Thuốc nội tốt, chưa đủ!

(ĐTTCO) -Thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, thuốc sản xuất trong nước được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh đã tăng lên đáng kể. Cùng với đó, khái niệm sử dụng thuốc Việt đã bắt đầu hình thành trong tiềm thức của nhiều người dân và cán bộ y tế khi đau ốm, bệnh tật. Tuy nhiên, trong thực tế, thuốc nội dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng vẫn rất chật vật, khó khăn khi cạnh tranh với thuốc ngoại để giành chỗ đứng xứng đáng trên thị trường, cũng như trong suy nghĩ của người sử dụng.

(ĐTTCO) -Thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, thuốc sản xuất trong nước được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh đã tăng lên đáng kể. Cùng với đó, khái niệm sử dụng thuốc Việt đã bắt đầu hình thành trong tiềm thức của nhiều người dân và cán bộ y tế khi đau ốm, bệnh tật. Tuy nhiên, trong thực tế, thuốc nội dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng vẫn rất chật vật, khó khăn khi cạnh tranh với thuốc ngoại để giành chỗ đứng xứng đáng trên thị trường, cũng như trong suy nghĩ của người sử dụng.

Trầy trật vào bệnh viện

Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận trên 2.000 bệnh nhi tới khám, chữa bệnh với nhiều loại hình bệnh tật khác nhau, nên lượng thuốc được BV sử dụng rất lớn. Để giảm chi phí điều trị, BV có chủ trương và khuyến khích bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc sản xuất trong nước cho người bệnh, nhưng thực tế số lượng thuốc nội được sử dụng vẫn chiếm một tỷ rất khiêm tốn so với thuốc ngoại nhập.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương, chia sẻ dù BV rất muốn sử dụng nhiều loại thuốc sản xuất trong nước để phục vụ công tác khám chữa bệnh nhưng do BV là tuyến cuối tập trung nhiều bệnh nhân nặng, mắc bệnh hiểm nghèo, nan y, đòi hỏi nhiều loại thuốc đặc trị mới có thể điều trị khỏi bệnh. Trong khi phần lớn thuốc nội lại là các loại thuốc phổ thông, đơn giản nên khó có thể đem lại hiệu quả điều trị.

Trong khi đó, là doanh nghiệp hàng đầu trong việc sản xuất thuốc, nhất là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, Công ty cổ phần Traphaco đang gặp nhiều khó khăn khi đưa các sản phẩm của mình vào BV. Thậm chí, kể cả khi doanh nghiệp này được Bộ Y tế lựa chọn đồng hành cùng chương trình “Con đường thuốc Việt” và đoạt được giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” thì sản phẩm của Traphaco cũng chỉ bán chạy tại các nhà thuốc, còn vào BV vẫn rất... trầy trật.

Thuốc sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với thuốc ngoại.
Thuốc sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với thuốc ngoại.

Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Traphaco, cho biết không ít sản phẩm tốt của công ty doanh thu bị sụt giảm từ 20% - 60% tại hệ thống cơ sở điều trị, như: Hoạt huyết dưỡng, Boganic, Didicera... Trong đó, nguyên nhân chính là do các quy định về đấu thầu thuốc còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng chọn những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chi phí đầu tư cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, dẫn tới giá thành cao hơn.

Cũng là một trong những doanh nghiệp dược liệu và sản xuất thuốc dược liệu, ông Đặng Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bình Minh, chia sẻ: “Chúng tôi biết có những BV phải đấu thầu mua tới 1 triệu đồng/kg đương quy ngoại nhập để phục vụ khám chữa bệnh, nhưng khi chúng tôi chào hàng sản phẩm đương quy của Bình Minh chất lượng cao theo tiêu chuẩn GACP - WHO với giá thành bằng một nửa hàng ngoại thì chỉ nhận được cái lắc đầu”.

Xóa dần tâm lý sính ngoại

Theo Cục Quản lý dược, sau hơn 3 năm triển khai đề án vận động người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại nhiều BV đã tăng rõ rệt. Ở BV tuyến huyện vào thời điểm năm 2012 trước khi triển khai đề án, việc sử dụng thuốc Việt chỉ đạt tỷ lệ khoảng 61%, tới nay đã tăng lên 69,3%; còn tại tuyến tỉnh tăng từ 31% lên gần 35%. Tuy nhiên, kết quả đó chưa thấm vào đâu so với kỳ vọng đặt ra. Thực tế, tại các BV tuyến trung ương, việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước vẫn rất thấp, chỉ đạt trung bình 11%, thậm chí không ít BV tuyến cuối chỉ sử dụng dưới 5%.

Lý giải về việc này, TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết việc sử dụng thuốc nội ở tuyến trung ương vẫn rất thấp là do đặc thù riêng của BV tuyến cuối, khi các bệnh nhân lên tuyến cuối điều trị thì phần lớn đều từng qua việc điều trị ở tuyến huyện và tỉnh nhưng chưa đạt hiệu quả, nên khi lên tuyến trung ương điều trị phải sử dụng biệt dược nhiều hơn. Bên cạnh đó là thói quen của nhiều người trong việc sử dụng thuốc ngoại, kể cả bác sĩ cũng chưa thực sự tin dùng thuốc nội và có thói quen kê đơn thuốc ngoại. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác truyền thông về thuốc nội, vì nếu thuốc trong nước được sản xuất có chất lượng tốt, giá thành phù hợp nhưng không được tuyên truyền rộng rãi, phổ biến thì người dân, thậm chí là bác sĩ cũng chưa hiểu hết được tính ưu việt trong sử dụng thuốc nội. Ngay các doanh nghiệp nếu sản xuất được các sản phẩm thuốc tốt, giá thành phù hợp, nhưng lại yếu trong khâu marketing thì sản phẩm cũng khó có thể tạo được vị thế xứng đáng.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, mục tiêu từ nay tới năm 2020 phải đạt được tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước ở mức 80% tại các BV. Đây là một mục tiêu không dễ thực hiện, do lâu nay, người dân chưa tin tưởng nhiều vào thuốc nội. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu nói trên, Bộ Y tế mới đây đã có Thông tư số 10, nhằm ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, trong đó ban hành danh mục 146 sản phẩm thuốc nội có tỷ lệ sử dụng rất lớn trong BV.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, đây được xem là cú hích cho công nghiệp dược trong nước, vì nếu doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp thì chúng ta sẽ không nhập khẩu các loại thuốc tương tự. Đồng thời, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn về việc đấu thầu thuốc, trong đó có các quy định và chính sách ưu tiên, khuyến khích các BV sử dụng thuốc trong nước, nhất là thuốc y học cổ truyền, thuốc có nguồn gốc dược liệu, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh của thuốc Việt đối với thuốc ngoại nhập. “Tất nhiên, hữu xạ tự nhiên hương!

Chúng ta phải nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng thuốc nội để người dân tin dùng thuốc nội hơn, để bác sĩ kê đơn dùng thuốc trong nước thì người dân khỏi bệnh. Muốn vậy, phải chứng minh được bằng hiệu quả thực tế, bằng chứng khoa học, hay chứng minh tương đương sinh học, nghĩa là thuốc trong nước tương đương sinh học, tương đương khả năng điều trị và tương đương chất lượng với thuốc ngoại...”, ông Cường nhấn mạnh.

Các tin khác