Đón Tết cùng thực phẩm sạch

(ĐTTCO) - Những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ phần nào vơi bớt nhờ những nỗ lực không ngừng của nhiều DN.

(ĐTTCO) - Những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ phần nào vơi bớt nhờ những nỗ lực không ngừng của nhiều DN.

DN chung tay

Dịp Tết Bính Thân năm nay, người tiêu dùng sẽ có thêm một lựa chọn, đó là món nấm rơm sạch, một sản phẩm mới của Công ty Cỏ May. Trao đổi với ĐTTC trong buổi tọa đàm gần đây, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành Cỏ May, cho biết nấm được trồng từ rơm của những ruộng lúa VietGap, đã qua xử lý tồn dư hóa chất trong rơm, đem hấp và đưa vào trong nhà kính để trồng nấm. Đặc biệt, loại nấm này có kích thước lớn, chậm bung dù và có thể ăn liền mà không cần ngâm nước muối như các loại nấm thông thường khác. Và rơm sau khi trồng nấm đang được Cỏ May nghiên cứu để biến thành phân bón. “Dù giá sản phẩm này khá cao nhưng lượng tiêu thụ của chúng tôi thời gian qua khá tốt. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng rất mong muốn được sử dụng những sản phẩm sạch” - ông Thiện chia sẻ. Cũng hướng đến những sản phẩm sạch theo dạng organics (hữu cơ), Công ty Vinamit đã có sự chuẩn bị hơn 3 năm nay cho một trang trại 200ha trái cây hữu cơ, tuy nhiên theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, DN này hiện đang làm những thủ tục cuối cùng để được cấp chứng nhận hữu cơ, nên những sản phẩm hiện đang dùng chữ Vinamit Natural chứ chưa dùng organics. Song Vinamit cũng đã hình thành cửa hàng Vinamit Organics mà ở đó có nhiều mặt hàng hữu cơ của các DN Việt Nam khác.

Bên cạnh những câu chuyện của Cỏ May hay Vinamit, còn nhiều DN khác cũng sẽ mang đến những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, nhất là những thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, rau sạch… Nói về hàng hóa cho dịp Tết năm nay, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho biết: Trong tháng Tết, Vissan đưa ra thị trường 40.000 con heo và 3.000 con bò. Như vậy, sự chuẩn bị của Vissan cùng với một lượng hàng chế biến là 3.800 tấn, hàng thực phẩm là 3.000 tấn, chắc chắn sẽ đảm bảo cho thị trường một sự ổn định. Đặc biệt, ngày 7-12 vừa qua, Vissan công bố bán thịt heo VietGAP trên toàn hệ thống của mình cũng như hệ thống Saigon Co.op, Satrafoods… góp phần giải quyết một phần lớn yêu cầu của thị trường về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài Vissan, người tiêu dùng có thể tìm đến những nhà sản xuất, phân phối được Sở Công Thương TPHCM công bố là an toàn theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP như: Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cung ứng thịt heo VietGAP, thịt gà tam hoàng và thực phẩm chế biến được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op (Co.opmart, Co.opfood), và tại 5 cửa hàng trực thuộc của Sagrifood. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Đà Lạt phân phối sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và sản phẩm được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn tại 20 cửa hàng tiện lợi của chính DN này trên địa bàn quận 1 và quận Phú Nhuận. Đồng thời, Anh Đào cũng cung ứng sản phẩm cho hệ thống Saigon Co.op và một số cửa hàng Satrafoods. Ngoài ra, các sản phẩm an toàn VietGAP cũng sẽ được cung ứng bởi 2 hệ thống phân phối lớn tại TPHCM là Saigon Co.op và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Gần đây nhất, Sở Công Thương TPHCM đã công bố thêm 38 điểm bán vào chuỗi an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.

Một cửa hàng bán thịt heo sạch VietGAP.

Một cửa hàng bán thịt heo sạch VietGAP.

Vẫn cần thận trọng

Có thể thấy những nỗ lực của các DN đang phần nào làm người tiêu dùng TPHCM cảm thấy an tâm hơn trong mùa mua sắm lớn nhất của năm. Thế nhưng, nếu thiếu thận trọng người tiêu dùng có thể rơi vào ma trận thực phẩm sạch không rõ nguồn gốc. Loại thực phẩm này có 2 dạng, thứ nhất là người tiêu dùng mua trên các trang mạng theo hình thức hàng ở quê, được quảng cáo “không hóa chất, không chất bảo quản”. Hình thức này hiện đang khá phổ biến và người ta có thể mua đủ thứ từ trái cây đến thịt, cá, rau, củ... Đáng quan ngại là hình thức này lại đang được người tiêu dùng nhất là người trẻ, dân văn phòng ưa chuộng. Nhưng việc kiểm chứng những sản phẩm “quê” kia có thực sự sạch như quảng cáo hay không rất khó. Thậm chí, chính người bán cũng khó có thể kiểm chứng được. Bởi đơn giản nếu mua với số lượng ít còn có thể kiểm chứng rõ nguồn gốc, nhưng khi số lượng đơn hàng ngày một nhiều hơn sẽ khó lòng kiểm cho hết. Thứ hai, người tiêu dùng có thể bị lừa bởi chính những cửa hàng hiện hữu với những tấm biển thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Những cửa hàng như vậy hiện đang mọc lên như nấm sau mưa.

Nói riêng về câu chuyện thực phẩm hữu cơ. trên thị trường hiện nay chỉ có một vài DN với một vài thương hiệu như: Hoasua Foods, Organik, Organica... được chứng nhận quốc tế, nhưng những cửa hàng thực phẩm hữu cơ lại mọc lên khá nhiều. Và chuyện lừa dối người tiêu dùng của thương hiệu Mr Sạch thuộc Công ty TNHH DV Thương mại Quốc tế Victory Asian khi đơn vị này hô biến rau thông thường hành rau hữu cơ vẫn còn là một cảnh báo với người tiêu dùng khi chọn mua những thực phẩm có gắn mác hữu cơ. Những ngày giáp Tết này, một sản phẩm nữa mà người tiêu dùng cũng cần hết sức cảnh giác đó chính là những sản phẩm homemade (do cá nhân hoặc gia đình sản xuất). Từ bánh, mứt, kẹo, đến các món truyền thống ngày Tết như thịt ngâm mắm, bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, dưa, kiệu muối… Ai cũng quảng cáo là tìm những nguồn nguyên liệu sạch nhất, tự tay chế biến nên luôn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Và đương nhiên, giá những sản phẩm này không hề rẻ. Cũng không ít người tiêu dùng chấp nhận trả tiền cao hơn để mua về sự an tâm cho mình và gia đình, nhưng trở lại câu chuyện kiểm chứng có lẽ người dùng cũng chỉ biết chịu thua. Thế nên để đảm bảo an tâm, người tiêu dùng nên mua hàng ở những địa chỉ đã được cơ quan chức năng công bố hoặc những DN đã có uy tín, có chứng nhận rõ ràng.

Các tin khác