Công ty tài chính: Khó khăn mọi bề

17 công ty tài chính (CTTC) đang tồn tại ở Việt Nam, với thế mạnh chủ yếu dựa vào vị thế "người nhà" trong cùng hệ thống, giờ đây đang phải cạnh tranh gay gắt với hệ thống ngân hàng.

17 công ty tài chính (CTTC) đang tồn tại ở Việt Nam, với thế mạnh chủ yếu dựa vào vị thế "người nhà" trong cùng hệ thống, giờ đây đang phải cạnh tranh gay gắt với hệ thống ngân hàng.

Lung lay vị thế

Những hạn chế của mô hình này đang khiến các CTTC đứng trước nguy cơ buộc phải thay đổi để tồn tại, nhất là khi vị thế của chính các công ty này trong công ty mẹ đang bị lung lay.

Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2011 nhấn mạnh: "Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh".

Hiện nay, việc các tập đoàn, tổng công ty thành lập CTTC có bị coi là hoạt động đầu tư ngoài ngành hay không vẫn còn chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng đa số ý kiến đang nghiêng về quan điểm cho rằng, việc lập CTTC là hoạt động đầu tư ngoài ngành và vì thế, đầu tư vào loại hình công ty này sẽ phải co hẹp lại theo tinh thần của Nghị quyết nêu trên.

Nếu việc co hẹp đầu tư được thực hiện rốt ráo sẽ dấy lên lo ngại về nguy cơ tồn tại các CTTC trực thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước.Trong 17 CTTC đang hoạt động có 12 công ty trực thuộc các tổng công ty, tập đoàn hiện có vốn chi phối của Nhà nước. Lợi thế lớn nhất, vốn là xuất phát điểm để hình thành các CTTC trực thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước là việc tận dụng vị thế "người nhà" để làm chức năng luân chuyển nguồn lực tài chính giữa các đơn vị thành viên, đầu mối giúp thu xếp vốn và tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi giá rẻ ngay trong hệ thống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm gần đây, lợi thế vốn có của mô hình này đang bị mất dần đi. Cơ chế thị trường phát triển mạnh cùng với sự hỗ trợ của TTCK đã giúp các ngân hàng thương mại ngày một gia tăng vị thế của mình. Nếu trước năm 2007 chỉ có một vài ngân hàng có quy mô vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, thì nay đa số ngân hàng đã có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên.

Bản thân các DN trong tập đoàn cũng giảm dần mức độ phụ thuộc vào CTTC trong tập đoàn, thay vào đó là mở rộng hợp tác với nhiều NHTM khác nhau. Ví dụ, các công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) không chỉ huy động vốn thông qua CTTC cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), mà còn bằng rất nhiều kênh khác như: phát hành trực tiếp trái phiếu, thông qua NHTM, huy động vốn cổ phần…

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dù có CTTC cổ phần Điện lực (EVN Finance) nhưng trên thực tế, các DN trong ngành vẫn phải tìm đến sự hỗ trợ vốn của ngân hàng cho các dự án điện. Nhiều DN trực thuộc EVN có tiền nhàn rỗi cũng không "dồn lực" gửi tại EVN Finance, mà phân bổ lượng tiền của mình cho nhiều đơn vị.

Tất nhiên, CTTC thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chỉ sống bằng việc phục vụ dịch vụ tài chính cho các DN trong cùng hệ thống. Việc mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho các DN bên ngoài hệ thống cũng được chú trọng, nhất là trong bối cảnh khát vốn của nền kinh tế như hiện nay.

Ngoài ra, loại hình công ty này còn cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân như cho vay mua tiêu dùng, vay trả góp… hoặc kết hợp với các ngân hàng, công ty bảo hiểm triển khai dịch vụ tiện ích khác cho khách hàng cá nhân, tổ chức.

Khả năng cạnh tranh thấp

Dù nỗ lực đa dạng hóa hoạt động, nhưng khả năng cạnh tranh của CTTC là thấp so với mô hình ngân hàng. Có vẻ như lợi thế về điều kiện thành lập "nới hơn" của CTTC đã phải đánh đổi khá nhiều về sự eo hẹp trong cung cấp các nghiệp vụ ngân hàng. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010,  công ty tài chính chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng thay vì thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ ngân hàng như một ngân hàng thương mại.

Cụ thể, CTTC không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 1 năm. Điều này đã hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn của các CTTC so với ngân hàng. Các công ty tài chính đã nghĩ ra hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư… nhằm huy động tiền nhàn rỗi từ nền kinh tế.

Tuy nhiên, hình thức này chỉ khắc phục được một phần sự bất lợi của mô hình CTTC. Nghiệp vụ ngân hàng khó khăn, nhưng hoạt động đầu tư - kênh sinh lợi thứ hai của hệ thống CTTC giai đoạn gần đây cũng gặp nhiều trắc trở. Ngoài những khó khăn khách quan, hoạt động của CTTC phụ thuộc công ty mẹ, nên việc có thực hiện những nghĩa vụ đầu tư mang tính chỉ định là khó tranh khỏi.

Thêm vào đó, CTTC lại bị giới hạn tỷ lệ đầu tư 11% vốn điều lệ của đơn vị nhận đầu tư, khiến hoạt động càng thêm bức bối.

Phó tổng giám đốc của một CTTC chia sẻ với những CTTC có quy mô nhỏ (tài sản dưới 10.000 tỷ đồng) thì sức ép để duy trì hoạt động không quá lớn, nhưng với những đơn vị có quy mô từ 10.000 -20.000 tỷ đồng trở lên, đây là giai đoạn khó khăn để có thể hoạt động hiệu quả. 

Thậm chí, theo ý kiến này, nếu không có sự hỗ trợ từ phía công ty mẹ hoặc các công ty thành viên cùng hệ thống, nhiều CTTC có thể sẽ đổ vỡ trong một vài năm tới. Trên thực tế, hiện có một vài CTTC trực thuộc hệ thống tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang đối mặt với thách thức tồn tại.

Có đơn vị rơi vào tình trạng tài chính bi bét, với nợ xấu lớn và không huy động được vốn mới, kèm theo đó là sự rối loạn nhân sự công ty.Ngoài việc phải chống chọi với các khó khăn tự thân, nếu Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2011 được thực thi quyết liệt, tức là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái vốn đầu tư vào các DN ngoài ngành, trong đó có CTTC trực thuộc, thì sự tồn tại loại hình công ty này là rất mong manh. Áp lực thoái vốn từ chính công ty mẹ sẽ làm mất đi lợi thế lớn nhất và gần như duy nhất của CTTC trực thuộc.

Vậy đâu là hướng đi cho CTTC trong bối cảnh này? Hiện nay một số CTTC đang tìm kiếm "chỗ dựa" mới, đó hoặc là một đối tác nước ngoài, hoặc là một tập đoàn tư nhân đủ mạnh hoặc thậm chí chuyển CTTC từ vị thế công ty con thành công ty cháu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Một hướng đi khác là CTTC sẽ chuyển đổi sang mô hình ngân hàng để tăng khả năng cạnh tranh.

Các tin khác