiết kiệm nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Sự điều chỉnh này đã đưa mức lãi suất cao nhất tại Techcombank lên 5,8%/năm áp dụng cho khách hàng thường và 5,9%/năm với khách hàng ưu tiên.

Để được hưởng mức lãi suất cao nhất trên, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng với số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên khi gửi ở quầy hoặc gửi tiết kiệm online. Trước đó, Techcombank nằm trong nhóm ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.

Cũng được điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất thêm khoảng 0,1-0,2%/năm nhưng thay vì áp dụng với các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên như tại Techcombank thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) lại điều chỉnh tăng với các khoản gửi ngắn hạn dưới 6 tháng.

Trong khi đó tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng hiện chỉ còn 6,8%/năm, giảm tới 0,5%/năm so với trước.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank) cũng giảm đồng loạt 0,2%/năm với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng và 0,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng.

Hầu hết các ngân hàng còn lại đều giữ nguyên biểu lãi suất như hồi đầu tháng trước.

Lãi suất cao nhất hiện nay tại các ngân hàng là 8,4%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Tiếp đó là Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) với lãi suất cao nhất là 8,3 và 8,2%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho tiền gửi tại kỳ hạn 13 tháng.

Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chuẩn bị được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước - mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây), lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.

Đầu tư vào đâu để sinh lời cao nhất?

Mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp được xem là cơ hội để dòng tiền nhàn rỗi tìm đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu... nhằm tăng tỷ suất sinh lời.

Dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định: "Năm 2021, thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển bền vững dựa trên nhiều yếu tố nền tảng."

Mat bang lai suat thap, dong tien chay ve dau? hinh anh 1
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt chi nhánh Hải Phòng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Dũng, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tăng trưởng dương 2,91% trong năm 2020 và tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá cao 6,5-6,8% cho năm 2021.

Thêm vào đó, các yếu tố vĩ mô khác như tỷ giá, lãi suất, xuất nhập khẩu vẫn được duy trì ở mức tốt. Đặc biệt, lãi suất tiếp tục được giữ ở mức thấp sẽ là yếu tố tác động rất tốt đến thị trường chứng khoán 2021.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu tiếp tục được kỳ vọng khởi sắc. "Chúng tôi kỳ vọng thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục phát huy được vai trò của mình trong việc hỗ trợ chính phủ huy động vốn phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế xã hội nhằm tạo đà cho nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19," ông Nguyễn Anh Phong - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chia sẻ.

Còn với trái phiếu doanh nghiệp, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết năm 2021, khung pháp lý có nhiều thay đổi quan trọng.

Cùng với Luật Chứng khoán 2019, một loạt văn bản pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được ban hành và có hiệu lực.

Do đó, các nhà phân tích của SSI cho rằng, so với năm 2020, sức mua của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm bớt do không ít nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp, chỉ từ 4,5-5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng dự kiến vẫn tiếp tục duy trì ít nhất là trong nửa đầu năm 2021 và có thể chỉ nhích nhẹ vào nửa cuối năm.

Ở mức lãi suất này, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn từ 2-5%/năm so với tiền gửi nên vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Dù vậy, Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khuyến cáo các nhà đầu tư nên cẩn trọng lựa chọn tỷ lệ đầu tư hợp lý trong quá trình lâu dài bởi thị trường chứng khoán hay bất động sản đều có nhiều biến động khó đoán định.

Ngoài ra, trong năm 2021 dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng lên do nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng nhưng lạm phát cũng có thể tăng theo nên tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn hơn cả, nhất là với các nhà đầu tư ít kinh nghiệm và không ưa mạo hiểm.

Các tin khác