Cơn khát tăng vốn lan rộng nhiều lĩnh vực

(ĐTTCO) - 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu lên thêm 102.600 tỷ đồng trong năm 2021, đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng sự bùng nổ này để phát hành tăng vốn cổ phần, phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như bù đắp thiếu hụt dòng tiền sau đại dịch. Ảnh: quý Hòa.
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng sự bùng nổ này để phát hành tăng vốn cổ phần, phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như bù đắp thiếu hụt dòng tiền sau đại dịch. Ảnh: quý Hòa.

Trong bối cảnh các kỷ lục về điểm số và thanh khoản thị trường liên tục bị phá vỡ, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng sự bùng nổ này để phát hành tăng vốn cổ phần, phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như bù đắp việc thiếu hụt dòng tiền sau đại dịch.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán SSI, nhận định: “Thanh khoản và điểm số thị trường năm 2021 sẽ tốt hơn năm 2020, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia. Do đó, có thể huy động được nguồn vốn lớn trên thị trường và cho nền kinh tế”.

Quy mô vốn cao nhất trong lịch sử

Theo số liệu của FiinPro, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 102.600 tỷ đồng trong năm nay, mức cao nhất trong lịch sử. Cụ thể, có 20.300 tỷ đồng đã được phát hành thành công tính từ đầu năm, số còn lại dự kiến được phát hành từ nay đến cuối năm.

Trong đó, 2 hình thức huy động được doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành dự kiến trong năm 2021 lần lượt là 54.100 tỷ đồng và 47.800 tỷ đồng. Không ngạc nhiên khi 3 nhóm ngành dự kiến phát hành tăng vốn nhiều nhất là ngân hàng, bất động sản và chứng khoán, với mức huy động lần lượt đạt 21.900 tỷ đồng, 15.800 tỷ đồng và 14.800 tỷ đồng. 

Cơn khát tăng vốn lan rộng nhiều lĩnh vực ảnh 1
Theo SSI, do tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ năm 2019. Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.
Đáng chú ý, phần lớn việc phát hành mới cổ phiếu đã nằm trong kế hoạch trước đây. Như Ngân hàng VIB và VPBank đã đặt kế hoạch phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 2018-2019. Hay Vietcombank và BIDV đều lên kế hoạch bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sau đợt tăng vốn năm 2019. LienVietPostBank cũng đã tổ chức phát hành riêng lẻ trong năm 2020.

Hầu như tất cả kế hoạch tăng vốn đều được tái khởi động trong năm nay.

Ngành bất động sản do được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng. Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cho biết: “Với mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền từ nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển dịch từ tiền gửi sang bất động sản”.

Do đó, nhiều công ty bất động sản, đặc biệt là các chủ đầu tư lớn có nhiều quỹ đất cũng có nhu cầu tăng vốn, nhằm chuẩn bị nguồn tài chính để phát triển những dự án lớn.

“Chúng tôi cho rằng các công ty bất động sản uy tín với quỹ đất sạch, lớn ở gần trung tâm TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận, đồng thời có khả năng thực thi dự án tốt như Khang Điền, Novaland hay Vinhomes sẽ hưởng lợi và tăng trưởng khả quan”, ông Andy Ho nhận định.

Cơn khát tăng vốn lan rộng nhiều lĩnh vực ảnh 2 Nhiều công ty bất động sản, đặc biệt là các chủ đầu tư lớn có nhiều quỹ đất cũng có nhu cầu tăng vốn, nhằm chuẩn bị nguồn tài chính để phát triển những dự án lớn. Ảnh: Quý Hòa.

Nhóm dịch vụ tài chính, chủ yếu là các công ty chứng khoán cũng có kế hoạch phát hành thêm 14.800 tỷ đồng nhằm tăng vốn chủ sở hữu, từ đó mở rộng các khoản cho vay ký quỹ, do tỷ lệ cho vay ký quỹ đã gần chạm mức cho phép là 200% vốn chủ sở hữu. 

Tìm vốn từ đâu?

Gần đây, Công ty Chứng khoán SSI đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 6.459 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng. Tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ. Hay Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng đã thông qua Nghị quyết tăng vốn dự kiến với việc phát hành 166,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thực hiện 1:1 cho các cổ đông hiện hữu, dự kiến tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 3.330 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Công ty Chứng khoán SSI, cho biết: “Định hướng xây dựng thị trường chứng khoán và thị trường vốn là trở thành kênh huy động tốt song song với kênh dẫn vốn của ngân hàng. Do đó, nhu cầu tăng vốn của công ty chứng khoán là nhu cầu cấp thiết cho hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời cũng là nhu cầu cần thiết để xây dựng thị trường chứng khoán và các kênh phân phối. Nhiều công ty chứng khoán đã có kế hoạch tăng vốn”.
Cơn khát tăng vốn lan rộng nhiều lĩnh vực ảnh 3

Có thể nói, việc nhanh chóng tận dụng sự bùng nổ của thị trường để phát hành tăng vốn là quyết định hợp lý, nhất là trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Đại diện Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết: ”Việc tăng vốn là theo kế hoạch kinh doanh của công ty. Với kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thì nhu cầu tăng vốn để hỗ trợ phát triển là hợp lý”. 

“Do bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh trong năm 2020, đa số các công ty đều hoãn kế hoạch phát hành (hoặc phát hành mới đều không thành công). Vì vậy, một lượng lớn kế hoạch tăng vốn đã chuyển sang năm 2021”, vị này cho biết thêm.

Cũng có một số quan ngại về việc tăng vốn quá nhiều sẽ tạo ra nguồn cung cổ phiếu lớn, gây áp lực tới đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Tuy vậy, đại diện của MBKE cho rằng: “Số lượng cổ phiếu tăng thêm có thể làm tăng lực bán trong ngắn hạn nhưng rồi thị trường vẫn sẽ quay lại với giá trị cơ bản của cổ phiếu”.

Các tin khác