Bất cập thu phí BOT từ đâu?

(ĐTTCO) - Sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp (DN) với các trạm thu phí BOT thời gian qua ngày một gia tăng, cho thấy những bất cập của cơ chế thu hút đầu tư BOT trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.

 Những bất cập này đã được các nhà quản lý, nhà đầu tư và hiệp hội ngành nghề chỉ ra trong buổi tọa đàm về đầu tư BOT vừa diễn ra, đó là trong cách đặt trạm thu phí và phương pháp “thu phí hở” tại các trạm BOT hiện nay.

Không phải lỗi nhà đầu tư 

Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại trạm thu phí hiện nay, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung, theo hướng miễn giảm cho người dân xung quanh trạm thu phí theo khoảng cách và mức độ. Chẳng hạn, cách trạm thu phí bao nhiêu km sẽ được miễn hoàn toàn, cách bao nhiêu km sẽ được miễn 70%, 50% hay 20% phí.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT)

Theo nhiều chuyên gia, cả nước hiện đã đầu tư khoảng 70 dự án BOT trong lĩnh vực phát triển giao thông đường bộ, có dự án đã đi vào vận hành, khai thác, thu phí cả chục năm nhưng đến nay mới bàn về những bất cập trong cách “thu phí hở”.

Đúng là kẽ hở lớn trong thu hút đầu tư BOT. Là đơn vị tiên phong, năm 2003 Cienco4, đã đầu tư dự án BOT cầu Yên Lệnh, đường tránh TP Vinh, nhưng ngay lập tức đã vấp phải sự phải đối quyết liệt của người dân, DN sống gần trạm thu phí BOT. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Cienco 4 thừa nhận chúng ta đang áp dụng hình thức “thu phí hở”, tức người đi đường dài, đường ngắn cũng phải trả tiền như nhau. Nếu “thu phí kín” sẽ công bằng và chính xác hơn.

 Đại diện một DN làm BOT khác, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco, cho rằng DN BOT khó khăn không phải chỉ do người dân phản đối, mà cần làm rõ về mặt pháp luật. Lúc đăng ký dự án, nhà đầu tư báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được Chính phủ, địa phương đồng ý. Trước khi cấp chứng nhận đầu tư, Bộ KH-ĐT xin ý kiến thêm một lần nữa về dự án BOT và đã nhận được sự đồng thuận. Khi quyết định vị trí trạm thu phí, Bộ GTVT tiếp tục xin ý kiến. Đến lúc đó nhà đầu tư mới triển khai dự án.

Vì thế, việc cơ quan nhà nước can thiệp vào hợp đồng của nhà đầu tư là chưa đúng. Nếu giải quyết tình trạng hiện nay không có tình và có lý hậu quả rất lớn. Việt Nam đang vay vốn để đầu tư BOT, nhưng không thu phí lấy tiền đâu trả nợ? Một điều cần nói rõ, thu phí là Nhà nước thu, không phải nhà đầu tư. Quan tâm đến người dân là đúng, nhưng cần phải có chế tài, chính sách như quy định bán kính cụ thể được miễn và giảm cho dân, mức giảm bao nhiêu và Nhà nước phải có chính sách bù đắp cho nhà đầu tư.

Đồng quan điểm này, ông Lương Văn Sơn, Giám đốc Ban chiến lược đầu tư Tổng công ty Sông Đà, cho rằng cần có chính sách miễn giảm chung cho mọi dự án BOT hiện nay, không riêng dự án nào để dân đỡ phản ứng. Lợi ích của BOT đem lại rất lớn đối với cả DN và xã hội, nhưng lợi ích cho xã hội nhiều người cũng chưa hiểu hết. Hơn nữa, các chính sách về đầu tư BOT cũng phải thống nhất, nếu không sẽ mang đến rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, nhiều nước trên thế giới áp dụng 2 hình thức thu phí kín và hở. Đã thu phí lượt - phí hở, chắc chắn sẽ có bất cập là không mang công bằng tuyệt đối cho tất cả đối tượng. Một chính sách tốt phải mang lại lợi ích cho đại đa số người dân. Với cách thu phí hở nhà đầu tư cũng chịu thiệt, chẳng hạn toàn bộ xe cộ đi từ Nghi Xuân vào Hà Tĩnh đi qua đường BOT do Cienco 4 làm, nhưng nhà đầu tư không thu phí được.

Trạm thu phí Bến Thủy nối liền hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, nơi tranh chấp nhiều nhất vì người dân cho rằng không sử dụng được BOT nhưng vẫn phải trả phí.

Trạm thu phí Bến Thủy nối liền hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, nơi tranh chấp nhiều nhất vì người dân cho rằng không sử dụng được BOT nhưng vẫn phải trả phí.

Không đặt trạm gần đô thị

Từ thực tế tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội đối với các dự án BOT phía Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhấn mạnh giải pháp không đặt trạm thu phí BOT gần các đô thị để giảm bức xúc của người dân. “Nhà nước, nhà đầu tư nói đúng quy trình, tôi đồng ý nhưng quy trình đó có vấn đề. Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí không thể chấp nhận được.

Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều quy trình sẽ đúng đắn. Hơn thế, đừng đặt BOT ở đầu đường hoặc cuối đường, gần các TP, thị xã, thị trấn bởi người dân qua lại nhiều. Dự án BOT thu phí khó khăn hơn đường cao tốc nhưng vẫn phải có giải pháp thiết thực để người dân tâm phục khẩu phục. Nếu DN BOT tử tế, người dân sẽ hiểu điều đó và không gây khó khăn gì” - ông Thanh kiến nghị.

Trong khi đó, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định lợi ích BOT là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, việc đặt các trục BOT có cái không phù hợp, đặt vào đường khu đông dân cư khiến dân rất bức xúc, cái đó không nên. Những bất cập ở trạm thu phí không phải do DN làm sai pháp luật mà do DN làm chưa kín kẽ.

Còn bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhấn mạnh khi làm dự án phải tính đến kinh tế - xã hội, khả thi về tài chính. “Chúng ta có nhiều năm kinh nghiệm làm BOT nhưng chúng ta phải hiểu đến khả năng của toàn xã hội, nhìn về khía cạnh thị trường. Nếu không có cơ chế thị trường, cạnh tranh, đảm bảo các dự án có khả thi về tài chính, dự án BOT khó phát triển trong thời gian tới” - bà Quỳnh Lê cảnh báo.

Các tin khác