Đừng chủ quan hội chứng ống cổ tay

(ĐTTCO) - Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý thường gặp do sự chèn ép của dây thần kinh giữa bởi dây chằng và các cấu trúc khác trong đường hầm ống cổ tay. Bệnh hay gặp ở phụ nữ, những người phải làm những công việc sử dụng cổ tay và bàn tay nhiều: nhân viên văn phòng, thợ may… Nếu không chú ý khám, chữa kịp thời, hội chứng ống cổ tay có thể gây yếu và teo cơ mô, khiến tay không cầm nắm được đồ vật. 

Nguyên nhân và biểu hiện
Đa phần hội chứng ống cổ tay không rõ nguyên nhân, tuy nhiên cũng có thể điểm sơ một số lý do dẫn đến chứng bệnh này, như: do tăng thể tích ống cổ tay (thường xảy ra với phụ nữ đang mang thai, nhất là ở giữa và cuối thai kỳ khi cân nặng tăng nhiều); do các bệnh lý chuyển hóa và hệ thống (như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, nhược giáp, bệnh to đầu chi, bệnh mô liên kết…); chấn thương vùng cổ tay, gãy đầu dưới xương quay gây di lệch dẫn đến hẹp lòng ống cổ tay. Ngoài ra có thể kể đến một vài nguyên nhân khác như bất thường giải phẫu ống cổ tay (ống cổ tay nhỏ bẩm sinh, dị dạng các gân gấp), hay bướu vùng cổ tay (như bướu mỡ, biếu màng gân).
Đừng chủ quan hội chứng ống cổ tay ảnh 1  
Khi bị hội chứng ống cổ tay, người bệnh sẽ thấy những biểu hiện như đau, rát bỏng, tê bì các ngón tay do thần kinh giữa chi phối (như ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón đeo nhẫn). Cảm thấy đau, tê tăng khi có vận động gấp, duỗi cổ tay (như chạy xe máy, đánh máy vi tính) và sẽ giảm đau khi nâng tay cao hay vẩy tay. Ban đầu đau tê có thể giảm không cần điều trị, nhưng càng về sau đau và tê càng tăng làm cản trở trong sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Khi bệnh nặng dẫn đến cầm nắm bàn tay yếu dần, tay run, khó viết, cầm đồ dễ rớt. 
Nếu người bệnh chủ quan không khám và điều trị kịp thời, hội chứng ống cổ tay có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho cuộc sống như: mất cảm giác ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón tay đeo nhẫn. Đau tê nhiều không chỉ làm giảm hiệu suất làm việc hàng ngày mà còn khiến cho bệnh nhân bị hội chứng mất ngủ về đêm. Đặc biệt bệnh để lâu sẽ gây yếu và teo cơ mô cái khiến người bệnh không thể cầm nắm được đồ vật nữa. 
Đừng chủ quan hội chứng ống cổ tay ảnh 2  
Khi phát hiện ra những biểu hiện của hội chứng ống cổ tay, người bệnh có thể được chỉ định các xét nghiệm và cận lâm sàng, như đo điện cơ giúp đánh giá tình trạng tổn thương của dây thần kinh giữa cũng như nhằm phân biệt một số bệnh lý thần kinh khác cũng có thể gây tê tay. 

Điều trị
Trên thực tế, khi điều trị hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ xem xét mức độ bệnh để lựa chọn những phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh ở mức độ nhẹ chỉ cần thay đổi lối sống kết hợp với điều trị nội khoa, điều trị các bệnh lý nguyên nhân hay các yếu tố thuận lợi gây hội chứng ống cổ tay.
Trong sinh hoạt và làm việc hạn chế sử dụng cổ tay quá nhiều, nên giữ cổ tay ở vị trí trung tính, hạn chế gập duỗi cổ tay quá mức, nhất là động tác duỗi cổ tay. Khi công việc cần sử dụng cổ tay nhiều như đánh máy vi tính… cần mang nẹp cổ tay để giữ cổ tay ở vị trí trung tính.
Điều trị bằng y học cổ truyền: thuốc đông y, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt… Vật lý trị liệu: siêu âm điều trị, nhúng sáp nóng, xung điện trị liệu, tập vận động cổ tay, mang nẹp cổ tay. Sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau, dưỡng thần kinh có thể giúp bệnh nhân giảm đau, giảm tê. Chích corticoide vào ống cổ tay, tuy nhiên phương pháp này cần phải do bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm thực hiện để tránh tai biến có thể xảy ra.
Khi bệnh đã ở giai đoạn nặng như gây chèn ép thần kinh nặng, gây teo cơ, yếu cơ mô cái hoặc khi điều trị nội khoa không cải thiện được tình hình bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. 
Để hạn chế mắc bệnh, trong sinh hoạt và làm việc hàng ngày, tránh sử dụng cổ tay quá nhiều, các tư thế cầm nắm thường xuyên, gập duỗi cổ tay quá mức. Tập các bài tập giúp thư giãn cổ tay. Điều trị các bệnh lý có thể gây hội chứng ống cổ tay. Khi có biểu hiện hội chứng ống cổ tay, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. 

Các tin khác