Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Gỡ nút thắt cho đô thị "nhộm nhoạm"

(ĐTTCO)-Dự thảo quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng được thông qua được kỳ vọng không chỉ giúp Hà Nội xử lý được những tồn tại trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất khu vực bãi sông Hồng, mà còn khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ dòng sông…
Dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng là một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm (Ảnh minh họa: KT)
Dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng là một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm (Ảnh minh họa: KT)

Gần 30 năm chờ đợi, với hàng chục đề án, dự án quy hoạch “trôi trượt”, cuối cùng Hà Nội cũng hoàn thành Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng.

Đây được xem là mốc lịch sử quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”. Vấn đề đặt ra là làm sao từ quy hoạch phân khu trên bản vẽ đến thực địa là những công trình chất lượng, thuận thiên, hiện đại; đô thị xanh đáng sống mà vẫn giữ được đặc trưng của văn hóa sông Hồng.

Thông tin về việc Hà Nội hoàn thành Dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất thời gian qua, trong đó có những người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Sáu mươi năm tuổi đời và chừng nửa thời gian ấy sống trên mảnh đất của mình, ông Trần Văn Tiêu, ở phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, dù có tiền nhưng vẫn không thể thay thế được căn nhà cũ bằng căn nhà mới khang trang, hiện đại. Ông Tiêu cho hay, việc ngành chức năng thành phố chậm triển quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã “đẩy” những gia đình khu vực vùng bãi như ông vào tình cảnh chưa thể “an cư lạc nghiệp”, khi nhà cửa không được nâng cấp, xây mới.

“Thật sự đây là thông tin rất vui. Người dân chúng tôi đã mong muốn thành phố có một bản quy hoạch hai bên bờ sông Hồng từ lâu rồi. Quy hoạch được hai bên bờ sông Hồng sẽ giúp người dân chúng tôi ổn định cuộc sống, thành phố văn minh đô thị”, ông Tiêu chia sẻ.

Ông Trần Văn Tiêu chỉ là một trong hàng chục nghìn hộ dân dọc hai bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng từ việc “phải giữ nguyên hiện trạng”; đất đai không được cấp giấy, xây mới nhà cửa; việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch UBND phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng cho rằng, quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng được phê duyệt sẽ tạo động lực mới cho địa phương phát triển, “gỡ” được “nút thắt” về thực trạng đô thị còn nhộm nhoạm, tồn tại bấy lâu nay: “Phường Thanh Lương khu vực ngoài đê hiện đang có doanh nghiệp và người dân sinh sống. Chính vì vậy, việc quy hoạch rõ sẽ tạo cho người dân và doanh nghiệp ổn định và sẵn sàng thực hiện quy hoạch chung của thành phố. Rất mong quy hoạch sớm được phê duyệt”.

Việc Hà Nội sớm “chốt” được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng không chỉ giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, cải tạo chỉnh trang nhà cửa, mà còn “cởi trói” cho hàng chục dự án chậm triển khai, kéo dài từ thập niên này sang thập niên khác, trong đó có những dự án quy mô, đầy tham vọng như dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) tại quận Tây Hồ, với diện tích 60.000m2, phê duyệt đầu tư năm 1995; hay Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc (gọi tắt là dự án IDC), phê duyệt đầu tư năm 1999 cũng tại quận Tây Hồ.
Hơn 20 năm nay, sau cái “gật đầu” của chính quyền thành phố Hà Nội, 2 dự án từng được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo khu vực quận Tây Hồ, điểm nhấn trong kiến trúc đô thị bên bờ Nam sông Hồng lại trở thành “điểm đen đô thị”…

“Trên địa bàn phường có các dự án để lâu chậm triển khai như dự án trấn sông Hồng - 24 năm rồi. Việc có đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng hi vọng sẽ giải quyết được tồn tại này. Cùng với đó là dự án IDC. Đất đai thì bị lấn chiếm, người dân thì gặp khó khăn”, ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết.

Quy hoạch chưa được triển khai, chưa đưa đất vào sử dụng theo chức năng ô đất cũng kéo theo tình trạng nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, lấn chiếm, đổ trộm phế thải. Thời gian qua, tại địa bàn nhiều quận, huyện dọc hai bờ sông Hồng, dư luận luôn “dậy sóng” về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, những công trình dự án không phép; hàng nghìn m2 đất cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích.

Hầu hết, mục đích sử dụng đất ghi trong hợp đồng là cải tạo, đưa vào sản xuất, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã “biến” những khu đất này thành bãi tập kết vật liệu xây dựng, sân đỗ xe và nhiều công trình xây dựng không phép, trong đó có những nhà xưởng nằm trong vùng thoát lũ.

Số liệu của Vụ quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ tháng 12/2019 đến 11/2020 trên địa bàn Hà Nội phát sinh 59 vụ vi phạm về đê điều, trong đó khu vực sông Hồng luôn luôn là điểm “nóng”.

“Thời gian qua, việc chưa triển khai được quy hoạch khiến công tác quản lý trật tự xây dựng trên khu vực  thuộc các phường ngoài đê gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu cấp bách của người dân không tránh khỏi vi phạm trật tự xây dựng. Tôi nghĩ khi quy hoạch được duyệt sẽ giúp công tác quản lý trật tự xây dựng tốt hơn”, ông Bùi Thanh Nhã, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai cho hay.

Rõ ràng, việc thành phố Hà Nội hoàn thành Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng là bước tiến dài để xây dựng một Hà Nội thật sự văn minh, hiện đại - thành phố ven sông sau hàng chục năm bế tắc do vướng quy hoạch thoát lũ và một số vấn đề liên quan khác.

“Dọn dẹp” những hệ lụy, tồn tại là vấn đề trước mắt, về lâu dài, làm sao trong tương lai, trên thực địa “thành phố hai bên bờ sông Hồng” thể hiện là một đồ án quy hoạch chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, an toàn trị thủy, đảm bảo môi trường sinh thái, đặc trưng văn hóa sông Hồng cũng như sinh kế lâu dài cho người dân.

Các tin khác