3.735 tỷ đồng xây Nhà ga cảng hàng không Cam Ranh

(ĐTTCO).- Sáng 27-2, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Vietcombank chi nhánh Nha Trang, Vietinbank chi nhánh Khánh Hòa và CTCP Nhà ga quốc tế Cam Ranh đã cùng ký kết hợp tác tài trợ vốn xây dựng dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
 

Dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh do Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên đến 3.735 tỷ đồng, được xây dựng tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).

Theo đó, ngoài số vốn 20% mà CRTC tự có, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nha Trang và Vietinbank Khánh Hòa mỗi ngân hàng tài trợ 50% số vốn còn lại, trong đó Vietcombank Nha Trang làm đầu mối chính.

Dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh chính thức được khởi công vào ngày 8-9-2016 trên diện tích 60.000m², với thiết kế sân đỗ dành cho máy bay thân rộng, 6 sân đỗ cơ động cùng 8 đường ống đón khách và 12 thang cơ động.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công với khả năng đón khách cao điểm lên đến 2.000 hành khách, công suất 4 triệu khách/năm.

Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào năm 2030 với công suất đón 8 triệu khách/năm và khả năng phục vụ lúc cao điểm hơn 4.000 khách.

Được biết, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh hiện đang quá tải. Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, công suất thiết kế của cảng hiện chỉ đón 1,5 triệu lượt khách/năm. Nhưng năm 2015, Cảng Cam Ranh đã đón tổng lượng khách hơn 2,7 triệu lượt khách, vượt gần 200% công suất thiết kế.

Đầu năm 2016, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã đầu tư, nâng công suất lên 2,5 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, lượng khách đến Cảng Cam Ranh ngày một tăng khiến tình trạng quá tải thường xuyên diễn ra. Số liệu mới nhất cho thấy, 8 tháng đầu năm 2016, lượng khách qua Cảng Cam Ranh đã lên con số 3,3 triệu lượt. Bên cạnh đó, việc tăng cường các chuyến bay quốc tế sử dụng máy bay thân rộng (code E), đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải được nâng cấp càng nhanh càng tốt.

Các tin khác