Sóng gió mùa ĐHCĐ 2017 (K1): Những đại gia lỡ bước

(ĐTTCO) - Đến hẹn lại lên, mùa ĐHCĐ năm 2017 dự báo sẽ rất nóng với những sự kiện không mới nhưng sẽ không bao giờ cũ đối với các cổ đông và NĐT.

(ĐTTCO) - Đến hẹn lại lên, mùa ĐHCĐ năm 2017 dự báo sẽ rất nóng với những sự kiện không mới nhưng sẽ không bao giờ cũ đối với các cổ đông và NĐT. Đó là những vấn đề về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, phát hành CP tăng vốn, chia cổ tức hay nhân sự. Đặc biệt, sức nóng năm nay sẽ còn rát hơn khi TTCK đang tăng tích cực khiến CP tăng khủng, doanh nghiệp có làm tốt sứ mệnh với cổ đông?

Từng là doanh nghiệp mạnh, thậm chí là đơn vị đầu ngành nhưng nhiều công ty niêm yết lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan do thua lỗ kéo dài. Đây cũng là những doanh nghiệp được dự báo sẽ nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất từ các cổ đông trong mùa ĐHCĐ năm nay.

PVB - bi quan về tương lai 

Theo thống kê, hiện có khoảng 300 doanh nghiệp niêm yết không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, trong bối cảnh tỷ giá biến động thất thường và lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại.

2016 là năm hoạt động kém hiệu quả nhất của CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) trong nhiều năm trở lại đây. Theo BCTC năm 2016, doanh thu của PVB chỉ đạt 6,4 tỷ đồng (tương đương 3% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế âm 53,9 tỷ đồng (kế hoạch lãi 5,8 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do các dự án trong kế hoạch đã bị hoãn hoặc chậm tiến độ, khiến doanh nghiệp không đạt kế hoạch đề ra, bao gồm: Lô B Ô Môn (155 tỷ đồng) và các dự án của Vietsopetro (85 tỷ đồng).

Thành tích tốt nhất của PVB trong năm này là công tác thu hồi công nợ một số dự án tiến triển tốt, góp phần giảm khoản phải thu từ mức 310 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 47,8 tỷ đồng. Nguồn vốn thu về giúp công ty trả hết nợ vay và quỹ tiền mặt khá dồi dào, khoảng 172 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016.

 Tuy nhiên, trao đổi với NĐT, đại diện doanh nghiệp khá bi quan về triển vọng kinh doanh trong 3 năm tới, đặc biệt trong năm 2017 do thiếu sự đóng góp từ các dự án lớn. Thực tế cho thấy các dự án lớn mang lại kỳ vọng cho NĐT trong thời gian qua như Lô B Ô Môn, Sư Tử Trắng, Nam Côn Sơn (giai đoạn 2) đều đang trong những bước đầu tiên là báo cáo khảo sát tính khả thi.

Theo nhận định của PVB, từ lúc dự án được chấp thuận phê duyệt, cho tới lúc tiến hành thi công cần thời gian khoảng 2-3 năm chuẩn bị cho thiết kế chi tiết, đấu thầu, đàm phán giá. Trong khi đó, các dự án đều đang vấp phải nhiều khó khăn về vốn đầu tư và những vấn đề trong việc đàm phán giá khí do liên quan đến giá phát điện, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu đang ở mức thấp.

Kỳ vọng đóng góp lớn nhất trong năm 2017 là từ dự án Cá Tầm, với giá trị ước tính 80 tỷ đồng doanh thu. Thế nhưng, do thời gian thực hiện dự án vào khoảng quý IV, nên khả năng tiến độ bị đẩy lùi sang 2018. Triển vọng dài hạn sớm nhất được kỳ vọng từ dự án Sư Tử Trắng trong kịch bản lạc quan nhất cũng chỉ có thể giúp PVB ghi nhận doanh thu từ cuối 2018.

Với tình trạng kém khả quan này, ĐHCĐ năm 2017 của PVB được dự báo không yên ả khi lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục lên kế hoạch lỗ trong năm 2017. Theo công bố, PVB đặt kế hoạch doanh thu 102 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm 24,9 tỷ đồng.

ĐHCĐ năm nay của PVB dự báo sẽ không yên ả khi tiếp tục lên kế hoạch... lỗ.

ĐHCĐ năm nay của PVB dự báo sẽ không yên ả khi tiếp tục lên kế hoạch... lỗ.

VOS - chìm trong thua lỗ

Với bề dày hơn 40 năm kinh nghiệm, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) từng được xem là doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu cả nước. Tính chất hàng đầu không chỉ thể hiện ở bề dày truyền thống mà còn bởi quy mô vốn, đội tàu, năng lực vận tải của VOS vượt xa tất cả doanh nghiệp vận tải biển trong nước.

Thế nhưng, VOS hiện đang lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài do giá cước vận tải giảm sâu. BCTC quý IV-2016 được VOS công bố mới đây cho thấy doanh thu đạt 312 tỷ đồng (giảm 30%). Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của VOS âm 57,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp 50,45 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính ghi nhận doanh thu âm 11,5 tỷ đồng và chi phí của hoạt động này tăng 34%, lên 58,2 tỷ đồng. Với kết quả này, VOS lỗ ròng 122,4 tỷ đồng trong quý IV, cao gấp 6 lần khoản lỗ của quý IV-2015. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp VOS không biết đến lợi nhuận.

Theo giải trình của VOS, trong bối cảnh giá nhiên liệu và tỷ giá đồng USD lại tăng, dù doanh nghiệp vẫn áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí theo hướng chi đúng, chi đủ, nhưng do thị trường duy trì ở mức kém quá lâu, lượng cung tàu tăng làm giá cước tiếp tục sụt giảm, đã khiến kết quả kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng rất lớn. Với việc thua lỗ suốt cả 4 quý, lũy kế cả năm 2016, VOS lỗ ròng hơn 359 tỷ đồng (năm 2015 lỗ 298 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31-12-2016, tổng tài sản của VOS đạt 4.239 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên đến 3.610 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 80% (2.899 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu 619 tỷ đồng (giảm 37% so với đầu kỳ); lỗ lũy kế đang ở mức 810 tỷ đồng.

Cách đây 1 năm, HOSE đã ra Quyết định 129/QĐ-SGDHCM đưa VOS vào diện kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2014 âm 144,03 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2015 âm 297,9 tỷ đồng. Với lợi nhuận năm 2016 tiếp tục là con số âm, nhiều khả năng VOS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Đây thật sự là cú sốc đối với cổ đông và NĐT đang nắm giữ CP của doanh nghiệp này.

OGC - lực bất tòng tâm

CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) vừa thông báo kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 đối với công ty mẹ và hợp nhất. Theo công bố, OGC đặt mục tiêu tổng doanh thu 122 tỷ đồng, tổng chi phí 101 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng. Đối với chỉ tiêu hợp nhất, OGC đặt kế hoạch 1.271 tỷ đồng doanh thu (tăng nhẹ so với năm 2016); 1.247 tỷ đồng chi phí và lợi nhuận sau thuế âm 14 tỷ đồng.

Như vậy, 2 năm sau khi nguyên Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm bị bắt, OGC vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ với chỉ tiêu lợi nhuận tiếp tục âm, kể từ sau biến cố năm 2014 với lợi nhuận âm hơn 2.000 tỷ đồng. Theo BCTC năm 2016, lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ trên BCTC hợp nhất quý IV-2015 âm hơn 727 tỷ đồng.

Đây là thông tin không vui cho các cổ đông, bởi lẽ kết quả này đã “tích cóp” thêm vào con số lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm 2016 ở mức 2.482,31 tỷ đồng. Theo OGC, 2 nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ khủng trong năm 2016 do doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm mạnh so với năm ngoái và mức thua lỗ trong các công ty liên kết lại tăng mạnh.

Ngay sau khi nhận được BCTC của OGC, HOSE đã có công văn lưu ý đối với NĐT về nguy cơ CP của doanh nghiệp này sẽ bị đưa vào diện kiểm soát, nếu lợi nhuận sau thuế năm 2016 của cổ đông mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 vẫn tiếp tục âm.

Điều đáng nói, tại ĐHCĐ năm 2016, trước câu hỏi của cổ đông về khả năng OGC bị đưa vào diện kiểm soát, HĐQT của tập đoàn này hứa sẽ nỗ lực hết sức để giảm số lỗ lũy kế và có lợi nhuận dương từ những năm tới. Nay với nguy cơ CP bị đưa vào diện kiểm soát đang cận kề, khả năng HĐQT của OGC sẽ phải vất vả để trả lời các câu hỏi của cổ đông, nếu ĐHCĐ được tổ chức thành công.

Mùa ĐHCĐ năm 2016, sau 3 lần triệu tập, OGC mới tổ chức được ĐHCĐ do không đủ số cổ đông có quyền biểu quyết tham gia. Cũng tại ĐHCĐ năm 2016, lãnh đạo OGC đã chia sẻ cảm giác của những người bị bỏ rơi khi cổ đông không mặn mà với ĐHCĐ. Các cổ đông không tham dự với lý do không còn hy vọng về tương lai của “con tàu” đang chìm dần.

Các tin khác