Đau vai gáy và những điều cần biết

(ĐTTCO) - Hội chứng đau vai gáy là bệnh lý thường gặp trong các bệnh lý cơ xương khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, bệnh thường xảy ra với những người phải giữ cổ lâu ở một tư thế như nhân viên văn phòng, người thường xuyên sử dụng máy vi tính… 

Nguyên nhân
Bệnh lý đau vai gáy thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên lý do thường gặp bởi hoạt động sinh hoạt sai tư thế như khiêng vác nặng trên vai, ngủ gối đầu cao, ngủ dựa đầu vào ghế, ngủ gục mặt xuống bàn, quay cổ đột ngột…
Những người có thói quen ngồi trước quạt, máy lạnh, tắm đêm hoặc do tính chất công việc phải giữ cổ lâu ở một tư thế khiến cơ cổ căng quá mức cũng thường bị đau. Bên cạnh đó, các bệnh lý tại cột sống cổ như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác nhưng ít gặp hơn như viêm cột sống, loãng xương, chấn thương, nhiễm trùng, khối u.
Biểu hiện thường thấy
Đầu tiên là biểu hiện đau tại vùng cổ gáy, có thể khởi phát cấp tính sau chấn thương vùng cổ, sau động tác vặn cổ quá mức, tự nhiên sau khi ngủ dậy, hoặc có thể xuất hiện từ từ, âm ỉ và có xu hướng tăng dần lên. Người bệnh có biểu hiện vận động cột sống cổ bị hạn chế do đau, giảm khả năng cúi ngửa cổ, xoay cổ, nghiêng đầu.
Đau vai gáy và những điều cần biết ảnh 1  BS CKI Thái Bảo Cường Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM. 
Ấn vào cột sống cổ thấy đau. Đối với các trường hợp có chèn ép thần kinh do thoái hóa, hay thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, người bệnh có biểu hiện đau cổ gáy lan lên chẩm, xuống vai, và cánh tay, cảm giác tê bì, rát bỏng, kiến bò vùng vai, cánh tay, bàn tay, các ngón tay. Những trường hợp nặng, có thể bị teo cơ, liệt. Các bệnh nhân đau vai gáy thường than phiền có cảm giác đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, ù tai, mờ mắt thoáng qua.
Khi bị bệnh lý đau vai gáy người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, stress ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc. Nếu đau nhiều sẽ dẫn đến mất ngủ, chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể. Một số trường hợp đau vai gáy nặng sẽ dẫn đến chèn ép thần kinh nhiều, chèn ép tủy cổ nếu không điều trị phù hợp sẽ dẫn đến teo cơ hoặc liệt. 

Những xét nghiệm và cận lâm sàng nên thực hiện
Khi có biểu hiện của bệnh lý đau vai gáy, người bệnh có thể chụp XQ cột sống cổ giúp đánh giá tình trạng cột sống cổ, phát hiện những tổn thương tại cột sống cổ: thoái hóa, hẹp lỗ liên hợp, trượt đốt sống, xẹp đốt sống, hủy xương… Ngoài ra, có thể thực hiện chụp MRI cột sống cổ: khi đau kéo dài (hơn 4 tuần) điều trị không hiệu quả, hoặc có biểu hiện của tổn thương thần kinh tiến triển: tê ngày càng nhiều, teo cơ, yếu cơ.
Đau vai gáy và những điều cần biết ảnh 2 Đau vai gáy người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, stress ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc.  
Điện cơ: khi có biểu hiện chèn ép thần kinh, giúp phát hiện các tổn thương nguồn gốc thần kinh và phân biệt với các bệnh lý khác. Xét nghiệm máu: ít có giá trị, trừ những trường hợp có biểu hiện viêm, nhiễm trùng, khối u. Xạ hình xương: khi nghi ngờ ung thư di căn, viêm đĩa đệm đốt sống.

Một số phương pháp điều trị
Đầu tiên cần xác định được nguyên nhân của đau vai gáy. Tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân như: Thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc tránh các tư thế không tốt cho cột sống cổ, hạn chế ngồi lâu bên máy vi tính, giữ cổ lâu ở một tư thế, khiêng vác nặng, ngồi lâu trước quạt, máy lạnh…
Với các trường hợp đau cấp, đau nhiều người bệnh nên mang nẹp cổ mềm. Tập vận động cột sống cổ thích hợp. Với phương pháp y học cổ truyền, người bệnh có thể được uống thuốc đông y, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm… Ngoài ra có thể vật lý trị liệu (sóng ngắn, kích thích điện, siêu âm điều trị, kéo dãn cột sống cổ…).
Sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau, giảm đau thần kinh, thuốc dãn cơ. Đặc biệt, khi có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển gây tê yếu liệt, teo cơ, chèn ép tủy cổ, có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật. 

Dự phòng
Để tránh bị đau vai gáy, mỗi người cần có chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý, không khiêng vác nặng trên vai, ngủ gối đầu cao, ngủ dựa đầu vào ghế, ngủ gục mặt xuống bàn, quay cổ đột ngột… Đối với những người phải ngồi lâu  làm việc bên máy vi tính, giữ cổ lâu ở một tư thế cần có tư thế ngồi đúng, nên mỗi 30 phút thay đổi tư thế một lần. Ngoài ra, cần tập luyện thường xuyên những bài tập giúp ổn định cột sống cổ. Khi có biểu hiện đau vai gáy, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. 

Các tin khác