TP HCM giảm nỗi lo ngập nước vào mùa mưa

(ĐTTCO)-Bước vào mùa mưa, tình trạng ngập trên nhiều tuyến đường của TP HCM lại tiếp tục tái diễn.
TP HCM giảm nỗi lo ngập nước vào mùa mưa

Dù vậy, theo nhận xét của nhiều người dân và nhận định của cơ quan chuyên môn, số tuyến đường bị ngập, chiều sâu ngập nước cũng như thời gian ngập đã cải thiện đáng kể so với các năm trước. Đây là kết quả bước đầu sau khi một số dự án chống ngập của TP HCM hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngập nước sau mưa “đến hẹn lại lên”

Cơn mưa trưa ngày 10/6 vừa qua làm hàng loạt tuyến đường như Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức; Nguyễn Văn Quá, Quận 12; Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp… bị ngập lênh láng, kéo dài suốt 1 - 2 tiếng đồng hồ. Tại đường Kha Vạn Cân, khu vực chợ Thủ Đức, mưa lớn cộng thêm nước từ đường Võ Văn Ngân đổ xuống do độ dốc cao làm cho nước chảy xiết, khiến người đi đường và người buôn bán tại đây gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Lan, bán hàng tại chợ Thủ Đức cho biết, sau 2 cơn mưa lớn từ đầu năm đến nay, khu vực này vẫn bị ngập nặng, Cụ thể là cơn mưa ngày 1/6, nước đã dâng cao khoảng 5 tấc, tràn vào nhà các hộ dân ở đây.

 Ngập lụt đã bớt dai dẳng

Đồng cảnh ngộ với bà Lan, song chị Trương Nguyên Lạc, nhà ở hẻm 113, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh lại có phần lạc quan hơn, vì trước đây khu vực này thường ngập rất nặng mỗi khi mưa và triều cường, nhưng sang năm nay, chỉ khi nào có mưa lớn, kéo dài 2 đến 3 giờ thì con hẻm mới bị ngập. Đáng nói là mực nước cũng thấp hơn so với trước và nước cũng rút nhanh hơn sau khi tạnh mưa.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những điểm nóng về ngập lụt do triều cường hay mưa lớn. Tình trạng này vẫn lặp lại sau các cơn mưa kéo dài gần đây, nhưng theo chị Đỗ Thị Hoàng Dung, bán hàng nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, mực nước đã thấp hơn năm 2019 rất nhiều, chỉ khoảng 30 cm. Và khi trời ngừng mưa thì tình trạng ngập nước cũng nhanh chóng không còn, riêng đoạn đường trước tòa nhà Landmark 81 nước rút chậm hơn.

Chị Đỗ Thị Hoàng Dung cho rằng nước rút nhanh là nhờ hệ thông máy bơm chống ngập của TP: "Tôi thấy hồi trước khi trời tạnh mưa ở đoạn đường trước khu nhà Landmark 81 mãi nước mới rút hết, nhưng bây giờ thì khác, trời vừa tạnh mưa khoảng 15 đến 20 phút là hết ngập. Tôi thấy tình trạng ngập hiện tại đã giảm đi rất nhiều".

Cần có chiến lược chống ngập bền vững

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP HCM, tình trạng ngập trên các tuyến đường của TP hiện nay hầu hết do mưa lớn. Cụ thể là ngày 27/5, lượng mưa đo được 112,3 mm; ngày 3/6 lượng mưa 77,2 mm; ngày 4/6 lượng mưa 70,6 mm… gây ngập lụt 22 tuyến đường của nhiều quận, huyện. Nặng nhất là các con đường: Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh);  Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)...

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho biết: theo Quyết định 752 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020, hệ thống cống ở nội đô được thiết kế để thoát nước với lượng mưa từ 76 đến 99 mm, kéo dài trong 3 giờ. Từ giữa tháng 5 đến nay, TP đã có 3 trận mưa lớn kéo dài trong hai giờ, vượt tần suất thiết kế nên gây ngập từ 0,1 đến 0,3 m, sau khi mưa tạnh mưa nước rút khá nhanh, chỉ vài chục phút sau.
Theo ông Điệp, tình hình trên cho thấy công tác chống ngập của TP HCM có hiệu quả bước đầu, nếu so với thời kỳ năm 2008, lượng mưa 112 mm có đến 126 tuyến đường ngập nặng và phải mất từ 4-5 tiếng mới hết ngập nước: "Khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đưa vào hoạt động thì mực nước do triều cường trong các kênh rạch có hệ thống van ngăn triều thì chúng ta sẽ kiểm soát được. Nếu có mưa lớn, mực nước dâng cao thì sẽ có hệ thống bơm để hỗ trợ và sẽ đảm bảo giảm ngập cho các khu vực và lưu vực thuộc nội đô thành phố".

Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, công tác chống ngập của TPHCM trong thời gian tới còn có nhiều khó khăn và thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng sụt lún và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vì vậy, khả năng kiểm soát ngập 100% là điều rất khó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.

Các tin khác