Tăng viện phí, tăng chất lượng khám chữa bệnh

(ĐTTCO) - Sau mấy lần tạm ngưng, tạm hoãn, cuối cùng Bộ Y tế cũng quyết tăng giá 1.900 dịch vụ khám chữa bệnh vào ngày 1-7 tới. Quyết định này nhằm hiện thực hóa Thông tư số 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở và cộng thêm chi phí quản lý. 
Tăng viện phí, tăng chất lượng khám chữa bệnh
Với lập luận nhằm xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước, Bộ Y tế cho rằng điều chỉnh giá dịch vụ y tế là phù hợp và chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT. Đồng thời cũng gây áp lực cho số người chưa tham gia BHYT để tiến tới đạt mục tiêu BHYT toàn dân.
Với mức lương cơ sở mới là 1.490.000 đồng từ ngày 1-7, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng lần này dao động không phải ít. Chưa thể nói rằng tăng giá thì chất lượng dịch vụ y tế tăng ngay trong một sớm một chiều. Nhưng với những gì đang diễn ra sau những lần tăng giá dịch vụ y tế trước đây, cho thấy quyền lợi người bệnh vẫn chưa được hưởng tương xứng, ngay cả từ giường nằm, vệ sinh, thái độ phục vụ đến chẩn đoán, điều trị.
Kết quả khảo sát mới đây được Bộ Y tế công bố cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) trung bình đạt 4,04/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám chữa bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng. Đó là mới chỉ khảo sát 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành năm 2018 trên con số tham chiếu hơn 7.500 người tham gia khảo sát.
Ngoài các nội dung khảo sát mang tính “chuyên môn”, có 2 chỉ số khiến người bệnh vẫn “phiền lòng” là giá viện phí và nhà vệ sinh bệnh viện. “Nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc bệnh viện ở bẩn”, Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng thốt lên. Trong khi tình trạng tai biến y khoa vẫn chưa cải thiện, chuyện “đau con mắt bên trái, mổ con mắt bên phải” vẫn còn xảy ra.
Mà mới đây, ngay tại một bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế khi bệnh nhân được chẩn đoán gãy đốt sống ngực nhưng bác sĩ lại đem khoan cẳng chân! Rồi thái độ, y đức cũng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Cụ thể là, trong tháng 5 vừa qua, một kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Nhai bị tố xâm hại nữ bệnh nhi 13 tuổi; hay hàng loạt vụ côn đồ xông vào tận bệnh viện truy sát như chốn không người gây an nguy tính mạng bệnh nhân lẫn y bác sĩ. 
Mặc dù Chính phủ quyết liệt thúc đẩy cải cách hành chính, giảm thiểu giấy tờ, thủ tục, nhưng hiện ở rất nhiều bệnh viện, người bệnh mỗi lần vào bệnh viện vẫn như vào ma trận của thủ tục, giấy tờ, cả đến việc nộp viện phí cũng phải chờ đợi, rồng rắn xếp hàng vã mồ hôi.
Tại hội thảo “Đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử” do Bộ Y tế phối hợp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức mới đây, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết đã khởi động xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử từ tháng 6-2018, nhưng đến nay công việc này vẫn đang thí điểm tại 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Nghệ An. Trong khi đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu tới tận năm 2025 mới quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử với khoảng 90% dân số.
Trong bối cảnh người dân chưa kịp hoàn hồn sau mấy “cú” tăng giá vừa qua của các mặt hàng xăng dầu, điện, thì nay giá dịch vụ y tế “bồi” thêm cũng không hề nhẹ. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 5-2019 tăng 1,5% so với tháng 12-2018 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2018; lạm phát cơ bản tháng 5-2019 tăng 0,13% so với tháng 4-2019 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá dịch vụ y tế tăng lần này sẽ không thể không tác động đến các chỉ số này. Vì vậy, ngành y tế cần cân nhắc thật kỹ các điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo trách nhiệm của ngành, của các cơ sở khám chữa bệnh trong việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Các tin khác