Tiết lộ thông tin mật cho Nga, ông Trump có phạm tội phản quốc?

(ĐTTCO) - Dư luận Mỹ đang chấn động sau khi tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 15.5 cáo buộc Tổng thống Donald Trump làm lộ thông tin tuyệt mật về chiến dịch chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tại thủ đô Washington D.C. vào tuần trước.
Donald Trump gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào tuần trước
Donald Trump gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào tuần trước
Ngạc nhiên thay, kể cả trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ thông tin tình báo mật cho Nga thì ông cũng không phạm pháp, theo các chuyên gia pháp lý.
Dư luận Mỹ đang chấn động sau khi tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 15.5 cáo buộc Tổng thống Donald Trump làm lộ thông tin tuyệt mật về chiến dịch chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tại thủ đô Washington D.C. vào tuần trước.
Dù Nhà Trắng đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này, nhiều người dân Mỹ vẫn ngờ vực, và số lượt tìm kiếm trên Google với từ khoá “ông Trump phản quốc” đã tăng vọt.
Truyền thông Mỹ nhanh chóng vào cuộc để phỏng vấn các chuyên gia pháp lý. Theo luật Mỹ, tiết lộ thông tin mật là bất hợp pháp. Như vậy, giả sử Tổng thống Trump đã tiết lộ thông tin mật với Nga thì đó có phải là hành động phi pháp không?
Thật bất ngờ, câu trả lời là không, hành vi này không vi phạm pháp luật và cũng không phải là phản quốc. Đài NBC (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia pháp lý cho biết Tổng thống Trump là người duy nhất trong chính phủ có quyền “tùy ý” tiết lộ bất kỳ thông tin gì ông muốn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thường quyết định giải mật thông tin sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và hội ý với các luật sư nhằm đảm bảo thông tin được giải mật phục vụ lợi ích người dân.
Tiết lộ thông tin mật cho Nga, ông Trump có phạm tội phản quốc? - ảnh 1
Hiến pháp nước Mỹ cũng nêu rõ những quyền hành của Tổng thống, bao gồm giải mật thông tin an ninh quốc gia và ra sắc lệnh hành pháp mà không cần quốc hội thông qua. Ông Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, hồi năm 2009 cũng ra một sắc lệnh hành pháp, đưa ra các tiêu chí về giải mật thông tin an ninh quốc gia và chống khủng bố.
Tuy nhiên, việc ông Trump chia sẻ thông tin mật mà không được sự cho phép của nguồn tin được xem là vi phạm nghiêm trọng quy ước mặc định của hoạt động tình báo, và có khả năng tác động xấu đến một quan hệ chia sẻ thông tin trọng yếu.
Bên cạnh đó, hành động của ông Trump cũng bị chỉ trích vì "tiêu chuẩn kép". Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã không ngừng khai thác việc đối thủ Hillary Clinton tiếp nhận thông tin mật qua máy chủ email cá nhân, và kêu gọi "bỏ tù" bà Clinton vì vi phạm này. Thế nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy bà Clinton đã làm lộ thông tin nhạy cảm của đồng minh, hay chuyển thông tin mật cho đối thủ.
Trong một bình luận trên Twitter ngày 19.4.2016, ông Trump lúc bấy giờ là ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa từng khẳng định cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden phải bị tử hình về tội phản quốc, rò rỉ thông tin mật của NSA cho báo giới, phơi bày chương trình do thám của Mỹ khắp thế giới. Đáp lời ông Trump, Snowden, đang tị nạn ở Nga, tuyên bố anh ta không sợ chết và không làm điều gì sai trái.

Các tin khác