BÁN ĐẢO SƠN TRÀ

“Nín thở”... đến tháng 8

(ĐTTCO) - 30-8, là hạn chót UBND TP Đà Nẵng và Bộ VH-TT-DL thống nhất gửi báo cáo để Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức cuối cùng về quy hoạch bán đảo Sơn Trà. 
 
Người dân Đà Nẵng, những người yêu Sơn Trà đang “nín thở” chờ đến thời điểm này.
Từ 40 móng biệt thự

 Bán đảo Sơn Trà có diện tích tự nhiên 4.439ha, thuộc phường Thọ Quang, có tài nguyên quý giá, hệ sinh thái phong phú, vị trí chiến lược nằm gần cảng Tiên Sa, điểm cuối của hành lang kinh tế Đông- Tây, đỉnh cao nhất gần 700m. Ngày 9-11-2016, Quy hoạch Sơn Trà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 15-2-2017 chính thức công bố nhưng chưa có hoạt động nào diễn ra trên thực tế.
Câu chuyện về Sơn Trà bắt đầu nóng lên, khi 40 móng biệt thự trái phép của CTCP Du lịch biển Tiên Sa xây dựng không phép ngay bên cạnh giới hạn vùng trực chiến của Bộ Tư lệnh Hải Quân vùng 3, và ngay vị trí cảng Tiên Sa bị phát hiện. Từ những bức ảnh của một người câu cá, những “vết thương” loang lổ màu đỏ ối nổi bật trên nền xanh của núi rừng Sơn Trà đã phơi bày trên... facebook.
Vậy là, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, mà ông Huỳnh Tấn Vinh đại diện, đã vào cuộc bằng bức tâm thư khuyến nghị gửi Đà Nẵng, Bộ VH-TT-DL và Thủ tướng mong muốn được giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà.

Lập tức, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng đã có chuyến thị sát khu vực dự án đang triển khai, đã bàng hoàng trước những tan hoang của Sơn Trà: Toàn bộ cây rừng tự nhiên, mảng xanh bị san bằng thay thế vào đó là những móng bê tông khô khan với những cọc sắt lạnh lùng chĩa nát trời bán đảo xinh đẹp này. Trên dọc tuyến đường xuất phát từ chân vịnh Mân Thái là những dự án được cấp phép đầu tư hàng chục năm nay, khởi công xây dựng vài tháng rồi để “treo” nham nhở.
Điển hình như dự án Khu phức hợp Bãi Bụt do CTCP Hải Duy làm chủ đầu tư; dự án Biển Đông hay Sơn Trà Resort Spa giai đoạn 2... Và sau chuyến thị sát của ông Chủ tịch Đà Nẵng, những thông tin, kiến nghị, những bức xúc, băn khoăn, trăn trở, những tác động về môi trường... từ những người tâm huyết với hệ sinh thái Sơn Trà đã liên tục xuất hiện và đẩy bán đảo này thành điểm nóng của Đà Nẵng mấy tháng qua và chưa có hồi kết.

“Với những ai từng theo dõi quy hoạch, cấp phép các dự án và triển khai các dự án tại bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, những thông tin trên chỉ là những giọt nước tràn ly”- Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm bức xúc và cho biết khi còn là thành viên của Viện Quy hoạch Đà Nẵng, ông đã từng có ý kiến về việc quy hoạch và khai thác Sơn Trà. Bởi Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh mà còn là kho báu của Việt Nam.
“Không có nơi nào lại có một khu rừng ngay trong lòng TP như thế. Ở các nơi khác, người ta còn phải trồng cây gây rừng tạo mảng xanh, làm sạch môi trường, giữ ẩm, cân bằng nhiệt cho cư dân, cho đô thị. Vậy mà Đà Nẵng đang sở hữu tài sản vô giá đó lại quy hoạch phân lô để cấp phép cho dự án triển khai xây dựng. Điều này là trái với tự nhiên, với sự phát triển của thiên nhiên” - ông Diệm nói.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, liên hệ đến đường bờ biển của Việt Nam từ Móng Cái- Hạ Long đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, tất cả gần như đều bị can thiệp và thay đổi, xói mòn cảnh quan. 

Theo ông Vạn, Sơn Trà là nơi tuyệt vời và không phải đô thị nào cũng có. Việc vừa bảo tồn vừa sử dụng là đúng nguyên tắc. Thế nhưng, thực trạng san ủi rừng để lấy mặt bằng không thể chấp nhận được. Tại sao lại không áp dụng hình thức đầu tư như nhiều nước trên thế giới vẫn làm “không chặt một cây, không san một chỗ”.
Ông Nguyễn Tấn Vạn nêu thực trạng: “Nhiều cơ quan công quyền đang quá lệ thuộc vào nhà đầu tư. Và chính nhà đầu tư đang “chung tay” làm thay đổi hình dạng đất nước. Đẹp hơn nhưng tàn phá hơn. Với nhà đầu tư chỗ nào có vị trí, phong cảnh đẹp là muốn xây dựng ở đó. Sơn Trà đẹp nhất là hướng Đông, vì thế không thể bảo người ta đầu tư xây dựng hướng Tây được. Vấn đề chính là mật độ, kiểu kiến trúc, quy mô ra làm sao. Phải xây dựng lẫn vào rừng. Vì thế mới cần nhà quản lý tốt và nhà đầu tư thông minh".

Dự án Sơn Trà Resort Spa giai đoạn 2 thi công xong phần thô một số căn biệt thự đã dừng hẳn từ 10 năm nay.  


Kịch bản nào cho Sơn Trà?

Bán đảo Sơn Trà đã gánh trên mình những dự án du lịch từ cả chục năm nay. Chỉ đến khi dự án Khu du lịch sinh thái của CTCP Biển Tiên Sa vỡ lở, mọi thông tin mới dần được đưa ra trước công luận, nhất là từ cuộc làm việc giữa UBND TP Đà Nẵng, Bộ VH-TT-DL mới đây với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hà Nội. Ngay sau cuộc làm việc với Phó Thủ tướng, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Trong báo cáo này, lần đầu tiên Đà Nẵng chính thức đưa ra những con số dự án cụ thể lâu nay vẫn là ẩn số, khi cho biết từ năm 2012 về trước đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án, trong đó 18 dự án đầu tư phát triển du lịch có lưu trú cho nhà đầu tư trong nước, với tổng diện tích theo quy hoạch 1.222ha và 7 dự án khác; có 11/18 dự án du lịch đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích khoảng 344ha.

Về tình hình triển khai, các dự án đã đầu tư (đầu tư hoàn chỉnh một phần) và đưa vào hoạt động gồm Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (Intercontinental Pcninsula Resort); Khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa và Khu nhà nghỉ; dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Trạm với tổng số phòng đang hoạt động 253 phòng. Dự án đang triển khai nhưng chưa hoàn thành thủ tục xây dụng là 1 Khu du lịch nghỉ sinh thái biển Tiên Sa.
Ngoài ra còn có 3 dự án đã triển khai một phần, đang tạm dừng và 11 dự án chưa triển khai. Cũng theo báo cáo này, quy mô ban đầu có 3.320 phòng khách sạn và biệt thự (1.400 phòng/9 khách sạn và 1.920 căn biệt thự). Tuy nhiên, sau đó quy mô được xác định lại là 1.600 phòng khách sạn đến năm 2030, và theo Đà Nẵng là phù hợp.

Theo UBND TP Đà Nẵng, việc lập thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dụng các dự án nêu trên đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định, đặc biệt về an ninh, quốc phòng với công trình xây dựng các dự án dưới cao trình 200m so với mặt nước biển, và không có nhà đầu tư nước ngoài.
Tại cuộc làm việc với Đà Nẵng, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL khẳng định: “Việc phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà được xây dựng trên quan điểm phát triển bền vững, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tổ chức không gian phát triển du lịch Sơn Trà gồm 3 trung tâm dịch vụ, 5 cụm nghỉ dưỡng; khu biệt thự Tây Nam Suối Đá; khu cứu hộ động vật và vườn thú bán hoang dã. Tổng diện tích 553,6ha và 477,4ha đất dự trữ phát triển. Diện tích xây dựng chỉ chiếm 2%”.

Dẫu vậy, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vẫn bảo lưu quan điểm như ban đầu chọn giữ Sơn Trà để bảo vệ lá phổi xanh của Đà Nẵng. Theo đó, ông Huỳnh Tấn Vinh đề nghị giữ nguyên hiện trạng ở Sơn Trà với số buồng phòng như hiện nay, vì nếu xây dựng Sơn Trà nhiều khu nghỉ dưỡng sẽ phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái.
Cũng phân vân về số lượng phòng khách sạn Đà Nẵng đề xuất, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng quan trọng là các dự án đầu tư có nghiêm túc, hay là cứ xây xong là tan nát môi trường. “Cần khống chế số phòng chính xác, con số đưa ra là 1.600 phòng, liệu có thực hiện đúng, hay khi xây xong lại phát sinh thêm nhiều phòng nữa”? - ông Bình băn khoăn. 

Vậy, kịch bản nào cho Sơn Trà? Tất cả đang chờ qua tháng 8.

Các tin khác