Ngày 14/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã họp và thông qua tờ trình của Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh về quy mô, số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh.
Ông Đặng Hoàng Chương, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh, cho biết tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh đi qua 3 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bến Cầu.
Tuyến đường có tổng chiều dài 26,3km. Điểm đầu giáp ranh giữa huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), điểm cuối kết nối với Quốc lộ 22 hiện hữu, trước cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng 2km về phía Bắc.
Quy mô hoàn chỉnh của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 6 làn xe chạy, mỗi làn rộng 3,75 mét với tốc độ thiết kế 120 km/giờ; dải phân cách giữa của tuyến cao tốc là 3 mét; dải an toàn 2 bên, mỗi bên 0,75 mét; dải dừng xe khẩn cấp 2 bên, mỗi bên 3 mét; lề trồng cỏ 2 bên, mỗi bên 0,75 mét.
Theo ông Đặng Hoàng Chương, diện tích đất được thu hồi để thực hiện đường cao tốc (qua địa phận tỉnh Tây Ninh) dự kiến là 223,82ha với số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng dự kiến gần 1.000 tỷ đồng.
Trong số đó, đền bù đất ở là gần 103 tỷ đồng, đền bù đất nông nghiệp là trên 200 tỷ đồng, đền bù nhà cửa, vật kiến trúc là gần 200 tỷ đồng; đền bù cây trồng, vật nuôi là trên 110 tỷ đồng... Kinh phí bồi thường kể trên, được sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Trước đó, ngày 14/10/2019, dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện; Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh phối hợp triển khai dự án.
Toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài có tổng chiều dài 53,5 km, điểm đầu là nút giao thông đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), đi song song với quốc lộ 22. Điểm cuối cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 2km về hướng phía Bắc, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh dài 26,3km.
Theo thiết kế hoàn chỉnh, tuyến cao tốc đoạn Thành phố Hồ Chí Minh có 8 làn xe, đoạn qua tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe.
Trong điều kiện nguồn vốn của Trung ương đang khó khăn, hai tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ sử dụng ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng trên địa phận mình quản lý, nhanh chóng giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.
Ngày 26/10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị ký kết kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, trong đó mỗi bên cam kết sẽ tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bảo đảm đến năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường này, góp phần giảm áp lực vận tải cho quốc lộ 22, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội hai địa phương và khu vực.
Các tin, bài viết khác
Chính phủ sẽ chọn đơn vị có đủ năng lực để làm sân bay Long Thành
Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với hạ tầng giao thông
Thành ủy TP.HCM ra chỉ thị tập trung đảm bảo tiến độ dự án metro
Khẩn trương khắc phục hư hỏng trên QL1A
Tuyển chọn “Ý tưởng thiết kế không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành”
Né trạm thu phí, hàng trăm ô tô chạy vào cao tốc đang thi công
Khu vực phía Nam sẽ có thêm 313km đường cao tốc
Xử lý vướng mắc các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư
Thu phí không dừng: Lợi ích thấy rõ nhưng vẫn quẩn quanh
Thời gian thu phí cao tốc TP. HCM-Mộc Bài được rút ngắn 13 năm