Kéo giảm lãi suất - Cửa ra còn hẹp

Đã hết tuần đầu tiên của tháng 9 nhưng tiến trình kéo giảm lãi suất cho vay về 17-19%/năm đang diễn biến chậm chạp khi xuất hiện nhiều rào cản. Xem ra bài toán lãi suất NH rất cần các giải pháp mạnh tay từ NHNN và sự đồng thuận của các NHTM.

Đã hết tuần đầu tiên của tháng 9 nhưng tiến trình kéo giảm lãi suất cho vay về 17-19%/năm đang diễn biến chậm chạp khi xuất hiện nhiều rào cản. Xem ra bài toán lãi suất NH rất cần các giải pháp mạnh tay từ NHNN và sự đồng thuận của các NHTM.

Chỉ thị và thực tế

Ngày 7-9, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 02 về việc chấp hành trần lãi suất huy động và quy định xử lý nghiêm các NHTM vi phạm. Theo NHNN, thời gian qua hầu hết tổ chức tín dụng đã thực hiện lãi suất huy động VNĐ và USD cao hơn mức lãi suất quy định, gây rủi ro cho hệ thống tín dụng.

Để bình ổn thị trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn NH phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất phù hợp, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện đúng mức trần lãi suất VNĐ cao nhất 14%/năm, USD cao nhất 2%/năm với cá nhân và 0,5%/năm với doanh nghiệp.

NHTM sẽ phải chịu lỗ trong khoảng 3 tháng tới nếu lãi suất cho vay mức 17-19%/năm. Nhưng nếu đạt mục tiêu giảm lãi suất huy động thực tế xuống dưới 14%/năm, tổ chức tín dụng sẽ không lỗ. Có thể thấy thị trường đang kỳ vọng vào tính khả thi cũng như việc hành xử nghiêm khắc của NHNN trong việc thực hiện Chỉ thị 02.

Ông NGUYỄN HƯNG,
Tổng giám đốc VPBank

NH nào vi phạm, NHNN “sẽ đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành. Cá nhân bị đình chỉ, miễn nhiệm sẽ không được đảm nhiệm chức vụ quản lý trong vòng 3 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễm nhiệm.

Ngoài ra, NHTM sẽ bị hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động trong thời hạn 1 năm; hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc NHTM đó”. Theo ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, với những giải pháp mạnh tay này lãi suất huy động thực tế 14%/năm có thể thực hiện được.

Bởi với lãi suất này khách hàng tiền gửi có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là vẫn có NH vượt rào nên lôi kéo nhiều NHTM khác phải thỏa thuận theo để giữ chân khách hàng tiền gửi.

Trước đây NHNN đã có nhiều chỉ thị yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm trần lãi suất, nhưng từ chỉ thị đến thực hiện vẫn còn khoảng cách khá xa, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý của NHNN vẫn lơi lỏng.

Do vậy, tình trạng lách trần lãi suất huy động không chỉ phổ biến ở những NH nhỏ thường xuyên thiếu vốn mà còn ở các NH lớn thừa vốn, vẫn sẵn sàng trả lãi suất 17-18%/năm cho những khoản tiền gửi chỉ vài trăm triệu đồng. Đơn cử, đầu tuần này có một NH có cỡ công bố sẽ bơm khoảng 3.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 17,5-18%/năm, phát tín hiệu dẫn đầu trong thực hiện chủ trương kéo giảm lãi suất của NHNN.

Nhưng cũng thời điểm này khách hàng đến đáo hạn 4 tỷ đồng tiền gửi tại NH vẫn nhận được lãi suất 18,4%/năm. Điều này gây ra nghi ngờ về việc các NHTM công bố đưa ra các gói tín dụng lãi suất thấp trong khi lãi suất huy động còn ở mức cao.

Còn đó các rào cản

Để giảm lãi suất cho vay, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải ổn định thị trường liên NH. Sau một thời gian dài hạ nhiệt, những ngày gần đây lãi suất VNĐ trên thị trường liên NH bất ngờ tăng cao trở lại. Hôm qua 7-9, lãi suất kỳ hạn 1 tuần lên đến 17,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng 19%/năm và kỳ hạn 3 tháng 21%/năm. Trong khi đó, cuối tháng trước lãi suất liên NH ổn định ở mức thấp hơn mức điều hành của NHNN: Lãi suất qua đêm 10,5-11%/năm; kỳ hạn 1-2 tuần 11-13%/năm, 1 tháng 14,5-15%/năm.

Theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần nhỏ, lãi suất liên NH tăng trở lại cho thấy thanh khoản nhiều NHTM chưa ổn định, các NHTM nhỏ vẫn chưa tiếp cận vốn thông suốt trên thị trường mở với NHNN. Điều này đã tạo điều kiện cho vay lãi suất “cắt cổ” của NHTM lớn thừa vốn với NHTM nhỏ đói vốn. Vì vậy khi NHNN nới quy định về hạn mức huy động vốn trên thị trường liên NH, nhiều khả năng sẽ tái diễn tình trạng 2 giá trên thị trường lãi suất. Khi đó, thay vì đi vay trên thị trường liên NH lãi suất cao, các NHTM quay ra huy động vốn lãi suất cao ở tiền gửi dân cư.

Việc giảm lãi suất cần sự đồng thuận của các NH. Ảnh: LÃ ANH

Việc giảm lãi suất cần sự đồng thuận của các NH. Ảnh: LÃ ANH

Theo một nguồn tin, có thể tới đây NHNN sử dụng 37.000 tỷ đồng dự trữ bắt buộc dư thừa do các NH huy động lãi suất cao mà không cho vay được để giảm lãi suất trên thị trường. Đồng thời, NHNN có thể  bơm 15.000 tỷ đồng cho 10 NHTM nhỏ thường xuyên thiếu thanh khoản.

Tuy nhiên, để được sử dụng số tiền trên, các NH nhỏ phải thế chấp, hoặc số vốn này sẽ được tính là vốn góp của NHNN. Ngoài ra, NHNN có thể phát hành tín phiếu nhằm thu hút tiền từ những NH có thanh khoản tốt để tái cấp vốn cho các đơn vị khác. Có thể thấy mục tiêu của các giải pháp này nhằm can thiệp thanh khoản, ổn định thị trường vốn, đồng thời hạn chế “tác dụng phụ” lên lạm phát khi bơm tiền ra thị trường.

Tuy nhiên, NHNN vẫn kiên định với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM trong năm nay dưới 20% (khoảng 15-18%) và xử lý mạnh tay với việc các NHTM lách tăng trưởng tín dụng qua ủy thác đầu tư cũng như mua trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, đầu tuần này NHNN đã ban hành Thông tư 29 quy định từ 20-10 sẽ tính trái phiếu doanh nghiệp vào dư nợ tín dụng. Tới đây, NHNN sẽ quy định hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của các tổ chức tín dụng để tránh việc các NHTM lợi dụng đưa lãi suất lên.

Ai được vay lãi suất rẻ?

Mặc dù gần đây nhiều NHTM công bố gói cho vay ưu đãi hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nếu tính trên tổng dư nợ của từng NH, gói tín dụng ấy chỉ chiếm tỷ lệ 3-5%/tổng dư nợ. Hơn nữa, hầu hết NHTM chỉ ưu tiên dòng vốn rẻ cho doanh nghiệp xuất khẩu, kèm theo nhiều điều kiện sử dụng dịch vụ cũng như bán ngoại tệ lại cho NH…

Dẫu biết rằng trong bối cảnh kiềm chế lạm phát, không thể nới tín dụng cho tất cả đối tượng khách hàng, nhưng nhiều doanh nghiệp đều cho rằng để tiếp cận được dòng vốn rẻ ấy là không đơn giản. Nếu cộng cả phí dịch vụ, tính ra lãi suất doanh nghiệp vay từ nguồn vốn ưu ái này sẽ không rẻ bao nhiêu so với trước đây.

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiaDinhBank, cho rằng thời điểm này các NHTM dù còn nhiều “room” cũng không dám bung mạnh tín dụng vì lo rủi ro nợ xấu tăng cao do doanh nghiệp đã oằn mình với khó khăn thời gian qua.

Hơn nữa, dù nhiều NHTM đã thừa thanh khoản nhưng nguồn tiền huy động chưa ổn định, nhất là khi giá vàng được dự đoán còn bất ổn có thể gây biến động thị trường vốn. Mặt khác, dòng tiền huy động hiện nay chủ yếu ngắn hạn, các NH sẽ không dám đẩy mạnh cho vay vì lo ngại khách hàng có thể rút vốn bất cứ lúc nào, gây rủi ro thanh khoản cho NH.

Các tin khác