Fed tăng lãi suất chỉ là sớm muộn, dòng tiền tại Việt Nam sẽ xoay chuyển ra sao?

(ĐTTCO) - Fed quyết định chưa tăng lãi suất. Dù vậy, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng này chỉ là sớm muộn và dự báo lạm phát, lãi suất, tín dụng Việt Nam thời gian tới.
Fed tăng lãi suất chỉ là sớm muộn, dòng tiền tại Việt Nam sẽ xoay chuyển ra sao?

- Không ngoài dự đoán, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định không tăng lãi suất trong phiên họp chính sách vừa kết thúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam (17-6). Tuy nhiên, các quan chức của Fed cũng dự báo sẽ tăng lãi suất vào cuối năm 2023. Theo ông, nếu lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng, ông có cho rằng Fed sẽ đưa ra tuyên bố tăng lãi suất trong những phiên họp chính sách tới?

- Đến thời điểm này, Mỹ và Châu Âu đã kiểm soát khá tốt dịch Covid 19, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đã cho phép người dân tham gia, các hoạt động kinh tế cơ bản quay trở lại bình thường.

Do đó, về lâu dài, các chính sách nới lỏng cung tiền hỗ trợ kinh tế phục hồi sau dịch sẽ dần co hẹp bớt. Khi kinh tế hồi phục, tất nhiên, Ngân hàng Trung ương các quốc gia sẽ dần tăng lãi suất, đó là xu thế. Hiện đã có một số quốc gia bắt đầu co hẹp bớt chính sách tiền tệ nới lỏng.

Việc Fed quyết định chưa tăng lãi suất lần này là do họ nhận định cần thêm thời gian để quan sát, để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn với nền kinh tế Mỹ đang giảm dần, việc Fed tăng lãi suất sẽ chỉ là sớm muộn.

- Lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu có ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam, liệu Việt Nam có nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát hay có nguy cơ nội tại nào không?

- Trong 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Việt Nam là 2,9% trong khi cả năm 2020 chỉ 3,25%. Chắc chắn, lạm phát năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, khả năng sẽ ở mức 3,5-4%.

Thứ nhất, dịch Covid 19 khiến tăng trưởng kinh tế giảm hơn so với những năm trước, song giá nguyên vật liệu như sắt thép, xăng dầu… đang tăng lên rất nhanh.

Thứ hai, mặc dù giá nông sản đang rẻ đi, song do lượng hàng bán ra ít hơn trước nên người bán có xu hướng tăng giá để bù đắp chi phí.

Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam nhiều năm nay liên tục xuất siêu. Tuy nhiên, tháng 5-2021 vừa qua, cán cân thanh toán đã đổi chiều, nhập siêu tới 2 tỷ USD, khiến 5 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu gần 370 triệu USD, gây áp lực đáng kể lên tỷ giá.

Thứ tư, NHNN đã cung ròng từ tháng 5 đến nay. Nếu NHNN không giám sát chặt thì sẽ diễn ra tình trạng dư tiền, gây ra lạm phát.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng mức lạm phát 4% trong năm 2021 – với điều kiện nước ta hiện nay – là có thể chấp nhận được. NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt rất tốt, tôi cho rằng sẽ khó có khả năng xuất hiện lạm phát do cung tiền.

Fed tăng lãi suất chỉ là sớm muộn, dòng tiền tại Việt Nam sẽ xoay chuyển ra sao? ảnh 1 Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển
- Với lạm phát ở mức 3,5-4% trong năm nay, theo ông, áp lực lãi suất thời gian tới với Việt Nam sẽ ra sao?

Lãi suất có tăng hay không, tùy thuộc vào Ngân hàng nhà nước. Chúng ta thấy, quý I-2021, các ngân hàng báo lãi rất lạc quan do cạnh tranh lẫn nhau về lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều DN vẫn đang rất khó khăn, nhiều DN không có khả năng trả nợ đúng hạn và đang được ngân hàng giãn nợ theo Thông tư 03/2021TT-NHNN.

Tuy nhiên, thực tế, với các doanh nghiệp này, một số ngân hàng  đang phải đối mặt với nợ xấu, không có dòng tiền chảy về dù trên báo cáo tài chính lợi nhuận vẫn tốt. Do không thu hồi được dòng tiền, nhiều ngân hàng TMCP hạng trung và nhỏ phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi nếu không được hỗ trợ thanh khoản.

Cho nên, lãi suất có tăng hay không phụ thuộc vào chủ trương và biện pháp thực hiện NHNN hỗ trợ các ngân hàng này. Quan sát 5 năm nay, thì NHNN quản lý chặc về việc tăng lãi suất để huy động vốn, nên sẽ không xảy ra tình trạng như năm 2012. Nhưng xu thế tăng lãi suất huy động lên 0,5% - 1% ở kỳ hạn 1 năm là có khả năng xảy ra 

Tóm lại, tôi cho rằng, lãi suất huy động năm nay sẽ không có đột biến. Riêng lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa. Doanh nghiệp tốt vẫn được hưởng lãi suất cho vay thấp, còn với các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để bù đắp rủi ro.

- Như ông nói, doanh nghiệp hiện nay vẫn đang khó khó khăn, nhưng tín dụng toàn hệ thống tính đến đầu tháng 6-2021 vẫn tăng khoảng 5%. Con số này, theo ông – có hợp lý so với tốc độ tăng trưởng GDP không? 

 - Chắc chắn là dòng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2021 chưa thể hoàn toàn đi vào đi vào sản xuất, kinh doanh bình thường như giai đoạn 2017-2018, vì hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, bế tắc, nhất là doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận tải, hàng không… Hoạt động thu hút đầu tư FDI cũng đang bị chậm lại, do các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng đang phải phòng thủ.

Tôi cho rằng, tín dụng 5 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 5% là khá hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP (dự kiến GDP 6 tháng tăng 5,8%). Dù vậy, không loại trừ một phần tín dụng vẫn được rót vào các doanh nghiệp đang “kẹt” nợ xấu như đã nói ở trên.

- Với tốc độ phục hồi kinh tế như hiện nay, ông có lo ngại dòng tiền sẽ ra khỏi ngân hàng và sản xuất kinh doanh, chảy vào các lĩnh vực đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản?

- Theo tôi thấy, bất động sản (BĐS) sau khi “sốt” vào quý I-2021 thì thanh khoản đang chậm lại. NHNN cũng đã có những chỉ đạo về hạn chế cho vay BĐS, và các ngân hàng cũng thận trọng hơn với tín dụng bất động sản. Do vậy, giai đoạn 6 tháng cuối năm dòng tín dụng đang hướng về SXKD mạnh hơn, nhất là kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đang có nhu cầu của thị trường và những dự án đầu tư của những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt.

Trong giai đoạn này, những dự án xây dựng hạ tầng của nhà nước có nguồn thu trong tương lai, những dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực có triển vọng, dự án về BĐS công nghiệp… thì ngân hàng vẫn cho vay. Còn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp… đang bị ngân hàng e ngại do thanh khoản yếu.

Về chứng khoán, thanh khoản các phiên giao dịch gần đây rất lớn (trên 1 tỷ USD). Tuy nhiên, tiền đổ vào chứng khoán từ rất nhiều kênh như tiền gửi tiết kiệm, từ bán bất động sản, từ vay margin công ty chứng khoán…. chứ không chỉ từ tín dụng ngân hàng.

Tôi cho rằng, dòng tiền rót vào chứng khoán của các nhà đầu tư F0 chủ yếu là dòng tiền ngắn hạn. Bởi vì, nhà đầu tư cá nhân đang thấy các kênh đầu tư, làm ăn gặp khó, nhưng kênh chứng khoán đang tăng nóng và “có vẻ thu lời tốt, nhanh chóng thuận lợi”.

Do vậy “dòng tiền thông minh chảy vào chổ trũng” của các F0 này cũng là điều dể hiểu. Nhưng đây là dòng tiền ngắn hạn với kỳ vọng đánh nhanh, thu lời nhanh, đổ vào rồi sẽ rút ra. Do vậy không ảnh hưởng tới dòng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng.

Theo tôi thấy, với thanh khoản hiện nay, các ngân hàng vẫn có nguồn tiền để cho vay, vấn đề là doanh nghiệp có tạo được niềm tin cho ngân hàng về khả năng trả nợ hay không.

Ngược lại, quan sát cho thấy đối với các doanh nghiệp nào chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, tiết giảm vốn, và chứng minh nguồn vốn vay cần thiết cho hoạt động trực tiếp của kinh doanh thì sẽ được ngân hàng rót vốn, và các doanh nghiệp đó có nhiều khả năng thoát khỏi khó khăn và phát triển.

Còn những doanh nghiệp không chủ động cắt giảm chi phí, lập kế hoạch kinh doanh theo hướng tập trung và giảm nhu cầu vốn; mà cứ đòi hỏi Chính phủ và ngân hàng cấp vốn đủ, vốn lãi suất ưu đãi thì sẽ tiếp tục gặp khó khăn, và khó được ngân hàng cho vay.

Các tin khác