Thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT có 'sợ' Bộ GTVT dọa dừng thu?

(ĐTTCO)-Sau nhiều mốc thời gian gia hạn cũng như lùi tiến độ, đến nay, nhiều nhà đầu tư BOT chưa chịu triển khai ký kết, lắp đặt thu phí không dừng (ETC).
 
Thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT có 'sợ' Bộ GTVT dọa dừng thu?
Một trong những nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh chính là từ sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT.
Nhiều ‘tối hậu thư’ dọa dừng thu

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng số trạm thu phí buộc phải lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí ETC theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải là 29 trạm. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 22 trạm ký hợp đồng triển khai (11 trạm triển khai lắp đặt, trong đó có 10 trạm đã vận hành).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải ký hoàn thành việc Hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp VETC trước ngày 15/7 để đơn vị này lắp đặt và triển khai trước 15/8 tới đồng thời giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện đảm bảo tiến độ.

Mới đây, tại cuộc họp với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải hoàn thành lắp đặt đến ngày 30/9 và ngày 15/10 sẽ thu phí thử, để ngày 30/10 tới vận hành thương mại chính thức.

“Nếu các nhà đầu tư BOT không chấp thuận thời hạn trên thì sẽ bị dừng thu phí,” ông Huyện khẳng định.

Dù nhiều lần đưa ra “tối hậu thư” cho các nhà đầu tư BOT triển khai thực hiện nhưng dường như người dân và các doanh nghiệp vận tải nhận thấy doanh nghiệp BOT cố tình “chây ỳ” và cũng không bị đánh vào nguồn thu túi tiền từ chính các dự án BOT. Thậm chí, Bộ Giao thông Vận tải cũng không có một biện pháp mạnh tay, cứng rắn để đặc trị căn bệnh “nhờn luật” này.

Nhấn mạnh việc thực hiện lắp đặt trạm thu phí không dừng giúp giải quyết tránh ùn tắc, minh bạch công tác thu phí, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian. Nhà đầu tư cho dự án BOT cũng yên tâm hơn khi lượng thu phí đi qua trạm bao nhiêu thì sẽ được truyền về Ngân hàng và kiểm soát được luôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chống được thất thoát, tiêu cực.

Để tránh cho một đơn vị độc quyền triển khai dịch vụ thu phí ETC, Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Bộ không can thiệp vào việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng của các nhà BOT.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải lưu ý công nghệ thu phí không dừng phải thống nhất trên toàn quốc, làm sao mỗi xe chỉ cần dán một thẻ Etag là có thể yên tâm chạy trên mọi tuyến đường của đất nước mà không cần quan tâm trạm này là của đơn vị nào thu phí.

Lo khó thu hồi vốn?

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình triển khai thực tế tại một số trạm thu giá, các nhà đầu tư BOT đề nghị được giữ lại khoảng 50% chi phí quản lý thu để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát và hậu kiểm.

Việc này được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá sẽ dẫn đến dự án ETC đang thiếu hụt nguồn thu từ giá dịch vụ thu phí, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khó khăn trong việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện.
Để hoàn vốn cho các nhà đầu tư BOT, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị và đề xuất Chính phủ cho phép các nhà đầu tư được kéo dài thêm thời gian thu phí. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc kéo dài thời gian thu giá sử dụng đường bộ của các dự án BOT sau khi đã hoàn vốn để bổ sung nguồn thu cho dự án ETC cần được xem xét kỹ, đảm bảo đúng quy định hiện hành, không gây bức xúc cho xã hội, người dân và chủ phương tiện tham gia giao thông.

Đặt vấn đề về phương án tài chính, nhà đầu tư thu hồi vốn bằng việc cung cấp dịch vụ thu phí ETC cho các nhà đầu tư BOT, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận do dữ liệu đầu vào để xác định nguồn thu trong phương án tài chính hoàn vốn của dự án ETC chưa được xác định cụ thể.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ về mức chi phí cho công tác thu giá trong mức giá sử dụng đường bộ của các nhà đầu tư BOT (trong đó xác định rõ chi phí quản lý, giám sát và hậu kiểm); chi phí cho công tác thu giá đối với việc sử dụng loại hình thu phí ETC.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến Bộ Tài chính về phương án tài chính dự án ETC, làm cơ sở để đàm phán với nhà đầu tư BOO và các nhà đầu tư BOT.

Các tin khác