Hệ thống mốc cao độ đang gặp sai sót

(ĐTTCO)-Loạn cốt san nền là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho công tác xây dựng ở TPHCM… loạn: chỗ cao, chỗ thấp. Điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chống ngập của TPHCM. 
 
Một cửa hàng bán ô tô bị thấp nhiều so với mặt đường Kinh Dương Vương sau khi nâng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một cửa hàng bán ô tô bị thấp nhiều so với mặt đường Kinh Dương Vương sau khi nâng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Loạn cao độ san nền
Ông Đặng Thế Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng APIER, cho biết khi khảo sát, thiết kế dự án, các đơn vị tư vấn phải làm hồ sơ xin và được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp cho tọa độ chuẩn của các mốc cao độ ở vị trí gần công trình nhất. Từ mốc chuẩn đó, đơn vị tư vấn sẽ dẫn về công trình để thiết kế, thi công cao độ san nền theo đúng quy định của Nhà nước.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi phát hiện ra nhiều sự chênh lệch giữa các mốc cao độ. Lấy ví dụ một dự án ở Hiệp Phước, Nhà Bè, chúng tôi mua số liệu mốc cao độ ở khu vực Nhà Bè nhưng sau đó tham khảo, đối chiếu với các dự án lân cận mua số liệu mốc ở khu vực quận 7 thì thấy khu vực Nhà Bè thấp hơn 15 - 20cm”, ông Vinh cho biết.
Gặp tình huống đó, có đơn vị tư vấn sẽ giữ nguyên số liệu dẫn từ cao độ mua của Nhà nước để thiết kế, nhưng cũng có đơn vị tìm thêm nhiều cách để tính toán ngưỡng an toàn cho cao độ san nền, chẳng hạn như dựa vào số liệu thủy văn, địa chất, lún nền đất… vì lo ngại cao độ không chính xác sẽ ảnh hưởng tới thiết kế và chất lượng công trình cũng như uy tín của đơn vị tư vấn sau này.
Mỗi tư vấn tính cao độ san nền theo mỗi phách khác nhau! Thế nhưng, khuyến cáo từ đơn vị tư vấn về ngưỡng an toàn của cao độ san nền không phải lúc nào cũng “lọt tai” chủ đầu tư, bởi lẽ với các dự án quy mô cỡ 2ha trở lên hoặc với các tuyến đường thì việc san nền thêm vài phân đồng nghĩa với chi phí đầu tư sẽ đội lên kinh khủng. 
Chia sẻ với lo ngại của các đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho rằng có thể tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với hàng tỷ tấn bê tông đè xuống nền đất yếu của TP, cũng như tình trạng khai thác nước ngầm diễn ra khắp nơi đã gây ra hiện tượng lún tổng thể, dẫn đến việc các cột mốc cao độ đang bị lún so với thời điểm thiết lập ban đầu. Ông Anh bày tỏ nhiều lo ngại về trạm quan trắc Phú An, bởi lẽ tất cả các thông tin dự báo triều cường, ngập, xâm nhập mặn… hiện TP đều sử dụng theo số liệu tại trạm Phú An nhưng trạm này có vấn đề về cao độ.
“Chúng tôi từng phát hiện sự bất thường về số liệu của trạm Phú An qua các năm và phản ánh để UBND TP kiến nghị với Bộ TN-MT nhưng bộ vẫn khẳng định số liệu tại Phú An chính xác. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam và nhiều đơn vị khác đã cùng nhau nghiên cứu, tính toán. Cuối cùng thấy rằng, khi dẫn số liệu từ trạm Phú An về dự án, công trình cụ thể, chúng tôi đều cộng cao độ thiết kế thêm 25cm”, ông Anh cho biết.
Cũng theo ông Anh, hệ thống thoát nước của TP xây dựng trên cơ sở tính toán đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,32m nhưng hiện nay tất cả đều bị ngập do đỉnh triều đã lên gần 1,7m và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Nguyên nhân đỉnh triều ngày càng cao được lý giải một phần do nước biển dâng, nhưng theo nhiều báo cáo đánh giá hiện trạng thì mức độ dâng không nhiều đến 20 - 30cm như vậy.  
Sẽ đo đạc, cắm mốc lại
Tại cuộc họp về công tác lập quy hoạch không gian ngầm gần đây, vấn đề về mốc cao độ của TP một lần nữa lại được đặt ra. Đại diện Sở Giao thông Vận tải cũng cho rằng hiện nay TP chưa thống nhất mốc cao độ để làm cơ sở quy hoạch. Vì  thế, việc đầu tiên trong công tác quy hoạch là cần phải xây dựng mốc cao độ thống nhất để quy định xây dựng tầng cao của các công trình ngầm cũng như kết nối các công trình với nhau.  
Theo ông Nguyễn Minh Giám, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Nam bộ, nhiều mốc cao độ có trên tọa độ nhưng không có trong hiện trạng, có thể đơn vị xây dựng công trình do sơ ý hoặc cố tình đã lấp đi. Vấn đề chuẩn hóa mốc cao độ rất quan trọng với TPHCM vì sẽ quyết định tính chính xác của hệ thống quan trắc thủy văn và xây dựng các phương án chống ngập.
Ông Nguyễn Ngọc Anh khuyến cáo, việc sai số các mốc cao độ sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng vì đây là một trong những số liệu đầu vào quan trọng để tính toán, thiết kế công trình, nên “sai một ly sẽ đi một dặm” và có thể kéo nhiều công trình khác sai theo. Trong giấy phép xây dựng cấp cho người dân có đề cập đến cao độ san nền nhưng hầu hết đều bỏ qua do ngại tốn tiền hoặc không hiểu hết quy định, họ cứ nghĩ xây cao hơn mặt đường là được.
Nếu đường dẫn mốc cao độ sai thì nhà cũng sai nốt và chỉ trong một thời gian ngắn là cả khu vực đều ngập. Bên cạnh đó, hiện nay TP cũng đầu tư rất nhiều đại dự án chống ngập trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nếu dẫn mốc cao độ không chuẩn sẽ xảy ra tình trạng dù hoàn thành dự án nhưng ngập vẫn hoàn ngập. 
Theo Sở TN-MT TPHCM, năm 2016, Cục Đo đạc bản đồ Việt Nam đã bàn giao cho TP một số mốc cao độ. Trên cơ sở đó, sở đã kiến nghị UBND TP cho phép khảo sát, đánh giá lại hiện trạng hệ mốc cao độ trên địa bàn TP, qua đó điều chỉnh và bổ sung thêm số lượng mốc cao độ để việc dẫn cao độ san nền của các dự án, công trình được chính xác hơn.
Được biết, UBND TP đã chấp nhận chủ trương này, hiện Sở TN-MT đang làm việc với sở ngành liên quan để bàn chi tiết hơn công tác triển khai khảo sát, cắm mốc lại.

Các tin khác