Đánh đổi mục tiêu lạm phát, giảm sâu lãi suất

(ĐTTCO) - Với sự can thiệp của NHNN qua 2 lần giảm lãi suất điều hành và một số mức lãi suất trên thị trường, xu hướng lãi suất cho vay của các NHTM tiếp tục giảm để hỗ trợ tín dụng cho các DN, vực dậy nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lãi vay chỉ giảm ở mức độ, muốn giảm sâu hơn vẫn cần nhiều giải pháp khác.

Giảm nhưng không thể sâu
Nền kinh tế Việt Nam lâu nay mang đặc điểm kinh doanh trên vay nợ, Nhà nước muốn đầu tư phải vay trái phiếu, doanh nghiệp (DN) muốn sản xuất kinh doanh chủ yếu vay vốn từ NH. Các kênh huy động vốn khác dù cũng ghi nhận sự phát triển nhưng thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của DN.
Chính vì vậy, áp lực cung ứng vốn vẫn đè lên vai các NHTM, nên mong muốn giảm mạnh lãi suất cho vay vẫn chưa thể như kỳ vọng. Bởi lẽ muốn giảm lãi vay phải giảm được lãi suất huy động, nhưng lãi huy động khó hạ vì lo ngại người dân chuyển kênh đầu tư làm thay đổi nguồn huy động của NH. Bên cạnh đó, các NH vẫn giữ chênh lệch đầu vào - ra để có lợi nhuận, có dự phòng xử lý nợ xấu. 
Đánh đổi mục tiêu lạm phát, giảm sâu lãi suất ảnh 1 NHNN không thể buộc 4 NHTM có vốn nhà nước có thị phần lớn giảm lãi vay. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong bối cảnh này, muốn giảm lãi suất NH chỉ có cách NHNN phải giảm lãi suất điều hành cùng với tăng cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu. Cách này lại vướng ở chỗ chính sách tiền tệ phải thực hiện nhiệm vụ ổn định giá cả thông qua chỉ tiêu lạm phát. Vì vậy, NHNN không thể thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng quá mức để lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.
Cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, lạm phát xuống thấp, NHNN mới bắt đầu có điều kiện để giảm lãi suất điều hành, tạo nền tảng để giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, thay vì điều chỉnh nhỏ giọt như các năm trước, NHNN đã 2 lần hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 4,5%/năm trong tháng 3 và tháng 5, lãi suất tái chiết khấu từ 4% xuống còn 3%/năm. 
Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, cầu tiêu dùng suy yếu cùng với nỗ lực cắt giảm 10% giá điện sinh hoạt, lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức dưới 4%. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng mạnh mẽ. Nhưng dù vậy, kỳ vọng việc lãi vay giảm mạnh vẫn được đánh giá là khó.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, cộng với giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, là thông điệp để thị trường đầu vào có thể huy động với lãi suất thấp. Nhưng NHNN vẫn phải điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ về tỷ giá, lãi suất, không thể một lúc giảm sâu mà phải để thị trường chấp nhận được và giảm lãi suất cũng phải có độ trễ. 

Đề xuất mở một số chốt chặn
Theo một chuyên gia tài chính, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các NH phải đánh giá sức chịu đựng tài chính để lập kế hoạch cho tương lai. Theo đó, NH cũng chỉ sẽ giảm lãi suất theo phân khúc khách hàng và ngành phù hợp với mục tiêu chung, không thể giảm đại trà.
Hệ thống NH có 4 NHTM có vốn nhà nước đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần cho vay, nhưng NHNN không thể buộc 4 NH này giảm lãi suất để các NH khác làm theo. Bởi 3 trong 4 NHTM có vốn nhà nước chủ lực đã cổ phần hóa và có sự tham gia của nhà đầu tư nuớc ngoài. NHNN chỉ có thể dùng chính sách tiền tệ nới lỏng để họ đi tiên phong dẫn dắt thị trường, các NHTMCP khác đi theo. 
Trong thế khó của việc giảm lãi suất hiện nay, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, chia sẻ ngành NH đã có gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho DN, nhưng thật ra DN không hưởng được nhiều và mức giảm giảm 0,2-0,5%/năm không lớn. Nhưng nếu hạ lãi suất xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến NH.
“Tôi đã kiến nghị cần giảm 50% lãi vay NH cho các khoản vay đến kỳ trả nợ trong tháng 4, 5 và 6, trong đó NH chịu 25%, Nhà nước chịu 25% để hỗ trợ DN. Vì nếu yêu cầu Nhà nước hỗ trợ hết, ngân sách không có đủ, nên NH cần hy sinh lợi nhuận để cùng đồng hành. Khi đó, thay vì phải đóng lãi 10 triệu đồng/tháng, DN chỉ phải trả 5 triệu đồng/tháng, như vậy họ sẽ có cơ hội vượt qua khó khăn để tồn tại và không phá sản” - ông Thắng đề xuất. 
Giải pháp nữa cũng được ông Thắng đưa ra, là hiện nay tổng dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động (LDR) ở mức 85%. Với quy mô huy động vốn hiện nay, nếu NHNN cho phép các NHTM tăng tỷ lệ LDR lên thêm 5%, các NH sẽ có thêm 400.000 tỷ đồng vốn đã huy động dùng để cho vay. Theo đó, áp lực huy động để cho vay sẽ giảm xuống, lãi suất huy động của các NH sẽ giảm dần, lúc đó DN mới vay được lãi suất rẻ. 
Một nhóm chuyên gia đã đề xuất có sự xem xét điều chỉnh vĩ mô, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lạm phát để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng hơn nữa nhằm kéo lãi vay xuống. Bởi hiện nay, dường như NHNN vẫn đang hành động trong áp lực phải đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như nghị quyết được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019 (lúc chưa có dịch Covid-19). Kết quả, lãi suất cho vay chủ chốt của các NH dù được điều chỉnh giảm, nhưng chưa đạt được sự kỳ vọng của người đi vay. 
 Thay vì cố gắng đạt lạm phát dưới 4%, cần xem xét điều chỉnh vĩ mô, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lạm phát để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng hơn nữa nhằm kéo lãi vay xuống.

Các tin khác