Hoàn chỉnh thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4 và cầu đi bộ qua sông Sài Gòn

(ĐTTCO)-Công trình cầu Thủ Thiêm 4 kết nối giữa quận 7 (khu vực phía Nam) với quận 2 (khu vực phía Đông) trong tương lai là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông - thành phố Thủ Đức. Vì vậy, phương án thiết kế công trình cầu Thủ Thiêm 4 cần có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, mỹ thuật cao, là biểu tượng của tri thức, khoa học và hiện đại với tinh thần năng động sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TPHCM.
Ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát, nơi kết nối với cầu Thủ Thiêm 4, phía quận 7. Ảnh: CAO THĂNG
Ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát, nơi kết nối với cầu Thủ Thiêm 4, phía quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

Cầu Thủ Thiêm 4 thiết kế theo ý tưởng tre Việt Nam

UBND TPHCM vừa giao Sở QH-KT phối hợp với đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện thêm phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4 và hoàn chỉnh phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Thành phố yêu cầu Sở QH-KT báo cáo thông qua Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TPHCM để góp ý, hoàn thiện thêm phương án, trước khi trình lại Thường trực UBND TPHCM xem xét.

Theo đơn vị tư vấn, có phương án thiết kế kiến trúc được hội đồng tuyển chọn, cầu Thủ Thiêm 4 được thiết kế theo ý tưởng tre Việt Nam. Thiết kế chi tiết kết cấu vòm cầu thể hiện rõ cấu trúc cách điệu các đốt tre lắp ghép; trụ đèn chiếu sáng, lan can cầu cách điệu từ hình ảnh chiếc cầu tre; phương án chiếu sáng đổi màu, cường độ theo từng khung giờ, chiếu sáng nhịp dẫn hài hòa với cấu trúc tổng thể cầu.

Về phương án tổ chức giao thông, đối với nút giao thông cầu Thủ Thiêm 4 - đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát: Hướng chính từ cầu Thủ Thiêm 4 kết nối đường Huỳnh Tấn Phát là đi theo cầu dẫn vượt qua đường Nguyễn Văn Linh, trước vị trí giao với đường Bùi Văn Ba.

Cầu Thủ Thiêm 4 rẽ phải đến đường Nguyễn Văn Linh sẽ rẽ phải theo nhánh cầu N1; rẽ trái theo đường Tân Thuận thì rẽ trái theo nhánh cầu N3; hướng đường Nguyễn Văn Linh rẽ trái lên cầu Thủ Thiêm 4 qua quận 2 đi theo nhánh N4; hướng Tân Thuận rẽ trái qua đường Huỳnh Tấn Phát và hướng từ đường Huỳnh Tấn Phát rẽ trái qua đường Nguyễn Văn Linh thì tổ chức giao bằng vòng xoay tại vị trí giao đường Nguyễn Văn Linh - Tân Thuận - Huỳnh Tấn Phát.

Nút giao thông cầu Tân Thuận 2 - đường Nguyễn Văn Linh: Hướng từ cầu Tân Thuận 2 rẽ phải theo làn bên phải ra đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái qua đường Nguyễn Văn Linh đi theo hướng hầm chui A1; hướng đi từ cầu Tân Thuận thẳng qua D2 thì thẳng theo hầm chui A1; hướng từ đường Nguyễn Văn Linh rẽ trái lên cầu Tân Thuận qua D2 chờ đèn rẽ trái; D2 rẽ trái đi đường Nguyễn Văn Linh thì đi thẳng cầu Tân Thuận chờ pha đèn.

Đối với dòng xe container từ đường Nguyễn Văn Linh ra vào cảng đi trên cầu vượt qua nút cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, sau đó đi theo hầm chui qua nút giao thông cầu Thủ Thiêm 4 - Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát đảm bảo an toàn và không giao cắt với dòng phương tiện khác.

Trước đó, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương nghiên cứu phương án thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4, đề xuất phương án tổ chức giao thông phía quận 7 tối ưu nhất. Thành phố yêu cầu phương án đề xuất phải thuận lợi cho các phương tiện lưu thông trên trục đường Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh dễ dàng tiếp cận lối lên và xuống cầu Thủ Thiêm 4.

Đặc biệt lưu ý nút giao Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát (ngay phía trước Khu chế xuất Tân Thuận) thường xuyên ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và khi công nhân tan tầm.

Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài khoảng 2.160m, được xây dựng trên địa bàn quận 2 và quận 7, có 6 làn xe, bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (khoảng 200m về phía giao lộ trục đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập). Cây cầu này sẽ đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái, kết nối vào đường Lưu Trọng Lư - vị trí quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4, cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 tại đường trục Bắc Nam, sau đó kết thúc tại điểm giao với tuyến R4.

Dự án xây cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 5.254 tỷ đồng.

Theo UBND TPHCM, việc đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết và cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7.

Dự án còn giúp kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của thành phố và quận 4, quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị mới phía Nam. Công trình này khi hoàn thành sẽ góp phần giảm áp lực giao thông trên hệ thống giao thông hiện hữu cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường.

Cầu Thủ Thiêm 4 còn giúp TPHCM chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có hình dáng lá dừa nước

UBND TPHCM vừa cơ bản thống nhất với phương án thiết kế cầu đi bộ qua sông Sài Gòn mang biểu tượng lá dừa nước của Liên doanh Chodai - Takasahi Architects và Chodai Kiso - Jiban Việt Nam.

Theo phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn của liên doanh này, lối đi bộ dọc theo sông Sài Gòn từ nhà ga Ba Son đến cầu Khánh Hội có mái che tạo hình chiếc lá. Để kết nối với công viên đối diện đường Tôn Đức Thắng, đơn vị này cho rằng, cần có một cầu vượt bộ hành hoặc đèn giao thông tạo thuận tiện cho người đi bộ.

Ngoài ra, bãi đậu xe máy nên đặt tại vị trí ga tàu cao tốc hiện hữu và phía khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cây cầu còn có 7 điểm chụp ảnh để thấy tổng quan hình chiếc lá. Theo đơn vị thiết kế, cầu đi bộ có màu trắng sẽ nhấn mạnh được tính biểu tượng của cây cầu, tạo sức hút thị giác dưới ánh nắng mặt trời. Khi chiếu vào ban đêm, màu trắng của cầu sẽ làm nền cho việc chiếu sáng nghệ thuật chuẩn nhất.

Đơn vị tư vấn đề xuất thêm các hoạt động vào ban ngày như: các sự kiện đặc biệt, lễ hội âm nhạc, nghệ thuật công cộng và các hoạt động ban đêm (trình chiếu nhạc nước và chiếu sáng 3D, rạp chiếu bóng ngoài trời...).

Thành phố cơ bản thống nhất toàn bộ nội dung trên. Tuy nhiên, thành phố yêu cầu Sở QH-KT và đơn vị tư vấn cần tìm ý tưởng màu sắc khác màu trắng; đồng thời giao Sở QH-KT phối hợp đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn chỉnh phương án thiết kế báo cáo UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Liên quan đến phương án thiết kế được đề xuất, thành phố lưu ý, khi đi vào vận hành, lan can cầu đảm bảo yêu cầu an toàn và mỹ thuật; chọn màu sắc chủ đạo khác màu trắng; trong quá trình vận hành cầu chỉ sử dụng cho người đi bộ và phương tiện đi lại của người khuyết tật, cấm các phương tiện giao thông khác, cấm các hình thức buôn bán, kinh doanh trên cầu; thi công lắp đặt đồng bộ phù hợp với quy hoạch khu vực, không chia thành nhiều giai đoạn.

Dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm Thủ Thiêm. Chân cầu phía quận 1 nằm tại công viên Bạch Đằng và gần với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chân cầu phía quận 2 nằm ở công viên bờ sông, phía Nam quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Các tin khác