Thực trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị Việt Nam

(ĐTTCO) - Trong 10 năm qua, sự phát triển của hệ thống đô thị và quá trình đô thị hoá ở nước ta đã diễn ra nhanh chóng trên phạm vi cả nước. 
Vụ kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội ngày 7/9 kéo dài hơn 2 giờ
Vụ kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội ngày 7/9 kéo dài hơn 2 giờ
Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị như: Hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn… được cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới đã phát triển khá nhanh góp phần tạo nên bộ mặt đô thị đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng đô thị, cải thiện đời sống của người dân đô thị, góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo lập một nền tảng phát triển bền vững đô thị.

Giao thông đô thị  dần được cải thiện
Trong những năm qua kết cấu hạ tầng giao thông đô thị được cải thiện thể hiện trên các mặt: Nhiều con đường mới được xây dựng, chất lượng đường đô thị dần tốt hơn, các đô thị loại III trở lên đã có hầu hết các tuyến đường chính được rải nhựa, nâng cấp và được xây dựng tương đối đồng bộ với hệ thống thoát nước, hè đường, chiếu sáng và cây xanh. 
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, nhiều dự án về giao thông đô thị được triển khai như: việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các trục giao thông đối ngoại, cửa ô, trục giao thông hướng tâm, các nút giao cắt, đường vành đai đã bước đầu nâng cao năng lực thông qua tại các đô thị này. Giao thông công cộng đã, đang hình thành và phát triển tại các đô thị. 
Các thành phố, thị xã như Cần Thơ, Cao Lãnh, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Sơn La… đã tổ chức các tuyến giao thông công cộng phục vụ vận chuyển khách và đặc biệt tại hai thành phối lớn như Hà Nội và TP.HCM, giao thông công cộng đang là phương tiện không thể thiếu được. Hiện nay, hai thành phố này đang triển khai xây dựng giao thông vận tải khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (BRT). 
Mặc dù có những thành tựu đáng kể, song nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng, tỷ lệ cơ giói hóa cao, diện tích đất dành cho giao thông quá thấp, tốc độ đầu tư xây dựng cho các công trình giao thông kéo dài, chậm đã góp phần làm gia tăng ùn tắc giao thông không chỉ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM mà lan rộng đến nhiều đô thị khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế trong các giờ cao điểm.

Cấp nước đô thị, tỷ lệ thất thoát đã giảm nhanh so với mục tiêu đề ra
Đến nay hầu hết các đô thị tỉnh lỵ (63 tỉnh thành) đều đã và đang có các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước. Nhu cầu cấp nước về cơ bản đáp ứng yêu cầu. 
Tính đến cuối năm 2018, tổng công suất thiết kế cấp nước đạt trên 9 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ thất thoát thất thu giảm đáng kể, từ 30% năm 2010 đến nay trung bình khoảng 21%. Nhiều doanh nghiệp ngành nước đã ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất, cung cấp nước sạch đặc biệt công nghệ quản lý nước thông minh góp phần giảm tỷ lệ thất thoát ngang bằng các nước tiên tiên như Bình Dương 6-7%; Bà rịa – Vũng tàu 7-8%; Hải phòng, Hải dương 10-13% . 
Tỷ lệ cấp nước của dân đô thị đạt trung bình 86% (tỷ lệ này đạt 90-95% tại các đô thị lớn). Mức sử dụng nước sạch bình quân đạt 110 lít/người/ngđ. Chất lượng nước đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Thực trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị Việt Nam ảnh 1 Nhiều đường và trong các con hẻm thuộc khu dân cư Nam Long (P.Tân Thuận Đông, Q.7), ngập do triều cường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Thoát nước và xử lý nước thải
Trong  số 63 đô thị tỉnh lỵ đã có 32 đô thị có các dự án về thoát nước và vệ sinh môi trường từ nguồn vốn ODA. Nhiều dự án lớn được triển khai tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… bước đầu phát huy có hiệu quả, góp phần làm giảm mức độ ngập úng tại các đô thị. 
Đến nay có khoảng gần 50 nhà máy xử lý nước tập trung đang hoạt động và xử lý trên 1 triệu m3/ngđ. Tuy nhiên, tất cả các đô thị ở Việt Nam chưa có hệ thống thoát nước thải riêng mà chung cho cả thoát nước mưa và nước thải. Các hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. 
Đặc biệt nước thải từ các KCN gây nên ô nhiễm nặng nề cho các dòng sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn,  sông Thị Vải, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Cầu…
Tình trạng ngập úng đô thị đang là mối quan tâm hàng ngày của các đô thị lớn. Ngập úng do nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến yếu tố tác động của biến đổi khí hậu: Mưa với cường độ lớn, trên một địa bàn rộng, thời gian kéo dài đã vượt các dự báo và tính toán của hệ thống thoát nước. 
Mưa lớn kết hợp triều cường cùng với sai lầm trong quy hoạch không đồng bộ cùng với các dự án đầu tư xây dựng thoát nước tiến hành chậm, kéo dài đã góp phần không nhỏ gia tăng ngập úng đô thị mà chúng ta có thấy tại TPHCM là một điển hình. 

Quản lý chất thải rắn đô thị
Mặc dù nhiều đô thị đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều nhà máy xử lý CTR với những công nghệ mới như đốt rác phát điện (Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội..). Tuy nhiên chất thải rắn ở đô thị ngày càng có những diễn biến phức tạp. Chất thải từ các nguồn như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, y tế, làng nghề và sinh hoạt đô thị đang ngày càng tăng nhanh về chủng loại, số lượng và tính độc hại. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình đạt 38.000 tấn/ngày. 
Chôn lấp vẫn là hình thức phổ biến hiện tại, khoảng 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều diện tích đất. Vấn đề quản lý chất thải rắn, đặc biệt là xử lý rác, nước rỉ rác, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị, vùng ven đô thị và môi trường xung quanh các cơ sở xử lý rác đang là mối quan tâm của nhiều địa phương. Ngoài ra, lựa chọn địa điểm để xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn cũng đang là vấn đề nan giải.

Chất lượng chiếu sáng đô thị ngày càng được cải thiện
Hiện nay, tất cả các đô thị của nước ta đều có điện chiếu sáng với mức độ khác nhau. Tại các đô thị loại đặc biệt và loại I như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… có 100% các tuyến đường chính được chiếu sáng. Trong khi đó, các đô thị loại II, III (Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hoá, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang, Buôn Ma Thuột…), tỷ lệ này chiếm gần 95%. Các đô thị loại IV và loại V tập trung chiếu sáng đường phố chính và nhiều phố nhỏ, đường làng ngõ xóm đã bước đầu cải thiện tình trạng chiếu sáng.
Hiện nay công nghệ chiếu sáng LED được xem là công nghệ chiếu sáng của thế kỷ 21 với ưu điểm cho hiệu suất chiếu sáng vượt trội . Với tính linh hoạt cao và thân thiện với môi trường, đèn LED ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong chiếu sáng công trình công cộng, công trình giao thông, công trình quảng cáo. 
Trong thời gian qua nhiều địa phương quan tâm đến việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị, chiếu sáng các công trình giao thông. Nhiều thành phố đã tiến hành thay thế đèn cao áp truyền thống bằng đèn LED, chiếu sáng hiệu quả góp phần an toàn giao thông, an ninh trật tự, làm tăng vẻ đẹp kiến trúc công trình và tôn vinh mỹ quan đô thị.

Cây xanh đô thị đang tăng dần về số lượng và chất lượng
Trong thời gian qua, công tác phát triển cây xanh đô thị đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Diện tích cây xanh đô thị từng bước tăng dần cả về số lượng và chất lượng, cây trồng đặc biệt ở các đô thị lớn ngày càng phong phú. Hà nội là thành phố có nhiều cây xanh. 
Từ 6-2016 Hà Nội đã phát động chương trình trồng 1 triệu cây xanh và đến nay cơ bản hoàn thành. Nhiều cây mới trồng có đường kính lớn 20-30cm, cao khoảng 4-5m có các cột chống đỡ đã và đang phát triển góp phần phủ nhanh hơn đồng thời tăng diện tích cây xanh. Các địa phương khác cũng đang có kế hoạch trồng cây, TPHCM đang xây dựng chương trình phủ xanh thành phố. 
Tuy nhiên, tỷ lệ bình quân diện tích đất cây xanh/đầu người còn thấp, phần lớn dưới 10m2/người. Tỷ lệ diện tích đất cây xanh/ diện tích đất tự nhiên đô thị cũng thấp so với các đô thị trong khu vực và trên thế giới. Quản lý về cây xanh vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây đặc biệt các cây quý hiếm nằm trong nhóm phải được bảo tồn vẫn diễn ra. Nhiều đô thị tiến hành công tác cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố dẫn đến việc chặt hạ hàng loạt cây xanh. Nhiều công viên, việc cho phép xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch hoặc không nghiên cứu, xem xét thận trọng gây bức xúc trong dư luận.

Các tin khác