Ẩn dụ của thao túng tiền tệ

(ĐTTCO)-Đối với nhiều chuyên gia phân tích ngoại hối, thông tin Việt Nam bị "gắn nhãn thao túng tiền tệ" là không bất ngờ, vì báo cáo này của Bộ Tài chính Mỹ công bố định kỳ 2 lần trong năm. Trước đó, Việt Nam đã bị vào danh sách theo dõi như danh sách 10 nước hiện nay bao gồm Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italia, Singapore và Malaysia.
Ẩn dụ của thao túng tiền tệ ảnh 1
Máy móc, cứng nhắc
Theo phân tích của Mark Sobel, người từng làm việc cho Bộ Tài chính Mỹ và IMF, việc dán nhãn này là máy móc, cứng nhắc khi không cân nhắc đến những những yếu tố khách quan.
Chẳng hạn như trường hợp của Thụy Sĩ trong giai đoạn dịch Covid-19, đồng CHF được coi là một tài sản trú ẩn an toàn nên dòng vốn đổ vào lớn. Còn trường hợp của Việt Nam là dòng vốn FDI đổ vào mạnh trong năm 2019 do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Trong 3 tiêu chí để xem xét bị dán nhãn thao túng tiền tệ, có 2 tiêu chí mà Việt nam có thể “xử lý kỹ thuật” được là thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp trên thị trường ngoại tệ.
Thứ nhất là số liệu thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam năm 2019 là 5% GDP, vào khoảng 13 tỷ USD. Nếu theo số liệu GDP được tính lại theo IMF (GDP tăng 25,97%) thì thặng dư cán cân vãng lai 2019 là 3,95%. Cùng với những biến động của kinh tế năm 2020, IMF cũng dự báo chỉ số này của Việt Nam sẽ rơi về thấp hơn ngưỡng 2% cho năm 2020.
Thứ hai, việc can thiệp trên thị trường ngoại tệ nếu muốn cũng sẽ có cách như Đài Loan đã từng làm, dùng các sản phẩm tài chính phái sinh để mua ngoại tệ, tuy vậy sau đó Bộ Tài chính Mỹ cũng bắt giò thủ thuật này.
Nhưng để can thiệp thị trường ngoại hối, các thủ thuật chính thức khác vẫn có thể được dùng, đó là chưa tính đến các kênh phi chính thức (shadow).
Thứ ba, chỉ có tiêu chí thứ nhất là thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam là hầu như không thể xử lý, và đây có lẽ mới là mối bận tâm chính của Mỹ. Trong suốt 10 năm gần đây, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tăng đều hàng năm.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu ròng hàng hóa từ Việt Nam của Mỹ là 56,62 tỷ USD, gấp 4,3 lần so với năm 2011. Đặc biệt là trong năm 2019, thâm hụt tăng vọt 41,25% từ 39,48 tỷ USD lên 55,76 tỷ USD (hình minh họa).
Ẩn dụ của thao túng tiền tệ ảnh 2
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc là một trong các nguyên nhân chính tạo ra sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc Trung Quốc chủ động dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy các lĩnh vực giá trị gia tăng thấp sang các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Thêm vào đó, việc Mỹ áp thuế với nhiều nhóm hàng hóa của Trung Quốc đã tạo ra hiện tượng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giá trị xuất khẩu tính cho Việt Nam nhưng thực chất là hàng Trung Quốc.
Phải thừa nhận rằng trong quan hệ thương mại song phương, Việt Nam là nước được lợi nhiều so với đối tác của mình. Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước mà Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn nhất, cùng với Đức, Nhật Bản, Mexico, Trung Quốc.
Nếu so với Canada và Thụy Sĩ ở vị trí 6 và 7 với 27 tỷ USD, thì thâm hụt trên 60 tỷ USD với Việt Nam là một con số rất đáng kể. Nhìn từ phía Việt Nam thì Mỹ là một bạn hàng xuất khẩu quá lớn. Xuất khẩu ròng của Việt Nam sang Mỹ năm 2019 là 46,9 tỷ USD, gấp 7,5 lần so với nước ở vị trí thứ 2 là Hà Lan với 6,22 tỷ USD. 

Phải tìm cách Win-Win
Như vậy, bản chất của vấn đề là Việt Nam được hưởng lợi quá nhiều từ quan hệ thương mại song phương với Mỹ. Làm thế nào để mối quan hệ này trở thành win-win?
Các thế mạnh xuất khẩu của Mỹ có thể kể đến như máy móc, thiết bị điện tử, hàng không, sợi cotton, nhựa, thiết bị y tế, đậu tương, dịch vụ tài chính bảo hiểm, thịt gia cầm.
Trong số các mặt hàng này, Việt Nam hiện nay nhập nhiều từ Mỹ máy móc điện tử, máy bay và phụ tùng, nhựa, các sản phẩm nông nghiệp như sợi cotton đậu tương, các sản phẩm từ sữa.
Với triển vọng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng giá trị nhập khẩu các mặt hàng hiện tại, và mở rộng các lĩnh vực mà Mỹ muốn đẩy mạnh xuất khẩu như năng lượng, tài chính bảo hiểm.
Đặc biệt dịch vụ tài chính bảo hiểm có thể là bản lề cho mối quan hệ thương mại Mỹ-Việt vì nhu cầu xuất khẩu vốn của các tập toàn tài chính Mỹ ngày càng tăng. Nhiều nhà phân tích chiến lược cho rằng cơ hội đến với châu Á trong đó có Việt Nam đã dần hiện ra, trong bối cảnh lãi suất và tăng trưởng thấp đều của nền kinh tế Mỹ.
Rủi ro lớn nhất của Việt Nam khi bị xác định thao túng tiền tệ là bị áp thuế cao hơn cho một số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy vậy, đây không phải là điều đáng quan tâm của chính quyền Tổng thống đắc cử Biden.
Nhiều nhà phân tích cho rằng đây cũng là cách đương kim Tổng thống Trump muốn đưa ông Biden vào thế khó. Và trong trường hợp bà Janet Yellen chính thức điều hành Bộ Tài chính Mỹ, thì rất nhiều khả năng bà ấy sẽ rút Việt Nam khỏi danh sách này trong báo cáo dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4 sang năm. 
Thông điệp từ phía NHNN và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ, duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với những vấn đề còn chưa có điểm chung, vì lợi ích hài hòa bền vững của cả 2 bên.
Thế nhưng, sự cân bằng với 2 đối tác lớn khác là Trung Quốc và EU dĩ nhiên là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần giám sát chặt chẽ hiện tượng giả mạo nguồn gốc xuất xứ, tăng nhập khẩu từ Mỹ trong tối đa khả năng của mình.
------------
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Các tin khác