Minh bạch dự án BOT

(ĐTTCO)-Với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và xây dựng những tuyến đường mới, tạo cơ sở hạ tầng căn bản cho đất nước phát triển thì việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư là cần thiết và thậm chí còn là một trong những giải pháp khả thi nhất.

(ĐTTCO)-Với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và xây dựng những tuyến đường mới, tạo cơ sở hạ tầng căn bản cho đất nước phát triển thì việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư là cần thiết và thậm chí còn là một trong những giải pháp khả thi nhất.

 

Trên thực tế, đã khoảng 80 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT với số tiền đầu tư lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng. Các dự án BOT này đã giúp rút ngắn thời gian đi lại, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí khấu hao phương tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Thế nhưng, điều gì đang khiến hình thức đầu tư BOT trở thành “cơn ác mộng” đối với không ít người dân và đặc biệt là các đơn vị vận tải? Đi tìm câu trả lời không khó. Đó là do việc bố trí nhiều trạm thu phí BOT chưa hợp lý, mức phí quá cao đã làm không ít người dân và doanh nghiệp “kiệt” sức.

Đó còn chưa kể đến nhiều tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT chưa được nghiệm thu, bàn giao đã xuống cấp, hư hỏng. Phải trả phí cao lại đi trên những tuyến đường như vậy, người dân không bức xúc… mới lạ.

Trong khi đó, nhiều thông tin về những sai phạm về tài chính của không ít chủ đầu liên tục bị ngành chức năng làm rõ. Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng, mở rộng quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức BOT, vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện hàng loạt sai phạm.

Chủ đầu tư Dự án này là Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã tính toán khối lượng chưa chính xác, lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định, làm tăng hơn 40 tỷ đồng. Không chỉ dự án này, hiện còn có hàng loạt dự án có dấu hiệu sai phạm làm tổng mức đầu tư dự án tăng cao so với mức được duyệt ban đầu.

Theo kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giai đoạn 2011 - 2016 mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, có tới 11/27 dự án tính sai giá dự phòng, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng… làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý lên 465,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù đã gây ra nhiều bức xúc như vậy, song thời điểm hiện nay, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông theo hình thức BOT vẫn cần thiết. Vấn đề là quản lý hình thức đầu tư này như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất? Theo nhiều chuyên gia, tất cả có thể gói trọn trong 2 chữ “minh bạch”.

Vì sao, cùng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhưng so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, chi phí đầu tư cho các dự án đường nói chung và đường cao tốc ở Việt Nam nói riêng, bình quân cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với các nước cùng khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, thậm chí cao hơn cả Mỹ? Nhà đầu tư phải minh bạch các khoản chi phí đầu tư. Thậm chí mua vật liệu gì? Ở đâu? Chất lượng ra sao… cũng phải kê khai rõ.

Về việc minh bạch hóa chi phí đầu tư các dự án BOT, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT , Bộ KH-ĐT lựa chọn một số dự án đường bộ, tổ chức thi công thí điểm 1km đường làm cơ sở rà soát, điều chỉnh định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng thể hiện trong đề án hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng, trình Chính phủ xem xét. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, minh bạch và công khai hóa chi phí đầu tư các dự án BOT, xác định mức phí và thời hạn thu phí theo hình thức BOT.

Đây là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng quản lý có hiệu quả các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Quản lý tốt được chi phí thì sẽ xác định chính xác được thời gian thu phí cũng như mức phí. Theo nhiều chuyên gia, nếu chi phí đầu tư hệ thống đường giao thông ở Việt Nam được kéo giảm như nhiều nước trong khu vực thì người dân sẽ bớt nặng gánh phí giao thông.

Các tin khác