Cưỡng chế công trình xây dựng trái phép gặp vướng

(ĐTTCO)-Số lượng công trình xây dựng không phép, sai phép chưa được xử lý trên địa bàn TPHCM còn khá nhiều, nhưng việc cưỡng chế gặp không ít vướng mắc. Một số địa phương đã thống kê, phân loại và đưa ra hướng, thời hạn xử lý cụ thể. Trong đó, có những công trình được hướng dẫn cho tồn tại, thay vì tổ chức cưỡng chế.
Tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng không phép trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM
Tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng không phép trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM

Ngại tham gia cưỡng chế

Sau 3 tháng thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP, số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn quận 7 giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng, cả quận chỉ xảy ra 1 trường hợp xây dựng không phép và 5 trường hợp xây dựng sai phép. Tuy nhiên, trên địa bàn quận còn 47 công trình không phép và 322 công trình sai phép đang chờ xử lý. Mặc dù quận đặt kế hoạch mỗi quý xử lý 30% công trình vi phạm xây dựng tồn đọng, nhưng tiến độ thực hiện khá chậm.

Tình trạng công trình vi phạm xây dựng tồn đọng nhiều năm chưa xử lý cũng khá phổ biến nhiều ở nhiều địa phương khác. Đơn cử như tại quận Thủ Đức, trong năm 2019, quận tổ chức thực hiện hơn 110 quyết định cưỡng chế tháo dỡ, gần gấp 4 lần so với năm 2018. Song, hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn hơn 360 công trình vi phạm xây dựng cần xử lý.

Đánh giá chung, UBND TPHCM nhận xét, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, số vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc xử lý các công trình vi phạm xây dựng còn tồn đọng trước đây vẫn chưa dứt điểm, tỷ lệ thực hiện chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo Thông tư 05/2017 của Bộ Tài chính) còn nhiều vướng mắc. Về vấn đề này, Sở Tài chính TPHCM đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết, để UBND các quận, huyện thực hiện.

Về việc xử lý công trình tồn đọng, ông Võ Hoàng Huân, Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị quận 7, nêu một số khó khăn trong quá trình thực hiện các quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm. Đặc biệt, nhiều công trình sai phép thực hiện trên công trình cũ, nên việc tháo dỡ phần sai phép nhưng không ảnh hưởng đến công trình cũ là rất khó khăn. Nếu gây ảnh hưởng thì chủ đầu tư có thể khiếu kiện, nên các đơn vị thi công ngại tham gia cưỡng chế.

Vì thế, công việc này được dồn cho Công ty Dịch vụ công ích quận 7, gây ra quá tải. Ngoài ra, có trường hợp kế hoạch cưỡng chế đã có nhưng đến gần thời điểm cưỡng chế, chủ công trình thông báo tự tháo dỡ. Khi đó, kế hoạch cưỡng chế phải dừng lại, chi phí nhân công, thuê mượn máy móc vẫn phải chi trả.

Ông Đinh Nho Quyền, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 7, thông tin thêm, trong quá trình khảo sát, lập phương án tháo dỡ có nhiều chủ công trình không hợp tác, khiến thời gian lên phương án cưỡng chế kéo dài.

Phân loại công trình để xử lý

Vấn đề “đau đầu” trong xử lý công trình vi phạm xây dựng tồn đọng còn xuất phát từ sự thiếu chặt chẽ trong lập hồ sơ xử lý, dẫn đến khiếu kiện khi có quyết định cưỡng chế. Đơn cử, TAND TPHCM vừa thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Lâu Đài Ven Sông (Riverside Palace) đối với quyết định của Chủ tịch UBND quận 4.

Cần tạo điều kiện khắc phục hậu quả

Trong buổi làm việc mới đây tại quận 7, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, cho rằng cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng là việc chẳng đặng đừng. Bởi trong nhiều trường hợp, trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ quy hoạch, thiết kế, nhà mẫu có thể thay đổi. Do đó, nếu hiện nay có thể điều chỉnh được thì chủ động giải quyết cùng chủ đầu tư, tạo điều kiện cho người dân khắc phục hậu quả.

Cụ thể, Riverside Palace viện dẫn văn bản của UBND quận 4 (tháng 3-2016), chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) được lắp đặt tạm công trình tại số 360-360D Bến Vân Đồn. Sau khi lắp đặt, Khahomex bàn giao công trình cho Riverside Palace khai thác, vận hành. Vì vậy, việc UBND quận 4 có quyết định buộc Riverside Palace tháo dỡ công trình nêu trên là sai chủ thể pháp lý.

Tại quận Thủ Đức, trong số hơn 360 công trình vi phạm xây dựng cần xử lý, có nhiều công trình được xây dựng không phép từ các năm trước và hồ sơ xử lý chưa đầy đủ. Do đó, địa phương mất nhiều thời gian xác minh, củng cố hồ sơ, nhằm tránh gặp rắc rối trong khiếu kiện. Đây cũng là lý do dẫn đến thời gian xử lý kéo dài. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong thực hiện quyết định cưỡng chế là quận Thủ Đức đã tổ chức phân loại các công trình vi phạm còn tồn đọng và có kế hoạch xử lý phù hợp.

Theo đó, đối với hơn 110 công trình đã xử lý trong năm 2019, qua việc kiên trì vận động thì 67 công trình được chủ đầu tư tự tháo dỡ. Ngoài ra, quận cũng hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho nhiều công trình trái phép (những nơi đất ở đô thị, phù hợp quy hoạch) và cho tồn tại, thay vì cưỡng chế. Bên cạnh đó, quận yêu cầu các phường kiên quyết xử lý, cưỡng chế những công trình xây dựng không phép trên đất công, đất không phù hợp quy hoạch hoặc trên đất nông nghiệp… 

Các tin khác