Hồi sinh khu du lịch Kê Gà

(ĐTTCO) - Kể từ khi dự án cảng Kê Gà chính thức dừng triển khai, nhiều chủ đầu tư các resort đã bơm vốn hồi sinh dự án trở lại.
 Trao đổi với ĐTTC, ông TỪ VĂN PHƯỚC, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Úc Group (chủ dự án Aloha), cho biết:
Vào năm 2007, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển. Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà phục vụ cho việc vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống. Chủ trương này đã khiến hàng loạt nhà đầu tư du lịch tại khu vực quy hoạch cảng Kê Gà bị buộc phải đóng cửa để nhường đất để triển khai dự án cảng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm bị trì hoãn, năm 2013 nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng dự án cảng Kê Gà với lý do không hiệu quả, đồng thời giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận và các cơ quan hữu quan đã lập hội đồng thẩm định, xây dựng phương án bồi thường cho các chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Nhờ đó, các resort dọc bờ biển 3 xã Thuận Quý, Tân Thuận và Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) như một đại công trường nhộn nhịp hoạt động duy tu, sửa chữa để đón khách du lịch. 
Hồi sinh khu du lịch Kê Gà ảnh 1 Dự án Aloha đang được chủ đầu tư ráo riết thi công. Ảnh: M.T 
PHÓNG VIÊN: - Ông nhìn nhận thế nào về sự hồi sinh khu Kê Gà?
Ông TỪ VĂN PHƯỚC: - Dọc bãi biển Hàm Thuận Nam hiện có 21 resort đang hoạt động, số còn lại trên 30 dự án trong quá trình khẩn trương duy tu, sửa chữa, xây dựng mới theo quy hoạch. Có thể nói, sau khi dừng triển khai cảng Kê Gà, BĐS du lịch nghỉ dưỡng “Mũi Né 2” đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Điều này cho thấy là chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển du lịch vào địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đã quyết liệt hơn bao giờ hết. Du lịch xanh là 1 trong 3 lĩnh vực phát triển trụ cột, bền vững của Bình Thuận trong thời gian tới. Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó tiếp thu để tạo ra cơ chế, chính sách để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư.

Cùng với đó, phát triển đột phá về hạ tầng giao thông chính là yếu tố kích hoạt mang tính then chốt cho du lịch Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung. Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Dây được kết nối với Quốc lộ 1A đã được cải tạo nâng cấp mở rộng đã rút ngắn một phần thời gian từ TPHCM đến Bình Thuận.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông tại tỉnh Bình Thuận đang được tăng tốc đầu tư, hệ thống giao thông liên vùng đang được cải thiện với nhiều dự án trọng điểm sẽ được triển khai như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Nha Trang, sân bay Phan Thiết, cảng tổng hợp Vĩnh Tân…

So với nhiều địa phương khác, tiềm năng du lịch Bình Thuận được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn bậc nhất Nam Trung Bộ. Trong đó huyện Hàm Thuận Nam là địa phương có một vị trí đắc địa về du lịch với 3 xã nằm ven biển. Ngoài bãi biển Mũi Né đã bão hòa, Hàm Thuận Nam có bờ biển đẹp, hoang sơ, quyến rũ hơn; du khách đến đây còn được tham quan nhiều địa danh nổi tiếng Mũi Kê Gà, Khu du lịch Núi Tà Cú, Dinh Thầy Thím, Đồi cát Bàu Trắng, Vịnh đá nhảy...

- Vậy ông kỳ vọng gì ở khu du lịch Kê Gà nói chung và dự án tâm huyết của ông nói riêng?

- Aloha là dự án tâm huyết của Công ty Việt Úc có quy mô đầu tư rất lớn, với diện tích 15ha, tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng, bao gồm phát triển 3.200 căn hộ khách sạn, 156 căn nhà liên kế và trung tâm thương mại - dịch vụ. Đây là một trong những dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô đầu tư lớn nhất tại Hàm Thuận Nam.
Công ty đã có quỹ đất sạch 100% và chuyển đổi mục đích sử dụng lâu dài, cũng như được tỉnh Bình Thuận cấp phép đầu tư, hoàn tất các thủ tục pháp lý. Đồng thời, dự án nhận được sự hợp tác đầu tư của nhiều đối tác uy tín nên đảm bảo tiến độ xây dựng, đặc biệt dự án đã được bảo lãnh từ ngân hàng và hoàn toàn không sử dụng vốn vay.

Trước mắt, công ty đã triển khai giai đoạn 1 với hạng mục xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ tầm cỡ, dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm nay. Các hạng mục còn lại sẽ được đầu tư theo lộ trình cam kết. Khi hoàn thành, Aloha là dự án du lịch hướng tới cộng đồng, trong đó đối tượng khách hàng được nhắm đến là người lao động ở các công ty, tập đoàn.
Tôi muốn tạo ra một khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng ven biển khép kín với những khu căn hộ khách sạn, kết hợp hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ. Khi dự án cảng hàng không Long Thành và Phan Thiết đi vào hoạt động, Bình Thuận là điểm đến du lịch vô cùng thuận lợi và lý tưởng.

Không riêng gì dự án Aloha, bản thân chủ đầu tư của nhiều dự án mà điển hình là tổ hợp Khu du lịch thung lũng đại dương Delta Valley (quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư 400 triệu USD) cũng bày tỏ quyết tâm vực dậy tiềm năng du lịch khu vực Kê Gà, biến nơi đây thành địa bàn trọng điểm về đầu tư.
Tất cả những dự án trên địa bàn hiện nhận được sự quan tâm, khích lệ, giám sát đặc biệt của lãnh đạo địa phương, nhất là khâu tiến độ. Chắc chắn trong tương lai gần, “Mũi Né 2” sẽ là điểm đến an toàn, hấp dẫn và cuốn hút du khách như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác