Dòng tiền có chệch hướng?

(ĐTTCO)-Tính đến cuối tháng 10, NHNN tiếp tục không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng trong tháng thứ 8 liên tiếp trên thị trường tín phiếu, và tháng thứ 5 liên tiếp trên thị trường OMO. Lãi suất liên NH ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần cũng ở mức rất thấp, lần lượt 0,11%/năm và 0,21%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 2 tuần xuống mức 0,17%/năm, phá mức đáy thấp nhất trong vòng 2 năm qua. 
Dòng tiền có chệch hướng?
Theo dự báo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với việc thanh khoản hệ thống NH tiếp tục ở trạng thái dư thừa, lãi suất liên NH vẫn duy trì ở mức thấp (dưới 1%/năm) trong quý cuối năm. Đồng thời, NHNN nhiều khả năng tiếp tục không can thiệp hoạt động thị trường mở trong thời gian tới. 
Còn theo số liệu của Fiin Group, lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trong tháng 10 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả nhóm NH. Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm NHTM có vốn nhà nước giảm 0,3%; nhóm NHTMCP có quy mô vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,072%; nhóm NHTMCP có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,493%.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm NHTM có vốn nhà nước tiếp tục sụt giảm mạnh nhất (0,475%); nhóm NHTMCP có quy mô nhỏ và quy mô lớn có mức giảm lần lượt 0,052% và 0,323%. 
Ghi nhận tại các NH hiện nay, lãi suất tiền gửi bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7%/năm.
Diễn biến nói trên có phần tác động từ việc NHNN đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến lãi suất giảm đồng loạt đến từ việc tăng trưởng huy động vốn cao hơn so với cho vay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 22-9, huy động vốn của các TCTD tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).
Với chênh lệch huy động - cho vay như vậy, các NH không bắt buộc giữ lãi suất cao cho vốn huy động trên thị trường 1, đồng thời cũng không có nhu cầu vay mượn cao trên thị trường 2. Mặt bằng lãi suất cũng vì lý do thanh khoản quá dồi dào đã được đẩy xuống.
Vậy NH đang làm gì với dòng tiền dư thừa này? Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trên thị trường sơ cấp, lũy kế 10 tháng, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 260.116 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP). Mức này tăng 17,8% so với cả năm 2019 và đã đạt 100% kế hoạch năm 2020.
Trong đó, khối bảo hiểm là nhà đầu tư mua trái TPCP với số lượng lớn nhất, với tỷ trọng 54% trên tổng khối lượng trong 10 tháng qua. Ngành NH đứng thứ 2 với khối lượng mua đạt tỷ trọng 45%, còn lại là các công ty tài chính, quỹ đầu tư chiếm 1%. Như vậy, 10 tháng qua, các NH đã đầu tư hơn 117.000 tỷ đồng vào kênh TPCP. 
Tình hình trên cho thấy, năm nay các NH đầu tư vào TPCP nhiều và nhanh hơn so với năm ngoái. Đó cũng là tất yếu khi thời gian qua vốn huy động không thể cho vay. NH không thể để vốn nằm yên không sinh lời, vì vậy phải chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có TPCP.
Dù lãi suất huy động TPCP bình quân trên thị trường 9 tháng qua 2,91%, giảm 37% so với năm 2019, nhưng kênh TPCP được ưa chuộng vì tính thanh khoản cao. 
Bên cạnh TPCP, kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng hút mạnh vốn NH. 6 tháng đầu năm 2020, các NH mua vào tổng cộng 38.400 tỷ đồng TPDN của các tổ chức phi tín dụng trên thị trường sơ cấp, tương đương 31% tổng lượng phát hành của toàn thị trường.
Báo cáo tài chính quý III cũng cho thấy, lượng TPDN tại một số NHTM tiếp tục tăng. Cụ thể, lượng TPDN do Techcombank nắm giữ ở mức 54.400 tỷ đồng, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với đầu năm và tăng tới 79% so với cùng kỳ năm trước; tại TPBank hơn 12.703 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với cùng kỳ; tại MBBank 27.500 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái 14.400 tỷ đồng) và SeABank tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ…  

Các tin khác