Bất cập giám sát hệ thống tài chính

Sau 25 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh trên nhiều mặt. Tuy nhiên, giai đoạn có nhiều bất ổn kinh tế vừa qua đã chỉ ra một số hạn chế, như sau: Cơ chế huy động các nguồn lực cho nền tài chính quốc gia hiện nay nổi lên một số điểm nghẽn, như thị trường tài chính còn tiềm ẩn không ít nguy cơ bất ổn; thu ngân sách còn phụ thuộc vào các khoản “không thường xuyên”; tỷ trọng thu từ dầu thô và đất đai vẫn còn khá lớn, trong khi thu từ thuế nhà, đất và thuế thu nhập cá nhân còn thấp; thâm hụt ngân sách vẫn còn cao; nợ công tuy trong giới hạn an toàn nhưng đã tiệm cận ngưỡng cảnh báo...

Sau 25 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh trên nhiều mặt. Tuy nhiên, giai đoạn có nhiều bất ổn kinh tế vừa qua đã chỉ ra một số hạn chế, như sau:

Cơ chế huy động các nguồn lực cho nền tài chính quốc gia hiện nay nổi lên một số điểm nghẽn, như thị trường tài chính còn tiềm ẩn không ít nguy cơ bất ổn; thu ngân sách còn phụ thuộc vào các khoản “không thường xuyên”; tỷ trọng thu từ dầu thô và đất đai vẫn còn khá lớn, trong khi thu từ thuế nhà, đất và thuế thu nhập cá nhân còn thấp; thâm hụt ngân sách vẫn còn cao; nợ công tuy trong giới hạn an toàn nhưng đã tiệm cận ngưỡng cảnh báo...

Cơ chế phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia thiên về phát triển chiều rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, biểu hiện ở việc hiệu quả đầu tư công có xu hướng giảm; cơ cấu đầu tư ngân sách còn nhiều bất hợp lý, phân bổ vốn đầu tư vẫn dàn trải; tình trạng thất thoát và lãng phí đầu tư chưa có cơ chế xử lý phù hợp.

Trong bối cảnh ấy, hệ thống giám sát tài chính nước ta, một công cụ quan trọng để xem xét “sức khỏe” nền kinh tế, thực hiện việc cảnh báo sớm những bất ổn vĩ mô có thể gây ra các sự cố khủng hoảng tiềm tàng trong nền kinh tế, lại được tổ chức theo mô hình phân tán, nghĩa là mỗi bộ phận của thị trường tài chính được giám sát bởi một cơ quan giám sát chuyên ngành.

Chẳng hạn thị trường tiền tệ được giám sát bởi cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; thị trường chứng khoán được giám sát bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; thị trường bảo hiểm được giám sát bởi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính.

Ưu điểm của mô hình này là giám sát được các định chế trung gian tài chính một cách chặt chẽ, thường xuyên nhưng lại tạo ra những khoảng trống trong hoạt động giám sát chung trên bình diện vĩ mô, như giám sát chéo hoạt động trong các tập đoàn tài chính kinh doanh đa ngành và giám sát rủi ro đan xen giữa các bộ phận của các loại thị trường. Đặc biệt việc giám sát an toàn tổng thể thị trường tài chính tỏ ra bất cập cũng như việc điều phối chung hoạt động giám sát chuyên ngành không được thực hiện có hệ thống.

Chính những “khoảng trống” này đã làm khả năng giám sát tài chính nước ta ít hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý, ngăn ngừa, phòng tránh các hành vi vi phạm và lạm dụng thị trường, khó nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm năng của hệ thống tài chính. Điều này đã dẫn đến những bất ổn của thị trường tài chính cũng như của cả hệ thống tài chính.

Nhằm khắc phục việc này, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, với chức năng giám sát chung thị trường tài chính và tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng trong điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính. Tuy nhiên, đến nay sau 3 năm đi vào hoạt động, việc san lấp những khoảng trống này cũng ở mức độ rất khiêm tốn do nhiều hạn chế (như vị thế pháp lý thấp, không có quyền lực quản lý nhà nước…).

Thực tế thời gian qua đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập của hệ thống giám sát tài chính nước ta, như khuôn khổ pháp lý về giám sát tài chính còn nhiều kẽ hở, chưa đồng bộ; năng lực giám sát của các cơ quan giám sát chuyên ngành còn yếu; thiếu sự liên thông trong việc giám sát chung thị trường tài chính do các cơ quan giám sát chuyên ngành hoạt động độc lập, thực hiện nhiệm vụ giám sát theo kiểu “việc ai nấy làm”; chưa có sự điều phối giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành, gây khó khăn cho việc giám sát rủi ro chéo…

Việc nâng cao hiệu lực hệ thống giám sát tài chính nước ta hiện nay là vô cùng cần thiết nhằm bảo đảm thiết lập được cơ quan giám sát tài chính độc lập, có đủ năng lực, thẩm quyền trong hoạt động giám sát toàn diện thị trường tài chính, tránh trùng chéo trong giám sát, nâng cao tính phát hiện để có giải pháp ngăn chặn kịp thời các bất ổn phát sinh từ thị trường này.

Các tin khác