Phải làm đường tránh hấp dẫn hơn

(ĐTTCO)-Ngày 4-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm ngưng thu phí ở Trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang, giao Bộ Giao thông Vận tải đánh giá toàn diện và kết hợp với tỉnh Tiền Giang đề xuất hướng giải quyết. 
 
Tuyến tránh Cai Lậy, Tiền Giang hiện nay
Tuyến tránh Cai Lậy, Tiền Giang hiện nay
Quyết định này của Thủ tướng đã được đông đảo người dân và các doanh nghiệp vận tải hoan nghênh. Vấn đề còn lại, Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Tiền Giang sẽ đề xuất hướng xử lý như thế nào cho hợp tình, hợp lý?
Ám ảnh đường qua Cai Lậy
Cứ mỗi lần từ TPHCM về quê ở Cần Thơ, anh Nguyễn Sơn Lam lại mệt mỏi với đoạn quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy và một số đoạn tuyến quốc lộ 1 khác đi qua tỉnh Tiền Giang. Dù đã được mở thêm một làn xe mỗi chiều đi nhưng do nhiều đoạn “bị” người dân “áp sát” làm nhà, mở quán bán hàng nên trên thực tế nhiều phương tiện giao thông vẫn không dám đi vào phần đường mới mở ấy.
“Rất dễ va chạm với trẻ con, thậm chí cả với người lớn nếu họ lao từ nhà ra mà không để ý xung quanh”, anh Nguyễn Sơn Lam nói. Đã vậy, một số cây cầu nằm trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang chưa được cải tạo, nâng cấp, vẫn chỉ có 2 làn xe đi và về nên “vô hình trung” đã trở thành nút thắt cổ chai cho toàn tuyến.
Là một trong những địa phương sản xuất lúa, gạo lớn nhất nước nên Tiền Giang còn có nhiều kho gạo, trạm trung chuyển gạo nằm sát quốc lộ. Mỗi khi xe container vào lấy gạo, các phương tiện giao thông khác gần như phải dừng, chờ cho xe container “de” ra. 
Chưa hết, quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang còn đi qua nhiều thị trấn và khu dân cư đông đúc. Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân sinh sống tại đây, nhiều đèn tín hiệu giao thông đã được lắp đặt tại các nút giao giữa quốc lộ 1 với các đường của địa phương.
Vào ngày thường, khi mật độ lưu thông trên quốc lộ 1 không quá đông đúc và nhu cầu đi lại của dân địa phương không cao, việc dừng chờ đèn giao thông không làm ùn ứ giao thông. Thế nhưng, mỗi dịp lễ, tết, thậm chí dịp cuối tuần, chỉ cần dừng chờ đèn giao thông hơn 20 giây, dòng xe trên quốc lộ 1 có thể bị ùn kéo dài tới vài trăm mét.
“Rơi vào những tình huống như vậy, có khi phải mất tới hơn nửa giờ mới thoát ra được”, anh Nguyễn Sơn Lam nói.
Theo một nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải, lưu lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy gần 30.000 xe quy đổi/ngày đêm và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo khi hoạt động kinh tế của khu vực phát triển. Đây là con số kỷ lục so với khả năng đáp ứng của quốc lộ 1. Do vậy, tại sao những tài xế như anh Nguyễn Sơn Lam ngán ngẩm khi phải đi qua đoạn đường này, là điều dễ hiểu. Đáng nói, việc mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy không khả thi vì nơi đây dân cư tập trung đông đúc. Việc giải tỏa vừa làm xáo trộn cuộc sống người dân vừa đẩy chi phí làm đường lên rất cao.
“Hợp tình, hợp lý”, “đôi bên cùng có lợi”
Đó là nhận định của ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM khi nói về việc xử lý những bức xúc ở Trạm BOT Cai Lậy. Theo ông Bùi Văn Quản, quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy luôn trong tình trạng quá tải và điều này không chỉ làm cho người dân lưu thông qua mệt mỏi mà còn làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa. Do vậy, nếu có một hướng giải quyết “hợp tình, hợp lý”, “đôi bên cùng có lợi”, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM ủng hộ.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cũng cùng quan điểm với ông Bùi Văn Quản. Trên tinh thần đó, ông Lê Trung Tính đặt vấn đề: “Chủ đầu tư dự án đường tránh Cai Lậy phải làm gì đó để giới vận tải thấy có lợi khi đi vào đường tránh. Trên thực tế, từ TPHCM đi Trung Lương (Tiền Giang) vừa có quốc lộ 1 vừa có đường cao tốc. Khi cần đi nhanh, các tài xế sẵn sàng trả phí để được đi vào cao tốc và chẳng ai phàn nàn về điều đó... Chủ đầu tư dự án đường tránh Cai Lậy có thể học hỏi từ điều này”.
Đường tránh Cai Lậy không được đầu tư như đường cao tốc TPHCM - Trung Lương nhưng cũng là đường được thiết kế đáp ứng tốc độ lưu thông 80km/giờ với mặt đường rộng 12m. Các cầu xây trên tuyến có khổ cầu phù hợp với khổ đường.
Với cỡ đường này, nếu được tổ chức, quản lý tốt, không cho nhà dân áp sát đường, tuân thủ đúng các quy định về hành lang an toàn giao thông, làm dải phân cách cứng, tách biệt làn xe xuôi, ngược, vẫn có thể cho xe chạy với tốc độ cao.
Đặc biệt, nếu Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Tiền Giang có thêm giải pháp hạn chế, thậm chí cấm xe gắn máy 2 bánh, xe thô sơ đi vào đường tránh; tổ chức cho các phương tiện giao thông nêu trên có lối đi riêng ven đường tránh, ô tô các loại còn có thể tăng tốc độ hơn nữa. Hiện nay, về cơ bản xung quanh đường tránh chủ yếu là vườn hoặc ruộng của người dân nên việc tổ chức lại giao thông theo hướng này vẫn khả thi.
Chưa biết, trong 1-2 tháng tới Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Tiền Giang và các bộ ngành liên quan có giải pháp gì cho Trạm BOT Cai Lậy nhưng để người dân “tâm phục, khẩu phục”, nên hỏi ý kiến người dân, nhất là giới vận tải - những người trực tiếp trả phí giao thông. Giải pháp khả thi nhất, có lẽ đúng như ý kiến của đại diện 2 hiệp hội vận tải nêu trên.
Đây là 2 hiệp hội có số lượng xe đi qua Cai Lậy, Tiền Giang rất lớn. Đưa trạm thu phí về đúng nơi (đường tránh) và làm cho đường tránh hấp dẫn hơn. Tết Dương lịch 2018 và Tết Nguyên Đán 2018 đã cận kề. Nếu không sớm giải quyết hợp tình, hợp lý các bức xúc của người dân ở Trạm BOT Cai Lậy, giao thông qua Tiền Giang sẽ ách tắc trầm trọng.

Các tin khác