​Công ty tài chính thuộc ngân hàng: Một thời tranh mua, một thời tranh bán

(ĐTTCO) -Giai đoạn 2014-2018, các NH rầm rộ công bố kế hoạch mua lại công ty tài chính (CTTC) để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng vì một quy định trong dự thảo của NHNN. Song quy định này không được ban hành, các NH lại muốn buông và đang tiến hành thoái vốn toàn bộ hoặc một phần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đổ xô mua CTTC
Năm 2014-2018 làn sóng NHTM mua CTTC diễn ra sôi động trên thị trường M&A. Cụ thể, VPBank mua lại CTTC Than - Khoáng sản Việt Nam, đổi tên thành CTTC TNHH MTV NH Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) mua lại CTTC Dệt may; Techcombank mua CTTC Hóa chất; MB nhận sáp nhập CTTC Sông Đà; SHB sáp nhập CTTC Vinaconex – Viettel; SeABank mua CTTC Bưu điện (PTF) với giá 710 tỷ đồng theo hình thức chuyển nhượng vốn góp…
Bên cạnh đó, nhiều NH trình cổ đông về kế hoạch thành lập CTTC. Chẳng hạn, BIDV xin ý kiến cổ đông về kế hoạch lập CTTC với 3 phương án, gồm mua lại 1 CTTC trên thị trường hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có thành CTTC tiêu dùng, hoặc sẽ thành lập CTTC mới. VietinBank muốn chuyển một phần PGBank thành CTTC PG Finance.
Các NH như ACB, Sacombank, NamA Bank, TPBank… cũng trình kế hoạch thành lập CTTC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Thời điểm năm 2015, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm. Theo báo cáo của StoxPlus, dư nợ vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 10,5 tỷ USD tính đến tháng 12-2014, đã lên mức 15,12 tỷ USD vào cuối năm 2015 (tăng 44,1%). Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng là điểm đáng chú ý, nhưng không hẳn là nguyên nhân trực tiếp tạo ra làn sóng NH thâu tóm CTTC.
Bởi bản thân các NH luôn có mảng cho vay tiêu dùng cá nhân bên cạnh cho vay doanh nghiệp. Động lực của làn sóng trên đến từ 1 quy định được đưa ra tại dự thảo Thông tư về hoạt động tín dụng tiêu dùng để lấy ý kiến vào năm 2014, khi đó Thống đốc NHNN đương nhiệm là ông Nguyễn Văn Bình. 
Cụ thể, dự thảo này đưa ra quy định các NHTM thực hiện cho vay tiêu dùng theo 3 hình thức cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng phải thành lập CTTC. Theo ban soạn thảo Thông tư, quy định này được xây dựng với định hướng tách biệt và hạn chế rủi ro đối với NH khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng phi tiêu chuẩn.
Đáng chú ý, đó cũng là thời điểm các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) sắp hết hạn thực hiện yêu cầu của Chính phủ là không đầu tư ngoài ngành, đến năm 2015 phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhạy cảm (tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán).
Thế nhưng nhiều CTTC trực thuộc TĐ, TCT chìm trong nợ xấu cao và âm vốn nên thoái vốn gặp khó khăn. Do vậy quy định của NHNN đã tạo cú hích NH đổ xô thâu tóm các CTTC. 6/12 CTTC từ các TĐ, TCT cần tái cơ cấu đã được NHTM mua lại, thành lập CTTC trực thuộc NH để không mất phần trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng vốn được xem là mảnh đất vô cùng màu mỡ lúc bấy giờ. 
Tranh thủ thoái vốn
Tuy nhiên, xu hướng đã đổi chiều kể từ năm 2019. Sau khi mua lại CTTC Sông Đà và vận hành một thời gian, MB đã bán 50% vốn cho Shinsei Bank (Nhật Bản). VPBank sau nhiều năm lên kế hoạch cũng đã hoàn tất bán 49% cổ phần tại FECredit cho nhà đầu tư nước ngoài là CTTC Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) và 1% cho Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Còn Techcombank đã sớm chuyển nhượng 100% vốn tại Techcom Finance cho Công ty Lotte Card của Hàn Quốc.
Năm 2018, MSB đã có chủ trương bán toàn bộ phần vốn góp tại CTTC TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM - tiền thân của CTTC Dệt may). Song đến năm 2020, MSB mới thực hiện ký kết bán 50% cổ phần cho Hyundai Card. Thương vụ không thành công do đối tác này thay đổi chiến lược kinh doanh, rút lui và đền bù một khoản tiền cho MSB. 
Vì sao lại như vậy? Một chuyên gia tài chính phân tích, lý do đầu tiên là quy định trong dự thảo chỉ đưa ra lấy ý kiến sau đó không được nhắc lại. Từ đó đến nay đã trải qua 3 thời Thống đốc, không có quy định chính thức về việc các NHTM thực hiện cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC.
Theo đó, các nhà băng chưa lập CTTC đã gác lại kế hoạch, những nhà băng đã hoàn tất mua CTTC buộc phải tính toán, có nhà băng muốn rút bớt cổ phần, nhưng cũng có nhà băng muốn buông tay. 
Thứ hai, các NH đã nhận thấy cho vay tiêu dùng qua CTTC dễ thu lợi. Trong 16 CTTC đang hoạt động, 3 CTTC là FE Credit, Home Credit và HD Saison chiếm 80% thị phần, 20% còn lại chia cho 13 CTTC. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh thị phần trên thị trường những năm tới sẽ rất gay gắt khi có thêm sự tham gia của P2P Lending và cho vay cầm đồ trực tuyến.
Đặc biệt, rủi ro cho vay cá nhân sẽ tăng cao khi dịch Covid đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến thu nhập trong khi CTTC cho vay không có tài sản đảm bảo.
Đồng thời, Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các CTTC, yêu cầu các CTTC phải giảm dần tỷ lệ cho vay trực tiếp bằng tiền mặt tối đa 70% trong năm 2021, giảm dần xuống 60% vào năm 2022, 50% vào năm 2023 và 30% vào năm 2024.
Tỷ lệ cho vay tiền mặt của các CTTC khá lớn, quy định này giúp lành mạnh hóa hoạt động cho vay tiêu dùng nhưng sẽ ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của các công ty này. Vì vậy, thoái bớt vốn hoặc bán toàn bộ trong thời điểm này là giải pháp để các NH tháo gỡ những rủi ro có thể đối mặt trong tương lai.  
 Việt Nam không có hệ thống chấm điểm tín dụng khiến hoạt động cho vay cá nhân của các tổ chức tín dụng, nhất là các CTTC, đối mặt với rủi ro nợ xấu cao. NHNN cần quan tâm hơn vấn đề này khi muốn phát triển tín dụng tiêu dùng để hạn chế, ngăn chặn tín dụng đen.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH

Các tin khác