“Đúng quy trình”, nhưng… quy trình chưa đúng!

(ĐTTCO).- Tại cuộc tọa đàm về dự án BOT được tổ chức ngày 19-4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã đồng tình cho rằng vị trí đặt trạm BOT không đúng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng người dân phản ứng.

Quốc lộ 1A khu vực cầu Bến Thủy bị ách tắc do người dân tập trung ô tô phản đối trạm thu phí BOT Bến Thủy
Quốc lộ 1A khu vực cầu Bến Thủy bị ách tắc do người dân tập trung ô tô phản đối trạm thu phí BOT Bến Thủy

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, tình trạng người dân quây trạm, nối đuôi nhau gây ùn tắc giao thông đã cho thấy sự hạn chế, bất cập về việc đặt trạm thu phí BOT. Nhà nước, nhà đầu tư đều nói việc đầu tư dự án, thiết lập vị trí đặt trạm đúng quy trình, nhưng rõ ràng quy trình đó có vấn đề. “Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được. Nếu nhà đầu tư giải thích rõ cho dân, lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều và được đồng thuận trước khi lắp đặt trạm thì sẽ không có những phản ứng tiêu cực, làm tổn hại cho cả nhà đầu tư, cả người dân và tạo ra những hiệu ứng xấu trong xã hội”, ông Thanh phân tích. Đồng tình quan điểm này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, không nên đặt trạm BOT ở đầu đường hoặc cuối đường, gần các thành phố, thị xã, thị trấn bởi người dân qua lại nhiều.

Trả lời những ý kiến về việc đặt trạm thu phí BOT bất hợp lý, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT, cho rằng việc di dời trạm thu phí hiện nay rất khó khăn, do chi phí tốn kém, hơn nữa vị trí đặt trạm đã được tính toán kỹ, di dời về hướng nào cũng có những cái vướng mắc. Ví dụ trạm Bến Thủy, đã hoạt động kéo dài 10 năm, nếu di dời, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 70 tỷ đồng rất lãng phí, hơn nữa số tiền này nhà đầu tư cũng lại tiếp tục thu của dân.

Về vị trí đặt trạm Bến Thủy, dù di dời ra phía Bắc hay Nam thì đều gần với các trạm khác, lại ảnh hưởng đến người dân gần nơi chuyển đến. Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại trạm thu phí hiện nay, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung cho các dự án BOT, theo hướng miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ. Chẳng hạn, cách trạm thu phí bao nhiêu kilômét sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu kilômét sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% trạm thu phí. Về xử lý những bức xúc của người dân tại các trạm thu phí để không ảnh hưởng đến giao thông thông suốt, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Các địa phương đều đồng thuận, đều mong mỏi có các dự án giao thông để phát triển kinh tế địa phương. Do đó, khi các dự án BOT trên địa bàn gây bức xúc cho người dân thì địa phương cũng phải có trách nhiệm, nhanh chóng vào cuộc cùng với Bộ GTVT, nhà đầu tư để giải quyết, tránh tình trạng như tại Trạm BOT Bến Thủy, khi nhà đầu tư đề nghị cung cấp danh sách các chủ hộ để giảm phí thì địa phương lại cho rằng đó là việc của nhà đầu tư, dẫn đến việc xử lý bị kéo dài.

Các tin khác