Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng

Thành phố du lịch hay công nghệ cao?

Tại hội thảo “Các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các TP phát triển của khu vực ASEAN và châu Á”, nhiều ý tưởng được đề xuất với đầy đủ cơ sở để xây dựng Đà Nẵng trở thành một TP công nghệ cao, TP du lịch - nghỉ dưỡng, hoặc kết hợp giữa du lịch và công nghệ cao.

Tại hội thảo “Các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các TP phát triển của khu vực ASEAN và châu Á”, nhiều ý tưởng được đề xuất với đầy đủ cơ sở để xây dựng Đà Nẵng trở thành một TP công nghệ cao, TP du lịch - nghỉ dưỡng, hoặc kết hợp giữa du lịch và công nghệ cao.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Theo KTS. Nguyễn Tấn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, với những tiềm năng và lợi thế hiện có, Đà Nẵng có thể trở thành TP du lịch - hội nghị chất lượng cao, TP thể thao - du lịch - chữa bệnh, trên cơ sở khai thác biển, nắng và vùng tiểu khí hậu trên núi cao. Mô hình phát triển này phù hợp với những đô thị có tiềm năng về thiên nhiên, môi trường sống an toàn, trong sạch, một TP xanh. Để thực hiện ý tưởng này, cần tạo dựng cảnh quan đặc trưng, không gian đô thị truyền thống, có cá tính địa phương. Ông lưu ý: Hiện nay, các giải pháp quy hoạch dọc đường Nguyễn Tất Thành do Hàn Quốc nghiên cứu có thể làm hỏng hình ảnh của Đà Nẵng bởi sự khô cứng và vô cảm của đô thị.

Cùng quan điểm xây dựng Đà Nẵng thành một TP du lịch, TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đề xuất: Muốn trở thành một đô thị du lịch, cần phải có một trung tâm du thuyền tại vịnh Đà Nẵng; xây dựng hòn đảo nhân tạo với các hoạt động vui chơi, giải trí độc đáo kiêm bảo tàng hải dương học trên vịnh Đà Nẵng; xây dựng tụ điểm dịch vụ du lịch trên đỉnh Sơn Trà; xây dựng TP trên cao tại bán đảo Sơn Trà… Ý tưởng này khá phù hợp với tiêu chí TP du lịch gắn với công nghệ cao.

PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, cũng cho rằng nên phát triển Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch biển xanh, hiện đại, hấp dẫn hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà còn của quốc tế. Để thực hiện được ý tưởng này, cần phát triển sân bay Đà Nẵng thành sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực có đủ năng lực phục vụ hoạt động cho một trung tâm du lịch lớn; xây dựng cảng du lịch tầm cỡ khu vực với đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ cần thiết đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng “căn cứ” thuyền buồm quốc tế phục vụ nhu cầu thể thao, vui chơi giải trí biển.

Trong khi đó, TS. Trần Ngọc Ca, Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia, đề xuất: “Đà Nẵng nên chú trọng phát triển thành TP công nghệ cao. Ưu điểm của TP công nghệ cao là khai thác và phát triển được các năng lực về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo. Khi chọn mô hình này, về lâu dài Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế dựa trên giá trị gia tăng cao hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, thay vì chỉ tập trung gia công, ít giá trị gia tăng và rất dễ bị rơi vào bẫy lao động trẻ, thu nhập và giá trị gia tăng thấp”.

Thành phố du lịch hay công nghệ cao? ảnh 1

Trong quy trình quy hoạch pht triển cở sở hạ tầng, Đà Nẵng rất cần chú trọng đến không gian công cộng.  Ảnh: Ng.Khôi

Phát triển bền vững

GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng cho kinh tế phát triển, vì vậy Đà Nẵng trong quá trình phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, dựa trên nền tảng văn hóa”. TS.KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, nhận xét trong quá trình quy hoạch phát triển, Đà Nẵng đã dần thu hẹp không gian công cộng. Do vậy, ông đưa ra ý tưởng quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn thành một di sản văn hóa.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch đưa ra ý tưởng xây dựng Đà Nẵng thành “đô thị sống tốt” vào năm 2030. Ông cho rằng cần xây dựng TP Đà Nẵng theo quan điểm: Phát triển bền vững, gắn liền với quy hoạch mang đặc điểm nền kinh tế đô thị, gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát triển KT-XH đặt trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Đà Nẵng trong quy hoạch phát triển cần

phải thận trọng, phát triển dựa trên những nguồn lực mang tính bền vững. Đà Nẵng là địa phương đi trước một bước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo môi trường mở cho thu hút đầu tư. tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch phát triển, Đà Nẵng nên chú trọng phát triển dịch vụ công, đặc biệt là không gian công cộng. Đà Nẵng cũng cần chú trọng phát triển công nghiệp chất lượng cao, vì chỉ công nghiệp chất lượng cao mới mang lại nguồn thu bền vững cho sự phát triển. Đà Nẵng dựa vào khai thác quỹ đất để phát triển hạ tầng là cần thiết, nhưng phải có điểm dừng. Muốn phát triển bền vững cần dựa vào nguồn thu bền vững.

"Khi nói đến phát triển đô thị, người ta đều đề cập một sự phát triển hài hòa cả kinh tế, môi trường và xã hội một cách bền vững mà mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân khá giả hơn, sống thoải mái hơn, hạnh phúc hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần ở mức hưởng thụ cao, cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến ở mức thế giới; quan hệ giữa người với người tốt đẹp, mọi cá nhân có cơ hội phát triển như nhau, môi trường sống tốt… Khi các tiêu chí đã được thống nhất giữa các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học và người dân, sẽ cụ thể hóa thành chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch hàng năm, 5 năm và dài hạn trong quá trình xây dựng TP" - TS. TRẦN DU LỊCH nói

Các tin khác