Giải ngân hàng chục ngàn tỷ đồng lãi suất rẻ

Trong tháng 9, nhiều NHTM đã giải ngân nhiều ngàn tỷ đồng lãi suất 16-19%/năm cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, lượng vốn rẻ này không thấm vào đâu so với nhu cầu.

Trong tháng 9, nhiều NHTM đã giải ngân nhiều ngàn tỷ đồng lãi suất 16-19%/năm cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, lượng vốn rẻ này không thấm vào đâu so với nhu cầu.

Hơn 30.000 tỷ vốn rẻ

Từ sau ngày 8-9, khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lãi suất huy động giảm xuống 14%/năm, đến nay có hơn 30.000 tỷ đồng tín dụng được các ngân hàng dành cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi rẻ, từ 16-19%/năm.

Mới đây nhất, ngân hàng ngoại ANZ Việt Nam dành khoản tín dụng 3.200 tỷ đồng (tương đương 160 triệu USD) cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong vòng 12 tháng tới, với hình thức vay bằng USD lãi suất từ 5-6%/năm.

 

Ông Calvin Nguyễn, Giám đốc Dịch vụ Tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: ANZ Việt Nam đặc biệt chú trọng đến các nhà xuất khẩu trong các lĩnh vực như thủy sản, cà phê, gạo, đồ gỗ và dệt may.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank - MSB), cho biết: Trong tháng 9, NH đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho hơn 100 doanh nghiệp, với lãi suất 17 - 19%/năm.

“Mức lãi suất 17 - 19% này tùy thuộc vào bảng xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của Maritime Bank. Nếu không thuộc đối tượng doanh nghiệp ưu tiên, mức lãi suất cho vay hiện nay của chúng tôi là 22 - 23%/năm, thậm chí cao hơn”- Ông Linh nói.

Một đại diện Eximbank (EIB) cũng cho hay trong tuần cuối tháng 9, NH đã giải ngân 500 - 600 tỷ đồng trong gói tín dụng 3.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp.

Theo một phó tổng giám đốc NH An Bình (ABBank), ngay ngày đầu tung ra gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho vay DN xuất khẩu với lãi suất 17-19%, NH đã giải ngân ngay cho một số khách hàng và hiện vẫn đang tiến hành với các hồ sơ đạt yêu cầu.

Bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBank khẳng định: “Gói hỗ trợ lãi suất được các NH thực hiện rất nghiêm. Trên thực tế, NH nào cũng để sẵn khoản tiền như công bố chứ không hề nói suông”. Tuy nhiên, việc giải ngân không ồ ạt, theo bà Hoa, do các doanh nghiệp vừa lên lại kế hoạch kinh doanh sau khi kết thúc quý 3, bước vào quý 4 nên cũng cần cân đối, tính toán lại.

Trước nhiều ý kiến phàn nàn chưa thấy lãi suất cho vay hạ, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký hiệp hội NH Việt Nam phân tích: “Lãi suất huy động ở mức 18–19% đã kéo dài hơn 8 tháng, cần một quá trình dài hơn để lượng vốn giá rẻ hoà với lượng vốn giá cao, đưa giá vốn dần dần hạ xuống. Nên việc đòi hỏi ngay lập tức lãi suất phải giảm cho tất cả doanh nghiệp là không thể”.

Không giảm kiểu “cào bằng”

Trả lời câu hỏi về xu hướng lãi suất từ nay tới cuối năm, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nói: “Đến thời điểm này, với lãi suất huy động giảm, có thể khẳng định chắc chắn xu hướng lãi suất sẽ giảm. Mức giảm sẽ phụ thuộc và chi phí vốn. Với đà giảm lạm phát của tháng 9, tháng 10 tới đây lạm phát giảm, tôi tin lãi suất ngân hàng cho vay tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, lãi suất chỉ giảm ở khu vực hoạt động hiệu quả đem lại chất lượng cho nền kinh tế, chứ không thể giảm đồng loạt. Chúng ta đã qua thời “tiền dễ và rẻ”. Vai trò của các NH tới đây là sẽ cung cấp những giao dịch ngắn hạn, với dòng vốn thương mại thay vì đầu tư. Cần nhìn nhận các gói giảm lãi suất là để hỗ trợ cho nền kinh tế chứ không thể giảm ào ạt cho toàn dân”.

Bởi thế, theo ông Vinh, năm nay kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư. Bên cạnh kênh vốn từ NH, các doanh nghiệp nên mở rộng hơn việc tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ ở thị trường vốn khác sẽ hiệu quả hơn.

Theo khảo sát, hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải vay mức lãi suất từ 21– 22,5%/năm (đối với khách hàng quen) và từ 22% – 24%/năm đối với khách hàng mới.

Lý giải vấn đề này, một giám đốc chi nhánh NH phân tích: “Lượng tiền được khách hàng rút ra để kinh doanh vào những lĩnh vực khác khá nhiều, chưa tính đến việc khách hàng cá nhân rút tiền để chuyển sang ngân hàng lớn gửi do mức lãi suất huy động không còn cạnh tranh, nên NH phải tính toán để đảm bảo thanh khoản nên chưa thể cho vay ồ ạt”.

Đại diện một số ngân hàng cũng thừa nhận đến thời điểm này, số lượng doanh nghiệp được vay vốn rẻ không nhiều, đặc biệt chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp thân tín hay theo cam kết có đi có lại (sử dụng dịch vụ ngân hàng như mở LC thanh toán qua ngân hàng hay bán lại ngoại tệ thu được cho chính ngân hàng đó...).

Đồng loạt giảm lãi suất huy động

Hôm qua, ngày đầu tiên thực hiện Thông tư 30 của NHNN về áp trần lãi suất VND với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng không vượt quá 6%/năm, hàng loạt ngân hàng (NH) đã điều chỉnh lãi suất, theo hướng chủ yếu rút về tối đa 6%/năm đối với số dư cuối ngày.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Maritime Bank khẳng định: “Với việc áp trần huy động 6% cho lãi suất không kỳ hạn và dưới 1 tháng, NHNN đã khẳng định sự cần thiết “tạo được một đường cong hợp lý” trong biểu lãi suất huy động”.

Tuy nhiên, khó khăn về thanh khoản tiếp tục dồn lên các NH nhỏ, khi mà khách hàng tiếp tục rút tiền, chuyển sang gửi các ngân hàng lớn vì không còn tính cạnh tranh lãi suất. Tính đến trung tuần tháng 9, NamVietBank bị rút khoảng 537 tỷ đồng, ViettABank bị khách hàng rút mỗi ngày khoảng 50-60 tỷ đồng...

Để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng, theo dữ liệu của Reuters, trong 4 phiên giao dịch từ 26 đến 29-9, NHNN đã bơm ra 5.000 tỷ đồng trên OMO với lãi suất 14%, kỳ hạn 14 ngày, nhưng không hút vốn về.

Các tin khác