Áp lực tăng tỷ giá

(ĐTTCO) - Trong tháng 3, tỷ giá có xu hướng tăng mạnh. Mặc dù NHNN đã có động thái can thiệp để hạ nhiệt song áp lực đối với tỷ giá vẫn còn khá lớn.
Áp lực tăng tỷ giá
Sáng 31-3, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.235 đồng/USD, tăng 5 đồng so với phiên trước. Theo đó, tỷ giá tại các NHTM cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, Vietcombank đã điều chỉnh tăng 20 đồng ở cả chiều mua và chiều bán, niêm yết ở mức 23.530 - 23.720 đồng/USD. BIDV tăng 10 đồng lên mức 23.550 - 23.710 đồng/USD. LienVietPostBank tăng 30 đồng cả 2 chiều lên mức 23.530-23.710 đồng/USD, Techcombank tăng thêm 5 đồng, niêm yết ở mức 23.545-23.705 đồng/USD.
Đáng chú ý, một số NH giữ nguyên giá bán ra so với phiên trước nhưng tăng giá mua vào, như Eximbank tăng 20 đồng chiều mua vào từ 23.530 đồng/USD lên 23.550 đồng/USD, DongABank tăng thêm 10 đồng, Vietinbank tăng thêm 3 đồng. Đồng thời, các NH cũng niêm yết giá mua USD chuyển khoản cao hơn từ 20-30 đồng so với giá mua USD bằng tiền mặt. 
Điều này cho thấy, một số NH cũng đang có nhu cầu hút tiền USD vào hệ thống. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giữ khoảng cách lớn với giá giao dịch của các NHTM, giá mua bán đứng ở mức 23.700 - 23.850 đồng/USD.
Nhìn chung cả tháng 3, tỷ giá đã liên tục chịu áp lực tăng. Thời điểm đầu tháng, tỷ giá trung tâm chỉ ở mức 23.219 đồng/USD. Giá mua vào tại các NHTM trong khoảng 23.135-23.190 đồng/USD, giá bán trong khoảng 23.290-23.310 đồng/USD. Biến động tăng của tỷ giá đầu tiên là đến từ việc chỉ số Dollar Index liên tục tăng mạnh trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây do tác động của dịch cúm Covid 19. Trong nước, NHNN cũng đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành vào giữa tháng 3 tiếp tục làm VNĐ yếu đi. 
Một lý do nữa đến từ áp lực rút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu kể từ sau Tết Nguyên đán. Theo ước tính của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), con số này tính đến ngày 24-3 vào khoảng 500 triệu USD. 
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho rằng VNĐ giảm giá còn chịu tác động từ việc dịch cúm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường nước ngoài, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giảm hoặc ngưng hoạt động.
So với những biến động xảy ra trước đây, áp lực lên tỷ giá lần này là khá lớn. Bởi khi giá bán ra đã vượt qua ngưỡng 23.600 đồng/USD vào ngày 23-3, NHNN đã lên tiếng trấn an thị trường. Theo NHNN, tỷ giá có xu hướng tăng do biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Còn thanh khoản trong nước vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3. Trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương. 
Trong suốt năm 2019 và đầu 2020, NHNN cũng đã mua USD vào khi tỷ giá ổn định và cơ quan này có đủ công cụ để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Tuy nhiên, thông điệp này vẫn chưa đủ sức cản đà tăng tỷ giá. Ngày 24-3, giá mua bán USSD cao nhất ở mức 23.590-23.750 đồng/USD. Ngay sau đó, Sở Giao dịch NHNN đã hạ giá bán USD xuống 258 đồng, còn 23.650 đồng, giá mua được giữ nguyên ở mức 23.175 đồng nhằm giảm nhiệt trên thị trường. Động thái này tuy đã hạ giá bán ra đã về dưới mốc 23.700 đồng nhưng chỉ kéo dài vài ngày, tỷ giá lại vượt mốc mức 23.700 đồng trong những ngày cuối tháng. 
Theo các chuyên gia, nếu sắp tới tỷ giá có những phiên tăng đột biến NHNN có thể sẽ tăng cường bán ngoại tệ ra can thiệp song với diễn biến này, năm nay, mức mất giá của NDT trong năm 2020 sẽ khoảng 2-3%.

Các tin khác