Kẽ hở mua ngoại tệ khi đi nước ngoài

Hiện đang có tình trạng nhiều người đi nước ngoài mua USD không chỉ tại một ngân hàng mà mua nhiều ngân hàng để gom ngoại tệ.

Cuối tháng 8 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định cá nhân khi đi công tác, du lịch hoặc thăm người thân ở nước ngoài thì được mua ngoại tệ trên 100USD/người/ngày.

Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng nhiều người đi nước ngoài mua USD không chỉ tại một ngân hàng mà mua nhiều ngân hàng để gom ngoại tệ.

Chị Thanh Hằng ở quận 1, TPHCM cho biết chị được cơ quan cử đi công tác nước ngoài hai tuần, nên đã ghé qua một ngân hàng để mua USD. Theo quy định, chị chỉ được mua trên 1.500USD tương đương với 15 ngày cho chuyến đi này. Nhưng khi đến ngân hàng thì chỉ mua được 1.000USD.

Sau đó chị chạy sang ngân hàng khác mua tiếp. “Tôi lại cầm vé máy bay và giấy công tác ghi rõ ngày đi và ngày về. Tại ngân hàng này tôi mua thêm được 1.000USD nữa. Đi qua ngân hàng thứ ba tôi mua thêm được 1.000USD” - chị Hằng nói. Chị còn cho biết nhiều người khác cũng làm vậy.

Nếu chỉ cần mang vé máy bay và giấy công tác đến các ngân hàng là mua được ngoại tệ thì một ngày nếu có 100 người mua ngoại tệ ở ngân hàng này chạy sang ngân hàng khác mua tiếp thì con số USD bán ra có đáng để quan tâm hay không?

Trưởng phòng của một ngân hàng cho hay thông thường theo quy định khi mua USD, khách hàng phải đăng ký chứng minh nhân dân vào giấy tờ để ngân hàng lưu lại. Nên khi khách hàng đã mua USD ở ngân hàng này mà tiếp tục mua ở ngân hàng khác thì không khó kiểm tra. Bởi vì trên hệ thống ngân hàng, hầu hết có liên kết với nhau để cân đối ngoại tệ trong ngày.

Tuy nhiên, có thể với số lượng 1.000USD hay vài ngàn USD, nhân viên ngân hàng không nghi ngờ nên đã không kiểm tra.

Mấy ngày qua, giá USD trên thị trường tự do đang cao hơn USD trong ngân hàng từ 500 đến 700 đồng/USD. Ngoài nhiều lý do khác khiến giá USD tự do tăng cao, lý do quản lý bán USD không chặt tại các ngân hàng cũng đáng phải lưu tâm.

Các tin khác