Đau đầu tín dụng vàng

Vàng tăng giá chóng mặt tuần qua đã khiến những người vay vàng lẫn NH mệt mỏi để giải quyết hậu quả từ những khoản vay vàng. Không chỉ thế, nhiều NHTM cho biết giá vàng biến động thời điểm này đang gây khó cho NHTM trong việc tăng trưởng tín dụng cuối năm.

Vàng tăng giá chóng mặt tuần qua đã khiến những người vay vàng lẫn NH mệt mỏi để giải quyết hậu quả từ những khoản vay vàng. Không chỉ thế, nhiều NHTM cho biết giá vàng biến động thời điểm này đang gây khó cho NHTM trong việc tăng trưởng tín dụng cuối năm.

Chịu đau cắt lỗ

Hiện tại theo quy định của NHNN, các NHTM không thể cho vay vàng, mà có thể huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ vàng, nhưng chỉ được tiếp tục thực hiện từ nay đến tháng 5-2012. Sau thời điểm đó, hoạt động huy động và cho vay vàng của NH sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, nhiều NHTM đang đau đầu trước nguy cơ nợ xấu có thể gia tăng vì giải quyết vấn đề tín dụng vàng. Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến ngày 30-6, có 14 NH còn thực hiện huy động và cho vay vàng, với tổng huy động vàng nằm trong các NH gần 2,43 triệu lượng và tổng dư nợ vàng khoảng 1,12 triệu lượng.

Nếu không giải quyết hài hòa sự biến động của giá vàng thế giới, sẽ ảnh hưởng đến lộ trình kéo giảm lãi suất tiền đồng. Ảnh: LÃ ANH

Nếu không giải quyết hài hòa sự biến động của giá vàng thế giới,
sẽ ảnh hưởng đến lộ trình kéo giảm lãi suất tiền đồng. Ảnh: LÃ ANH

Thông thường, dư nợ bằng vàng của khách hàng trên tài sản đảm bảo tại các NHTM sẽ vào khoảng 50-60%. Nếu giá vàng tăng sẽ khiến dư nợ tăng theo, tỷ lệ dư nợ vàng trên tài sản đảm bảo sẽ không đảm bảo mức trên nữa, lúc đó NH sẽ yêu cầu khách hàng bổ sung tiền hoặc tài sản đảm bảo để kéo tỷ lệ này xuống.

Trong đợt sốt giá vàng vừa qua, giá vàng tăng đến 5 triệu đồng/lượng, chỉ trong vòng 3 ngày khiến nhiều người không thể bổ sung nổi tài sản đảm bảo, đã bị NHTM xử lý bằng cách bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Thực tế, cũng có NHTM giải quyết cho khách hàng quen bằng cách để tỷ lệ trên lên cao rồi mới quyết định xử lý. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TPHCM cho biết, NH ông chủ yếu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức vay vàng. Khi giá vàng lên nhanh nhiều người không kịp nộp tiền vào NH cũng thông cảm chờ. Ít nhất tỷ lệ dư nợ vàng trên tài sản đảm bảo lên đến 85-90% NH mới xử lý.

Nhiều NHTM cho biết cách đây vài tháng đã cảnh báo những khách hàng vay vàng của mình về việc vàng có thể tăng giá mạnh thời gian tới và khách hàng nên tính toán để giảm thiểu rủi ro khi vàng tăng giá. Thế nhưng, nhiều người thấy lãi suất cho vay vàng thấp trong khi vay tiền đồng cao nên vẫn không chuyển sang nhận nợ tiền đồng. Về việc này, nhiều NHTM cho biết cũng phải “cắn răng” chịu đựng.

Được biết lãi suất vay vàng tại nhiều NHTM chỉ 4%/năm. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiaDinhBank, cơn sốt vàng 2 tuần qua đã khiến nhiều người vay vàng chấp nhận chịu đau cắt lỗ do không thể bổ sung tài sản liên tục khi giá vàng cứ theo chiều hướng tăng.

rong lúc giá vàng tăng mạnh, các NH cũng tạo điều kiện giúp khách hàng giảm lỗ trong các khoản vay vàng bằng việc hỗ trợ khách hàng chuyển hết hoặc một phần dư nợ sang tiền đồng. Nhiều NH còn liên tục gia hạn các khoản nợ vàng cho khách hàng để hy vọng khi giá vàng giảm họ sẽ mua vàng trả nợ với giá thấp hơn. Nhưng thực tế cũng có nhiều người chây ra không trả, để NH tự xử lý. Và như vậy những khoản nợ này sẽ bị đưa vào nợ xấu của NH.

Bài toán huy động và trạng thái

Không chỉ giải quyết tín dụng vàng, một số NHTM cũng đang đau đầu với việc chuyển số vàng trước đây bán lấy tiền đồng thành vàng trở lại. Việc chuyển này phải thực hiện xong vào cuối tháng 6-2011 theo yêu cầu của NHNN. Tuy nhiên, theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho đến giữa tuần qua vẫn còn 4-5 NH tại TPHCM chưa thực hiện xong việc chuyển đổi này. Với việc giá vàng tăng cao như hiện nay, các NH sẽ bị lỗ khi chuyển ngược tiền thành vàng.

Nhưng ông Hạnh cho rằng khi đến hạn người dân rút vàng ra NH cũng phải trả lại hết. Theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, giá vàng biến động tác động đến tỷ giá đã ảnh hưởng đến trạng thái ngoại hối của các NHTM. Do tiền gửi ngoại tệ lãi suất thấp, nhiều NHTM đã tận dụng thực hiện nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ sang tiền đồng để cho vay lãi suất cao.

Tuy nhiên, khi giá vàng biến động nhanh đã làm giá ngoại tệ cũng có chiều hướng tăng, NH phải rất chật vật trong xử lý âm trạng thái ngoại tệ.

Nhiều NHTM cho biết thanh khoản tiền đồng thực sự đã tốt hơn từ vài tháng nay, lãi suất qua đêm giảm mạnh, kênh thị trường mở cũng thu hẹp, rất ít NHTM tham gia. Một yếu tố tự nhiên khiến các NHTM sẽ phải giảm lãi suất cho vay tiền đồng trong thời gian tới là do NHTM đang ứ vốn.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều NHTM chưa thể giảm nhanh lãi suất huy động vì cạnh tranh lãi suất huy động vẫn còn gay gắt ở những NHTM nhỏ. Để giữ chân khách hàng nhiều NHTM lớn vẫn phải chấp nhận thỏa thuận lãi suất với khách hàng. Nắm bắt vấn đề này, NHNN vừa cho biết trong đầu tháng 9-2011 sẽ triển khai gói giải pháp mới kéo giảm lãi suất, đặc biệt giảm lãi suất huy động.

Theo đó, NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 13 và 19, bỏ những quy định hành chính như hạn mức cho vay 80% trên vốn huy động hoặc tạo cơ chế mới cho thị trường liên NH và thị trường mở. Điều này sẽ giúp khơi thông dòng vốn tiền đồng trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để lãi suất giảm nhanh.

Tuy nhiên, muốn kéo giảm lãi suất NHNN cũng phải tính toán giải pháp bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ trong bối cảnh giá vàng quốc tế biến động thất thường.

Bài toán khó cho NHNN hiện nay là cùng lúc thực hiện các giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ, đồng thời phải kéo giảm lãi suất tiền đồng.

Vì thế, nếu không giải quyết hài hòa sự biến động của giá vàng thế giới, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình kéo giảm lãi suất tiền đồng từ nay đến cuối năm.

Các tin khác