Sử dụng tro xỉ làm VLXD, san lấp

(ĐTTCO) - Tro xỉ sinh ra trong quá trình đốt than đá tại các nhà máy nhiệt điện, tính đến cuối năm 2017 sẽ tồn đọng khoảng 40 triệu tấn và hàng năm phát sinh khoảng 20 triệu tấn, nếu không có giải pháp xử lý có thể lên đến hàng trăm triệu tấn sau năm 2030 theo lộ trình Quy hoạch điện 7 được điều chỉnh.

Đây được xem là chất thải rắn và vận chuyển ra ngoài bãi thải để tồn chứa, có nguy cơ dẫn đến “tổn thương” môi trường. Vậy tại sao không phát triển công nghệ để tận dụng lượng tro xỉ này cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) như phụ gia cho xi măng, phụ gia cho bê tông, vật liệu san lấp...


Chỉ mới tận dụng tro xỉ trên bình diện hẹp
Tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than có khoảng 80% là tro bay và 20% là xỉ đáy lò. Thực ra sử dụng tro bay đã được dùng làm phụ gia bê tông khối lớn cho các công trình đập thủy điện được áp dụng công nghệ bê tông dầm lăn tại một số nhà máy thủy điện như: Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Bản Vẽ, Sông Tranh 2.
Tro bay cũng đã được sử dụng làm phụ gia tại một số nhà máy xi măng: Hoàng Thạch với tỷ lệ trộn 14%, Sông Gianh với tỷ lệ trộn 18%. Trong xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, tro bay đã được sử dụng làm phụ gia khoáng để sản xuất bê tông đầm lăn (RCC), bê tông tươi dân dụng, bê tông mác cao (thay thế 30-50% xi măng).
Tro bay cũng được làm nguyên liệu trong sản xuất VLXD, đặc biệt là những sản phẩm vật xây dựng mới như gạch bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp, gạch xi măng cốt liệu...
Hay như có thể tái chế tro xỉ thành nguyên liệu phối trộn làm vật liệu san lấp, gia cố nền đường, bê tông và gạch không nung. Thế nhưng đến nay dù đã triển khai nhưng chưa hoàn chỉnh và phổ biến trên diện rộng, chủ yếu đưa vào sản xuất gạch không nung với ưu điểm bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng so với việc sản xuất gạch nung truyền thống từ đất sét. Một số đơn vị xử lý tro bay vào sản xuất gạch không nung đã được xây dựng vận hành ở gần một số nhà máy nhiệt điện.
Điển hình tại Nhà máy sản xuất tro bay Phả Lại với 8 dây chuyền tro bay theo công nghệ tuyển nổi, công suất 40.000 tấn/tháng. Nhà máy chế biến tro bay Cao Cường có công suất 80.000 tấn/năm và sắp đưa dây chuyền 2 vào tuyển tro nâng công suất tuyển lên 160.000 tấn/năm.
Cũng bằng nguồn nguyên liệu chính là tro xỉ để sản xuất VLXD, còn có dây chuyền sản xuất AAC của CTCP Sông Đà Cao Cường, công suất 200.000m3/năm và dây chuyền vữa khô trộn sẵn công suất 60.000 tấn/năm. Nhà máy sản xuất gạch không nung 3 triệu viên/năm của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn.
Xưởng tuyển tro bay của Ban quản lý công trình Thủy điện Sơn La có công suất 10.000 tấn/tháng (sử dụng nguồn tro xỉ của Nhà máy Điện Phả Lại II). Xưởng tuyển tro bay của Công ty phụ gia bê tông Phả Lại có công suất 5.000 tấn/tháng (sử dụng nguồn tro xỉ của Nhà máy Điện Phả Lại II). Xưởng tuyển tro bay của CTCP Nhiệt điện Ninh Bình có công suất 50.000 tấn/năm (sử dụng nguồn tro xỉ của Nhà máy Điện Ninh Bình).
Vậy nhưng, trên bình diện chung, hiện nay mới chỉ có khoảng 10% lượng tro xỉ thải ra hàng năm được thu gom, sử dụng, còn lại 90% vẫn thực hiện chôn lấp. Trong khi đó theo Bộ Xây dựng, trung bình mỗi năm các nhà máy xi măng có thể tiêu thụ khoảng 2-3 triệu tấn tro bay, các công trình bê tông đầm lăn có thể sử dụng một triệu tấn tro bay, các đơn vị sản xuất vật liệu xây không nung cũng có thể sử dụng 1 triệu tấn và cùng các nhu cầu khác, bảo đảm tiêu thụ 6-8 triệu tấn trong số 20 triệu tấn tro bay mỗi năm hiện nay (các nhà máy của EVN có lượng tro xỉ thải 14 triệu tấn/năm, TKV thải ra 2,7 triệu tấn/năm, dầu khí 2 triệu tấn/năm và một số nhà máy khác).
Sử dụng tro xỉ làm VLXD, san lấp ảnh 1 Nên tạo điều kiện và hỗ trợ DN xử dụng tro xỉ vào sản xuất VLXD không nung. 
Vì sao ngại đầu tư?
Để xử lý tro xỉ một cách căn cơ, tránh gây “tổn thương” cho môi trường, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23-9-2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Tiếp đó, ngày 12-4-2017, Thủ tướng đã có Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Những mục tiêu quan trọng của Quyết định 452/QĐ-TTg của Chính phủ là sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm phụ gia sản xuất xi măng khoảng 14 triệu tấn; thay thế một phần đất sét để sản xuất clinker xi măng khoảng 8 triệu tấn; thay thế một phần đất sét để sản xuất gạch đất sét nung khoảng 7 triệu tấn; làm phụ gia khoáng cho sản xuất bê tông và gạch không nung khoảng 2 triệu tấn; làm vật liệu san lấp công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông khoảng 25 triệu tấn.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Quyết định 452/QĐ-TTg yêu cầu các bộ, ban ngành liên quan biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay các cơ quan liên quan vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ Thủ tướng đề ra.
Vậy vì sao các nhà máy xi măng, các công trình… ngại xử dụng lượng tro xỉ này? Nguyên nhân do đặc tính kỹ thuật của tro bay không phù hợp, độ ẩm và lượng than chưa cháy hết còn cao, chi phí vận chuyển dẫn tới giá thành lớn. Việc hạ thấp hàm lượng than cháy không hết trong tro là nhiệm vụ khó khăn và tốn kém, một số dự án đã tính đến những phương án tiên tiến hạ tỷ lệ than cháy không hết trong tro như sử dụng thiết bị lọc bụi tĩnh điện nhưng chưa thấy khả thi về mặt kinh tế. 
Do vậy, vấn đề hiện nay là cần cơ chế hỗ trợ sử dụng tro xỉ thay thế cho tài nguyên vật liệu địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý và tiêu thụ tro xỉ. Đồng bộ trong chính sách và quản lý tạo điều kiện cho việc đánh giá chất lượng, lưu thông và xử lý, sử dụng tro xỉ nhiệt điện vào làm VLXD chung và san lấp.
Bên cạnh đó, các bộ/ngành cùng các tập đoàn, cơ sở phát thải, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp xây dựng và toàn xã hội thúc đẩy và đồng bộ các giải pháp nghiên cứu đầu tư công nghệ, xây dựng các tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, hoàn thiện cơ chế chính sách, truyền thông và đào tạo, tuyên truyền hỗ trợ và triển khai mục tiêu cụ thể về xử lý, tái sử dụng tro xỉ làm VLXD.

Các tin khác