Lợi nhuận NH: Đằng sau những con số…

Lợi nhuận của hệ thống NHTM năm nay theo kiểu “mỗi nhà mỗi cảnh”, có NHTM đủng đỉnh hoàn thành chỉ tiêu cả năm, nhưng cũng không ít NHTM điều chỉnh giảm 2-3 lần. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các NHTM năm nay không thể chỉ nhìn vào con số lợi nhuận mà điều cần quan tâm là sự minh bạch và chất lượng tín dụng.

Lợi nhuận của hệ thống NHTM năm nay theo kiểu “mỗi nhà mỗi cảnh”, có NHTM đủng đỉnh hoàn thành chỉ tiêu cả năm, nhưng cũng không ít NHTM điều chỉnh giảm 2-3 lần. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả kinh doanh của các NHTM năm nay không thể chỉ nhìn vào con số lợi nhuận mà điều cần quan tâm là sự minh bạch và chất lượng tín dụng.

Lợi nhuận và chuẩn nợ xấu?

Khi bàn về lợi nhuận NHTM cao hay thấp, các chuyên gia thường tính toán tỷ suất lợi nhuận của các NHTM trên vốn điều lệ. Với cách tính này con số cả ngàn tỷ đồng lợi nhuận của các NHTM công bố vẫn khá khiêm tốn so với tổng vốn điều lệ của họ.

Tuy nhiên, điều đáng lo không chỉ ở tỷ suất sinh lợi trên vốn mà còn ở việc phát sinh hệ lụy từ cuộc chạy đua tăng vốn của các NHTM. Nhiều chuyên gia NH quốc tế tỏ ra sửng sốt trước sự tăng trưởng vốn điều lệ quá nóng của hệ thống NHTM Việt Nam.

Với tốc độ tăng chóng mặt của tài sản, dẫn đến chất lượng tài sản và tín dụng rất thấp, kéo theo nợ xấu cao. Nhưng hiện nay các NHTM báo cáo tình trạng nợ xấu không chính xác, không minh bạch. Chưa bao giờ hệ thống NHTM có một nền tảng rủi ro đạo đức như hiện nay. Ước tính chỉ có 1/3 NHTM báo cáo chất lượng tín dụng tương đối chính xác, trung thực, còn lại đều rất đáng nghi ngờ. Nhiệm vụ NHNN là phải biết con số thực. Nếu không mọi chương trình tái cơ cấu NH đều trở nên vô nghĩa.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Nếu năm 2001 vốn điều lệ toàn hệ thống chỉ 500 triệu USD, tổng tài sản vào khoảng 10 tỷ USD, thì đến năm 2011 vốn điều lệ lên tới 12,5 tỷ USD và tổng tài sản vào khoảng 180 tỷ USD, tăng gấp 18 lần. Vốn tăng chóng mặt dẫn đến phát sinh không chỉ nguồn gốc của tiền góp vốn có vấn đề, mà các NHTM buộc phải bước vào cuộc đua mới.

Cụ thể, nguồn vốn tăng thì tổng tài sản phải tăng tương ứng mới có lãi. Điều này tạo nên sức ép chạy đua mở rộng mạng lưới cho vay, khi đó tín dụng bất động sản được xem là “thùng không đáy” ngốn vốn của các NHTM. Nhiều dự án bất động sản được cho vay nhưng không được thẩm định một cách rõ ràng về năng lực tài chính và tính khả thi.

Hiện nay con số tối thiểu 76.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống NHTM chủ yếu là nợ trên thị trường 1 (thị trường dân cư), trong đó 74% số này là nợ nhóm 5 (nhóm mất vốn hoàn toàn). Tuy nhiên, đó chỉ mới là phân loại nợ xấu theo chuẩn kế toán Việt Nam, chủ yếu dựa trên cách tính toán định lượng về kỳ hạn trả nợ, mà chưa quan tâm đến rủi ro của khoản vay.

Thí dụ, theo chuẩn quốc tế, nếu khách hàng vay vốn để mua xe kỳ hạn 2 năm, khi xe đó hư, khoản vay đó lập tức được hạch toán vào nợ xấu. Trong khi đó, theo chuẩn Việt Nam do chưa đến kỳ hạn trả nợ 2 năm nên khoản vay mua xe trên vẫn được coi là tốt.

Hoặc trường hợp doanh nghiệp vay 3 khoản ở 3 NH khác nhau. Một trong 3 khoản vay là nợ xấu, theo chuẩn quốc tế cả 2 khoản vay còn lại cũng là nợ xấu, nhưng các NHTM nước ta vẫn chỉ hạch toán 1 khoản vay là nợ xấu.

Năm nay hệ thống NHTM đang phát sinh nợ xấu cả trên thị trường 2 (thị trường liên NH). Trưởng phòng nguồn vốn của một NH cho biết nhiều NHTM nhỏ phát hành kỳ phiếu lãi suất cao trước đây được khách hàng mua chủ yếu là NH bạn. Nay đến kỳ hạn trả lãi và gốc cho kỳ phiếu nhưng không trả, đẩy không ít NHTM mua kỳ phiếu vào thế khó về thanh khoản…

Cho vay trên thị trường 1 nếu có nợ xấu, NH chịu áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro và có thể kiện chủ nợ ra tòa, yêu cầu doanh nghiệp tuyên bố phá sản, phát mãi tài sản thế chấp thu hồi nợ.

Còn cho vay trên thị trường 2 phát sinh nợ xấu, NH không thể đòi nợ và khởi kiện được, vì nếu để lộ thông tin NH kiện nhau sẽ ảnh hưởng uy tín và hệ lụy tiêu cực cho cả hệ thống.

Lãi cao và “chiêu” trích lập dự phòng rủi ro?

Một việc đang khiến cả hệ thống NHTM đau đầu hiện nay là trích lập dự phòng rủi ro. Mức trích lập dự phòng phụ thuộc vào dư nợ và chất lượng tín dụng của mỗi NH.

Đối với khoản dự phòng chung, các NHTM thực hiện trích lập bằng 0,75% tổng giá trị các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 (trừ nhóm 5 là nhóm cần xử lý). Nhưng đối với dự phòng cụ thể cho từng khoản nợ, mức trích lập có thể theo chủ quan của các NHTM.

Nếu trích lập dự phòng rủi ro cao đồng nghĩa với chi phí cao, lợi nhuận thấp. Đó là lý do các NHTM có thể dùng nhiều thủ thuật để lách, chuyển các nhóm nợ nhằm trích lập dự phòng rủi ro thấp.

Lợi nhuận chưa phản ánh hết chất lượng tín dụng của NH (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: LÃ ANH

Lợi nhuận chưa phản ánh hết chất lượng tín dụng của NH
(ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: LÃ ANH

Chẳng hạn cho vay khoản mới để trả khoản vay cũ đã đến hạn (đảo nợ) nhằm giảm rủi ro khoản nợ cũ và không phải trích lập dự phòng. Theo đó, NH yêu cầu khách hàng trả dứt món nợ cũ tới hạn, sau đó sẽ ưu tiên làm hợp đồng vay món mới theo kế hoạch kinh doanh. Nhưng dự án mới được lập bản chất vẫn tiếp tục là món nợ cũ.

Ngoài ra,  NH có thể dùng thủ thuật chuyển món nợ  từ nhóm rủi ro cao (trích dự phòng nhiều) sang nhóm rủi ro thấp (trích dự phòng ít). Bằng động tác này có thể trích lập dự phòng ít đi và làm tăng lợi nhuận đáng kể. Với thực tế trên cho thấy lợi nhuận ở các NHTM công bố cao chưa chắc là đẹp, cổ đông và nhà đầu tư khó nhận diện các rủi ro tiềm ẩn đằng sau những con số lợi nhuận trong báo cáo tài chính.

Theo một chuyên gia NH, việc đưa ra con số lợi nhuận đẹp, che dấu nợ xấu và không thích trích lập dự phòng nhiều là do trình độ quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp của hệ thống NHTM có vấn đề. Cả 2 yếu tố quan trọng này đều tăng trưởng rất chậm và phần lớn mang tính hình thức.

Hiện NH nào cũng có HĐQT, ban giám sát, bộ phận quản lý rủi ro… nhưng rất hình thức. Bởi thực tế nhiều chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc NHTM không biết đọc bản báo cáo quyết toán. Nhiều NH không có những chỉ tiêu chủ chốt để quản lý. Những công cụ quản lý hiện đại như corebanking chỉ để “khoe mẽ”, tất cả quyết định đầu tư, các danh mục cho vay đều nằm trong tay ông chủ NH.

Nợ xấu NH chủ yếu nằm ở thị trường bất động sản. Năm nay dù nợ xấu bất động sản tăng nhưng chưa đến nỗi mất trắng. Nhưng năm 2012, nhiều chuyên gia dự báo thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn.

Như vậy, các NH có thể che dấu nợ xấu trong năm nay nhưng liệu có thể dấu mãi khi năm sau NHNN vẫn áp dụng chính sách tín dụng chặt chẽ.

Các tin khác