Lộ trình tái cấu trúc NHTM

LTS: Liên tiếp trong các số báo 441 đến 446, ĐTTC đã thực hiện loạt bài trên mục Chủ điểm-Sự kiện về tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và  ngân hàng thương mại (NHTM). Loạt bài đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia, nhà quản lý. Tòa soạn trích đăng ý kiến 2 chuyên gia đề cập đến vấn đề tái cấu trúc NHTM phải bắt đầu từ đâu.

LTS: Liên tiếp trong các số báo 441 đến 446, ĐTTC đã thực hiện loạt bài trên mục Chủ điểm-Sự kiện về tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và  ngân hàng thương mại (NHTM). Loạt bài đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia, nhà quản lý. Tòa soạn trích đăng ý kiến 2 chuyên gia đề cập đến vấn đề tái cấu trúc NHTM phải bắt đầu từ đâu.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

NHNN xây dựng dự án tái cấu trúc chuẩn

Tái cấu trúc các NHTM, đặc biệt về tổ chức và tài chính là một trong những trọng tâm của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Theo đó, tái cấu trúc được tiến hành trên nền tảng áp dụng các thông lệ chuẩn mực ngân hàng quốc tế về quản trị NHTM.

Có thể nhìn thấy một số nội dung chương trình nên thực hiện: Thứ nhất, tái cấu trúc tài chính, “làm sạch” bản cân đối tài sản của các NHTM và định chế tài chính. Thứ hai, xây dựng một chiến lược kinh doanh mới trên nền tảng cạnh tranh quốc tế phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường tài chính trong nước.

Thứ ba, cải cách hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt các chuẩn mực về báo cáo tài chính; có lộ trình để áp dụng các công cụ quản lý hiện đại vào khu vực ngân hàng. Thứ tư, xây dựng hệ thống thông tin quản lý thông suốt từ các NHTM đến cơ quan giám sát để đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời những rủi ro có hệ thống.

Thứ năm, củng cố và phát triển bộ máy quản lý rủi ro, đặc biệt quản lý rủi ro tín dụng, trong đó phải áp dụng phương thức đo lường rủi ro mới. Thứ sáu, tái cơ cấu tổ chức của các NHTM theo chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Trong đó đảm bảo các dòng thông tin từ kinh doanh đến quản lý phải thông suốt và tách bạch chức năng giám sát của HĐQT với chức năng quản lý, minh bạch hóa hệ thống báo cáo tài chính, hệ thống báo cáo rủi ro và hệ thống báo cáo khách hàng.

Kinh nghiệm của lần tái cấu trúc trước, các nội dung này thường được thực hiện liên tục trong một thời gian tương đối dài từ 3-4 năm và ưu tiên trước hết là nội dung về tái cấu trúc tài chính, “làm sạch” bản cân đối tài sản và các nội dung về quản trị rủi ro…

Việc thực hiện chương trình tái cấu trúc như vậy rất tốn kém, nên có thể vừa sử dụng nguồn tài chính hiện có của các NHTM, vừa vận động nguồn tài chính từ bên ngoài bằng các khoản hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc các cổ đông chiến lược của các NHTM.

Cách thức chỉ đạo để thực hiện một chương trình tái cấu trúc như vậy thường được chỉ đạo tập trung tư NHNN trên cơ sở NHNN phải xây dựng một dự án tái cấu trúc chuẩn.

Sau đó NHNN trực tiếp chỉ đạo thực hiện và từng bước giám sát chặt chẽ các nội dung về tái cấu trúc, để đảm bảo sau 3-5 năm các NHTM có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, khả năng cạnh tranh và mức độ an toàn để có thể trở thành trụ cột hệ thống tài chính cũng như trụ cột nền kinh tế. 

TS. LÊ TRỌNG NHI, chuyên ngành tài chính ngân hàng

Phân loại “sức khỏe” từng ngân hàng

Tái cấu trúc hệ thống NHTM là vấn đề được đặt ra từ lâu, ngay khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, đến nay không phải là quá muộn để thực hiện điều này. Nói đến tái cấu trúc hệ thống NHTM, Chính phủ và NHNN đóng vai trò quan trọng, nhưng thực tế còn tùy thuộc vào bản thân cốt yếu của từng NHTM.

Trước đây, Chính phủ đã đặt vấn đề tái cơ cấu hệ thống NHTM và NHNN đã có đề án chuẩn bị. Một số NHTM hiện nay đã có những bước cải cách hoạt động bài bản cả về nội dung và hình thức. Thế nhưng, đa phần việc cải cách ở các NHTM nước ta còn rời rạc, chưa có một lộ trình tổng thể với thời hạn thực hiện cải cách từ 3-5 năm.

Một trong những nguyên nhân là cơ quan quản lý chưa quyết liệt trong vấn đề tái cấu trúc hệ thống. Chẳng hạn đưa ra giải pháp yêu cầu hệ thống NHTM nâng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng, áp dụng một số tiêu chuẩn theo chuẩn mực quốc tế… nhưng đến nay chưa mạnh tay giải quyết triệt để.

Sau khủng hoảng tài chính yêu cầu bức thiết cho cả NHTM nội địa lẫn ngân hàng nước ngoài phải cơ cấu lại, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, nhất là khi tiêu chí an toàn của hệ thống tài chính thế giới đã có sự thay đổi theo hướng nâng cấp. Do vậy nếu không tái cơ cấu khoảng cách ấy sẽ càng dãn ra.

Ở nước ta hiện nay chưa có những đánh giá nào cụ thể về “sức khỏe” của từng NHTM để người dân, cổ đông có thể nhận biết, từ đó có quyết định gửi tiền cũng như đầu tư hiệu quả. Vì thế, để tái cấu trúc NHTM, đây là lúc cần có sự phân loại “sức khỏe” của từng NH, đưa ra một chuẩn cụ thể theo tiêu chuẩn quốc tế để các NH thực hiện với lộ trình từ 2-3 năm.

Nếu NHTM nào không đạt chuẩn buộc phải đào thải. Hiện nay ở nước ta hành lang pháp lý để quản lý hoạt động NHTM chưa gọi là đủ nhưng cũng đã có khung pháp lý. Vấn đề là công tác kiểm tra, giám sát của NHNN chưa chặt chẽ nên có tình trạng không ít NHTM trong những năm qua có danh mục đầu tư từ 30-40% tài sản trong chứng khoán, bất động sản.

Vì vậy, cơ cấu lại NHTM đòi hỏi người lãnh đạo điều hành NHTM cũng phải cơ cấu lại hệ số phân bố tài sản hợp lý với điều kiện thị trường cũng như chuẩn quy định của NHNN.

Các tin khác