Lộn xộn như thu phí tự động không dừng

(ĐTTCO)-Hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc đều phải thu phí tự động không dừng (ETC). Nếu chủ phương tiện không dán thẻ sẽ bị xử phạt.

Trạm BOT QL1 tại Quảng Trạch (Quảng Bình) đã triển khai thu phí tự động không dừng.
Trạm BOT QL1 tại Quảng Trạch (Quảng Bình) đã triển khai thu phí tự động không dừng.

Sau khi có thông tin Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN – Bộ GTVT) có thông báo, đối với hơn 2 triệu chủ xe ô tô nếu không dán thẻ E-tag (thu phí tự động không dừng) sẽ bị phạt tiền, thông tin này lập tức gây “sốc” và hoang mang cho nhiều lái xe, chủ xe.

Vì sao những mệnh lệnh hành chính liên tục được đưa ra áp dụng thay cho vận động, tuyên truyền để người dân tự nguyện thực hiện? Ở đây, nhiều chuyên gia, người dân cho rằng cần làm rõ tính pháp lý của vấn đề trước khi thực hiện.

Xe không dán thẻ thì phạt?

Một trong những nỗ lực của Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN thời gian qua là yêu cầu các trạm thu phí BOT trên toàn quốc phải lắp đặt làn thu phí tự động không dừng – Etag. Tuy nhiên, tiến độ của các dự án này liên tục bị chậm và xin lùi tiến độ. Khi thì nhà thầu không cung cấp kịp thiết bị, khi thì chủ đầu tư không mặm mà…

Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng mới đây, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, hiện đã có 19 trạm thu phí không dừng đi vào vận hành thương mại, còn 6 trạm sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Theo lộ trình tính toán, đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 3,2 triệu phương tiện được dán thẻ Etag. Chính thức đầu năm 2019, sẽ thu phí đường bộ tự động qua các trạm.

Toàn bộ việc lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng hiện nay được Bộ GTVT – Tổng cục ĐBVN chỉ định cho Liên doanh Tasco – VETC thực hiện.

Theo Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, dù đã phối hợp với 17 trạm thu phí trên QL1 và đường HCM, nhưng đến nay, VETC mới dán thẻ được khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ô tô trong cả nước.

Khi công việc không suôn sẻ, số xe dán thẻ không tăng nhiều thì lãnh đạo đơn vị này lại quay ra với những đề xuất ngược đời.

Cụ thể, tại cuộc họp về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH VETC cho biết, tại các trạm đã vận hành thương mại, doanh thu từ các làn thu phí tự động chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7% trên tổng doanh thu và đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp cưỡng chế dán thẻ giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

Trước ý kiến này, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện đưa ra quan điểm, Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xây dựng lộ trình để cưỡng chế việc dán thẻ đối với chủ phương tiện.

Vi phạm quy tắc đấu thầu công khai, áp đặt vô lý!

Theo nhiều chủ đầu tư, BOT là phải đấu thầu công khai, đằng này Bộ GTVT lại chỉ định VETC là nhà cung cấp thiết bị, họ không được quyền lựa chọn về thiết bị, giá trị ăn chia của hợp đồng…Một số chủ đầu tư BOT khác đã lắp đặt rồi thì cho rằng “phải ngậm ngùi lắp thôi, không thì bị nhiều áp lực khác”.

Người dân, lái xe cho rằng, hiện nay đi trên mỗi tuyến đường, mỗi chủ đầu tư khác nhau có trạm có thu phí không dừng, có trạm không. Cho nên có dán thẻ hay không thì vẫn cứ phải dừng.

“Tổng cục ĐBVN cũng như doanh nghiệp VETC cần xem lại công tác truyền thông của mình, bởi không chỉ tôi mà còn rất nhiều lái xe khác chưa hề biết đến chủ trương này. Trách nhiệm của chúng tôi là qua trạm BOT phải mua và trả tiền. Còn tiền đó đi về đâu thì Tổng cục ĐBVN phải hỏi các trạm BOT chứ. Bản thân xe của tôi cũng từng dán thẻ Etag, tưởng tiện lợi nhưng không hẳn vì đa số trạm tôi đi qua đều không chấp nhận việc trả tiền qua thẻ. Họ thích tiền mặt”, một lái xe cho hay.

“Đành rằng qua trạm BOT là phải trả tiền, nhưng một ngày công ty tôi phải chạy hàng chục lượt qua một trạm thu phí, bình thường làm vé tháng với trạm thì chạy vô tư, còn sau này nếu dán thẻ có bị trừ từng lượt qua trạm hay không? Điều này cũng cần Tổng cục ĐBVN hướng dẫn rõ trên các phương tiện truyền thông chứ không phải cứ thích là cưỡng chế”, anh Lê Văn Thịnh, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải nêu ý kiến.

Dưới góc độ khác, luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cần nghiêm túc nhìn nhận lại các quyết định của mình dựa trên khía cạnh pháp lý chứ không đơn giản chỉ là đưa ra lời nói. Việc minh bạch trong thu phí phải nhìn nhận từ các nhà đầu tư BOT, vì chủ phương tiện làm sao có thể qua trạm tự do mà thoát cảnh đóng phí.

Đừng biến chủ phương tiện thành “vật tế thần” cho những toan tính của VETC (?!), việc của họ là dán tem, còn hình thức dán tem như thế nào để chủ phương tiện chấp thuận lại đòi hỏi doanh nghiệp này có những sáng tạo riêng.

“VETC đừng có dựa vào Tổng cục ĐBVN để gây sức ép với chủ xe và ngược lại, Tổng cục ĐBVN đừng vì VETC mà bỏ qua những quy định của pháp luật. Việc chủ phương tiện và VETC chỉ là quan hệ dân sự nên đừng có lấy việc sửa đổi Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT ra để tăng áp lực. Tôi tin rằng nếu Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN tiếp tục bổ sung vào Thông tư 49/2016 mà không tính toán đến quyền lợi các chủ phương tiện, lúc đó sẽ xuất hiện không ít ý kiến phản biện”, luật sư Tuyến phân tích.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một chủ trương, biện pháp tốt, hiệu quả mà người dân lại không mặn mà? Tổng cục ĐBVN và đơn vị cung cấp hệ thống thu phí tự động không dừng phải xem xét và trả lời. Khi trả lời thỏa đáng được câu hỏi của người dân, tin chắc sẽ không ai phản đối.

Tổng cục ĐBVN cần giải quyết những mâu thuẫn nội tại trong BOT, khi đó, không cần áp đặt người dân thấy thuận tiện sẽ tự nguyện chấp hành./.

Các tin khác