Cân nhắc vay USD

Để “phanh” tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, NHNN cho biết ngoài việc sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, tới đây NHNN sẽ ban hành quy chế trần giao dịch kỳ hạn nhằm tăng chi phí vay bằng ngoại tệ.

Thực tế, năm 1998 NHNN cũng đã có quy định về trần giao dịch kỳ hạn ngoại tệ. Theo đó, nguyên tắc ấn định tỷ giá mua bán kỳ hạn ngoại tệ không vượt quá giới hạn tối đa của tỷ giá giao ngay (spot) tại thời điểm giao dịch, cộng với từng mức tỷ lệ phần trăm cụ thể so với giới hạn tối đa của tỷ giá giao ngay từng kỳ hạn (1, 2, 3 tháng…).

Giai đoạn 2004-2005 NHNN đã bỏ quy định này và áp dụng công thức ấn định tỷ giá mua bán ngoại tệ kỳ hạn không vượt quá giới hạn tối đa của tỷ giá spot tại thời điểm giao dịch cộng với điểm kỳ hạn (trong đó điểm kỳ hạn được tính bằng giá spot nhân (x) chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD chia (/) 360 ngày). Việc tính chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD được dựa vào lãi suất cơ bản của NHNN và lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED).

Tuy nhiên, với công thức này điểm kỳ hạn rất thấp, không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi lãi suất cơ bản của NHNN hiện nay 9%/năm trong khi lãi suất cho vay thực tế lên đến 18-20%/năm, trong khi lãi suất của FED ít biến động. Nếu áp dụng theo công thức này, các NHTM sẽ chịu rủi ro.

Vì thế, để bán được kỳ hạn ngoại tệ cho khách hàng, các NHTM phải tìm cách lách và áp dụng điểm kỳ hạn dựa trên lãi suất thực tế. Tới đây nếu NHNN quy định về trần giao dịch kỳ hạn ngoại tệ, có thể theo hướng nâng trần, vì trần giao dịch kỳ hạn ngoại tệ đang rất thấp so với thực tế.

Đến nay so với lãi suất cho vay, vay ngoại tệ doanh nghiệp vẫn có lợi hơn. Tuy nhiên các doanh nghiệp vay ngoại tệ sẽ phải cân nhắc hơn khi thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn để bảo hiểm rủi ro tỷ giá vì có thể sẽ chịu chi phí cao hơn. Điều này đồng nghĩa với tỷ giá kỳ hạn có thể biến động trong biên độ rộng hơn.

Các tin khác