Dù là kịch bản nhưng chống ngập phải tính

(ĐTTCO)-Theo nghiên cứu của Climate Central mới được công bố trên chuyên san Nature Communications, khi mực nước biển toàn cầu tăng khoảng 0,6-2,1m vào năm 2050, toàn bộ miền Nam Việt Nam có thể nằm dưới mức đỉnh triều, trong đó phần lớn TPHCM có thể bị ngập. 
Dù là kịch bản nhưng chống ngập phải tính
Thông tin này được soi khá kỹ và nhận nhiều bình luận trái chiều. Ngay sau đó, Giám đốc điều hành Climate Central TS. Benjamin Strauss đính chính: “Đó chỉ là một kịch bản dự báo và không xác quyết một cách dứt khoát rằng TPHCM sẽ bị biến mất". 
Mặc dù vậy, lời cảnh báo này có tác dụng nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh táo và cẩn trọng khi đưa ra các quyết sách liên quan đến mở rộng không gian đô thị. Về nguyên lý, bất cứ TP nào cũng phát triển theo 6  hướng Đông-Nam-Tây-Bắc và lên trời – xuống lòng đất.
Nhưng phải triển khai hướng nào chính, hướng nào phụ, quy mô, tốc độ phát triển phải cân nhắc đến nhiều nhân tố tác động, trong đó có khí hậu, thời tiết. 
Có một thực tế, trên thế giới hiện nay các tổ chức nghiên cứu của chính phủ và phi chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) chiếm số lượng nhiều nhất và sử dụng một lượng kinh phí khổng lồ. Các nhà khoa học đưa ra rất nhiều dự báo, các kịch bản khác nhau và liên tục thay đổi về diễn tiến của BĐKH.
Thật ra, dự báo về một thực trạng có thể xảy ra trong tương lai là điều cực kỳ khó. Đã có nhiều dự báo của các nhà tương lai học, dự báo học nổi danh của các viện nghiên cứu lớn nhưng rồi… trật lất.
Dự báo về khí hậu, thời tiết, môi trường là một trong số những loại dự báo cực khó, bởi sự thay đổi về khí hậu thời tiết ngoài chuyện phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, còn phụ thuộc phần nào vào thái độ, hành động của con người nữa.
Chẳng hạn, liên quan đến BĐKH ở khu vực Nam bộ, cho đến nay có ít nhất 5 kịch bản  có thể sẽ xảy ra về mức nước biển dâng và diện tích vùng ngập. Nhưng các kịch bản dự báo này chắc chắn đến đâu không có chuyên gia nào dám khẳng định được độ tin cậy, bởi lẽ đó là giả định ở một thời điểm quá xa, vì 50-70 năm nữa không thể kiểm chứng được. 
Nên biết, các nhà khoa học xây dựng các kịch bản hoàn toàn bằng lý thuyết, trên cơ sở đưa ra số liệu giả định ở đầu vào và máy tính sẽ tính toán đưa ra các hình ảnh ở đầu ra. Giả định rằng khi nhiệt độ trái đất tăng từ 2-30C do hiệu ứng nhà kính, thì băng tan nhanh và nhiều ở hai cực, khi đó nước biển dâng sẽ dìm sâu các TP ở ven biển và độ phủ của nó sẽ lan sâu vào trong nội địa các quốc gia.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng kịch bản này phụ thuộc rất nhiều vào hành động của con người, nhất là các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… Nếu các quốc gia này chung tay giảm khí thải  kịch bản ngập không xảy ra, hoặc có xảy ra cũng không quá trầm trọng và nằm trong tầm kiểm soát của con người. 
Thế giới ghi nhận một vài động thái tích cực trong vài năm gần đây, loại nhà máy nhiệt điện than, xi măng lò nung, đầu máy xe lửa chạy dầu, xe chạy bằng xăng (các hoạt động làm thủng tầng Ozon) đang dần bị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.
Đối với băng hai cực của trái đất, cũng có ý kiến cho rằng việc băng tan có thể do sự thay đổi hướng dòng chảy của các dòng biển ấm, và sự chuyển dịch các dòng nham thạch nóng dưới lòng đất tác động, chứ không hẳn là do khí phát thải. 
Như vậy việc xây dựng các kịch bản không chắc chắn này tác động rất nghiêm trọng đến các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của những quốc gia, những TP ven biển. Nếu đúng thì tốt, nhưng nếu sai hậu quả thật khôn lường.
Rõ ràng khi xây dựng các chiến lược phát triển, các nhà lãnh đạo không thể đặt ra hàng loạt câu hỏi bắt đầu bằng chữ nếu. Nếu nó (biến đổi khí hậu) xảy ra, công tác quy hoạch không gian, xây dựng công trình, phát triển dự án phải đối phó và xây dựng các phương án dự phòng như thế nào ngay từ khi mới xây dựng các ý tưởng (ideas) và quan niệm (concepts).
Nhiều tỷ đô la sẽ phải chi ra cho việc thay đổi hướng phát triển, cho kiến trúc công trình chịu được nước mặn ngập quanh năm. Và có thể nhiều hơn thế nữa là phí tổn cho thay đổi phương thức canh tác, lối sống, thói quen, sinh hoạt, nhà ở và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội cho hàng tỷ người ở vùng ngập. Nhưng nếu kịch bản không xảy ra thật lãng phí không chỉ tiền bạc, nguồn lực và hơn thế nữa là uy tín của cơ quan công quyền. 
Do vậy, chúng ta có thể thấy sự lưỡng lự trong nhận thức và đưa đến tình trạng “nhị nguyên” trong các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam. Tức một mặt vẫn cho tiến hành các công trình, dự án trong điều kiện bình thường, mặt khác có tính đến việc giảm thiểu rủi ro nhưng không đặt chúng vào kịch bản xấu nhất.
Một thí dụ điển hình nhất là việc TPHCM đang tiến hành xây dựng 7 tuyến metro, trong đó có 2 tuyến đã khởi công là Bến Thành-Suối Tiên và Bến Thành-Tham Lương. Ngay trong giai đoạn khảo sát thiết kế đã có những cuộc tranh luận gay gắt có nên hạ ngầm toàn bộ hay làm nổi toàn bộ trên mặt đất để dự phòng trường hợp TP bị ngập.
Nếu làm nổi sẽ phá vỡ cảnh quan làm xấu bộ mặt TP, đặc biệt là lãng phí vì không sử dụng được các công trình ngầm, nhất là ở khu vực trung tâm như nhà ga, hệ thống dịch vụ ngầm ở quảng trường Quách Thị Trang (dưới nền chợ Bền Thành).
Nhưng nếu hạ ngầm sâu dưới lòng đất 8-10m trong điều kiện bình thường đã rất tốn kém, còn dự phòng cho hệ thống bị ngập nước sau 50 năm sử dụng thì sự tốn kém là không kể xiết vì phải sử dụng các thiết bị kỹ thuật-công nghệ hiện đại, việc chế tạo nó phải đi trước thời gian, chưa kể những rủi ro rất khó lường. 
Hiện TPHCM chỉ hạ ngầm một vài đoạn không thể chạy nổi được. Tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên dài 20km, trong đó có 2,6km hạ ngầm ở khu trung tâm TP (từ Bến Thành-Nhà ga số 1 kéo dài đến Tân Cảng), bởi ở trung tâm nếu làm trên cao sẽ làm hỏng toàn bộ giá trị khu vực kiến trúc thuộc địa Pháp và giảm giá trị các di sản kiến trúc-văn hóa có tuổi đời hàng trăm năm. 
Từ thực tế đã diễn ra trên thế giới và Việt Nam, chúng ta rút ra một điều cực kỳ quan trọng trong dự báo là có thể các con số khác nhau, các thời điểm dự tính khác nhau, nhưng đối với dự báo xa quan trọng nhất là “xu hướng của tiến trình”, rằng điều đó nhất định sẽ diễn ra theo xu hướng ấy không thể đảo ngược được.
Trường hợp của TPHCM, dù muốn hay không chúng ta nhận thấy BĐKH đang xảy ra với biểu hiện cực đoan và thất thường, bị ngập nước rộng và sâu là xu thế khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, nước triều từ sông Sài Gòn tăng cao liên tục, cách nay 10 năm đỉnh triều là 1,52m nay đã lên đến 1,72m, các trận mưa kéo dài và lượng mưa nhiều hơn. Trước kia hiếm khi có trận mưa với vũ lượng 100mm, nay mỗi năm có 4, 5 trận mưa nhiều hơn 150mm, thậm chí năm 2018 có trận mưa lên đến hơn 400mm. 
Nước biển dâng, TPHCM có thể ngập 80% như Climate Central dự báo hay 50% như Hội đồng nước Quốc tế đưa ra, thì các phương án chống ngập cho tối đa và tối thiểu vẫn phải tính đến, nhất là vùng trũng nhất khu vực phía Nam của TPHCM.
Trong đó có những phương án cần tính đến, đó là: Chuyển hướng phát triển chính của TPHCM. Hạn chế phát triển các công trình cao tầng có tải trọng lớn, các công trình có khối đế lớn làm lún bề mặt TP. Hạn hế tối đa việc bê tông hóa bề mặt và các công trình giao thông làm chậm dòng chảy thoát của nước. 

Các tin khác